Nông dân Thạch Thất bức xúc “đòi” việc làm

(Dân trí) - Có một nghề gì đó ổn định, tại chỗ, có thu nhập... là niềm mong ước của đại bộ phận nông dân ở 5 xã của huyện Thạch Thất (Hà Tây) có đất bị thu hồi cho Khu Công nghệ cao Hoà Lạc và các dự án khác. Nhưng, niềm mong ước này dường như khó thành hiện thực...

Nghề phụ hồ là công việc mà cả nam giới và rất nhiều phụ nữ ở các xã Thạch Hoà, Bình Yên đã và đang làm từ nhiều năm nay.

 

Chị Hoàng Thị Sáu ở thôn Vân Lôi, xã Bình Yên có 6 sào đất canh tác, sắp tới sẽ bị thu hồi toàn bộ cho Khu Công nghệ cao Hoà Lạc. Gia đình chị có 5 lao động. Ngoài sản xuất nông nghiệp, từ năm 2002, chị còn nuôi được vài trăm con ngan. Ba con của chị, ngoài thời gian làm nông nghiệp, đều đi phụ hồ xây dựng các công trình quanh xã. Sáng đi tối về. Còn chồng chị làm thợ nề đã hơn 30 năm nay.

 

Chị Sáu cho than vãn: “Vất vả, nhọc nhằn,  tiền công lại thấp, chỉ đủ chi tiêu hàng ngày. Lúc trẻ khoẻ thì còn làm được, chứ lúc đau ốm, có tuổi, thì chả biết trông cậy vào đâu. Vậy mà sắp tới lại không còn đất sản xuất nông nghiệp thì chúng tôi biết làm gì đây?”.  

 

Còn chị Lê Thị Thư, cũng ở thôn Vân Lôi, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên 2 cô con gái của chị chỉ học hết cấp II sau đó đi phụ hồ. Theo cháu Thủy thì thanh niên trong làng chủ yếu đi xách vôi vữa, vì không còn nghề gì khác.

 

Khi chúng tôi hỏi tại sao không xin vào làm ở các doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn của huyện thì tất cả đều trả lời do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không thể lấy đâu ra được vài triệu để nộp công ty hay doanh nghiệp khi muốn xin việc.

 

Chị Thư cho biết, năm 2001, Hội Phụ nữ xã đã tổ chức lớp học nghề mây tre giang đan. Nhưng chỉ nhập hàng được 3-4 lần, rồi không nhập được nữa, do không có người thu mua. Thế là phải bỏ nghề. Năm sau, Hội Phụ nữ lại mở lớp học thêu ren và cũng chỉ được một thời gian vì hàng ít nên không xuất được. Lại đành bỏ!

 

Xã Thạch Hoà tổng diện tích là 3.200ha, thì cho tới nay, đã có quyết định thu hồi 2.810ha để phục vụ cho 8 dự án của Trung ương và của tỉnh, nghĩa là xã Thạch Hoà sẽ bị mất gần 90% diện tích! Còn lại một số xã như Bình Yên, Hạ Bằng, Tân Xã, Ðồng Trúc cũng phải dành một phần diện tích cho các Dự án.

 

Chị Ðào Thị Mạc, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Yên, cho biết: Hội Phụ nữ xã có 1.300 hội viên, trong đó có 85% chị em trong độ tuổi lao động làm nông nghiệp. Xã không có nghề phụ. Có 15% số chị em đi làm thuê cho các quán hàng ở đường 21. Số chị em đi xách vôi vữa, phụ hồ có khoảng 30%. Ngoài ra còn đi chợ buôn bán; đến mùa vụ thì đi gặt thuê, cấy thuê.

 

Một số thanh niên trong xã đi làm thuê ở các xã làng nghề: Con gái thì đánh giấy ráp, con trai phun sơn. Một tháng chỉ được 300-400 ngàn đồng và 1 bữa ăn trưa. Nhưng điều kiện lao động rất khắc nghiệt, nhiều cháu đã phải bỏ, vì mắc bệnh tật.

Chủ tịch UBND xã Bình Yên Lê Văn Mão cho biết: “Tổng diện tích của xã Bình Yên là 1.067,28 ha. Toàn bộ xã sẽ mất 302 ha cho Khu Công nghệ cao, nghĩa là gần 1/3 diện tích. Cũng có nghĩa là khoảng chừng 1/3 số hộ dân của xã (trong tổng số 1976 hộ) bị mất đất canh tác”.  

 

Trả lời câu hỏi của chúng tôi: Hàng năm, xã có bao nhiêu thanh niên tốt nghiệp ra trường? Có bao nhiêu người dân trong xã đi làm việc bên ngoài? Hiện có bao nhiêu thanh niên được vào làm ở các doanh nghiệp trên địa bàn? Chủ tịch UBND xã đều trả lời: “Không nắm được” hoặc “Không biết, chưa làm điều tra”. Rõ ràng là, khi chính quyền xã không nắm bắt cụ thể về tình hình lao động, về nhu cầu việc làm của họ, thì cũng không thể có hướng và chương trình giải quyết việc làm cho người lao động!

 

Còn Bí thư Ðảng uỷ xã Thạch Hoà Tạ Ngọc Hách cho biết: Hiện tại có 5-6 doanh nghiệp vào địa bàn xã, nhưng thu hút được rất ít lao động người địa phương, bởi lao động địa phương có nhiều hạn chế, hầu hết chỉ sử dụng được vào những công việc lao động chân tay.

 

Khi được hỏi định hướng của xã về tạo việc làm cho nông dân bị mất đất canh tác, ông Hách trả lời rất chung chung: “Việc đó rất khó khăn. Hãy để tự người lao động quyết định việc làm của họ!” Ðược biết, từ năm 1995, Hội Nông dân xã Thạch Hoà cũng đã mở được 1 lớp dạy nghề mây tre giang đan, song do không lo được “đầu ra”, nên nghề này không tồn tại được.

 

Mai Minh