1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nông dân rào ruộng, đỏ mắt trông trăng, chờ đất "mọc lộc"

Hoàng Lam

(Dân trí) - Những thửa ruộng được đóng cọc, chăng lưới vây xung quanh sẵn sàng cho một mùa rươi, loài "rồng đất" được bán với giá cả nửa triệu đồng/kg.

Nằm gần cuối dòng sông Lam, xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An được thiên nhiên ưu đãi cho những cánh đồng "mọc" rươi. Trước đây, vào mùa, người dân thường tranh thủ dùng rổ, lưới đi vớt rươi về chế biến những món ăn hay bán ở các chợ quê.

Nông dân rào ruộng, đỏ mắt trông trăng, chờ đất mọc lộc - 1

Trên những cánh đồng thuộc xã Châu Nhân, người dân đã chăng lưới sẵn sàng chờ "lộc đất" (Ảnh: Hoàng Lam).

Từ khi loài động vật thân mềm này trở thành đặc sản, rươi trở thành món hàng có giá trị kinh tế cao. Do đó, việc thu hoạch rươi cũng không còn mang tính tự phát như trước mà đã có tính toán, đầu tư hơn.

Rươi thu hoạch đến đâu sẽ được thương lái, các chủ nhà hàng đặc sản vào cân mua tận ruộng. Tuy nhiên, giá rươi sẽ phụ thuộc vào thị trường, có thời điểm lên tới gần 500.000 đồng/kg nhưng cũng có khi xuống còn khoảng 380.000 đồng/kg.

Nông dân rào ruộng, đỏ mắt trông trăng, chờ đất mọc lộc - 2

Người dân cẩn thận dùng lưới vây kín bốn phía để rươi không lọt ra khỏi ruộng của mình (Ảnh: Hoàng Lam).

Mùa rươi thường từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch, kéo dài đến tháng 11. Rươi "mọc" theo kỳ trăng, mỗi tháng 2 lần, vào đầu và giữa tháng. Thời điểm rươi "mọc", cánh đồng như vào mùa hội, nhấp nhánh ánh đèn người đi vớt "lộc". Có những hộ dân may mắn có thể kiếm được 5-7 triệu đồng mỗi đêm.

Rươi được xem là "lộc đất", lộc vào ruộng ai, người ấy hưởng. Cả cánh đồng rộng lớn không phải ruộng nào cũng có rươi. Dù hên xui vậy nhưng nhà nào cũng chuẩn bị kỹ cho mùa đón lộc. Rươi là loài khó tính, nên ruộng phải sạch, cày bừa kỹ. Bởi vậy, vào mùa lúa, người dân ở đây hầu như không sử dụng thuốc trừ sâu, trừ cỏ để giữ cho đất sạch.

Nông dân rào ruộng, đỏ mắt trông trăng, chờ đất mọc lộc - 3

Ông Võ Văn Quế mang lưới đi chăng ngoài ruộng để đón rươi (Ảnh: Hoàng Lam).

"Cây lúa phải cấy rất thưa, bón phân đạm, lân, kali để thân cứng, chống chọi được bệnh tật. Lúa thu hoạch xong thì phải cày bừa đất thật nhuyễn, bón phân chuồng đã ủ kỹ cho hoai mục để chuẩn bị thức ăn cho rươi. Cũng không biết đúng hay sai nhưng ông cha truyền lại, ruộng bón phân sẽ nuôi rươi béo mập, năng suất, chất lượng hơn", ông Võ Đình Lan (xóm Phú Xuân, xã Châu Nhân) cho hay.

Nông dân rào ruộng, đỏ mắt trông trăng, chờ đất mọc lộc - 4

"Mà" rươi dày đặc, dự báo rươi mọc nhiều (Ảnh: Hoàng Lam).

Ông Lan có hơn 6 sào ruộng nhưng chỉ 2 sào có rươi. Từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch, lão nông gần 70 tuổi này đã mang cọc tre, lưới ra rào quanh ruộng, dùng bùn đất đắp kỹ chân lưới, sẵn sàng chờ rươi "mọc".

Nếu như các năm trước, tầm cuối tháng 8 âm lịch đã bắt đầu có rươi "mọc" thì nay đã qua tháng 10, rươi vẫn chưa xuất hiện. Ông Lan cũng như hàng trăm hộ dân ở đây đang đỏ mắt chờ rươi, bởi đây là nguồn thu nhập chính của người dân trong khoảng thời gian này, hiệu quả cao hơn nhiều lần so với trồng lúa, mặc dù giá rươi thường không ổn định.

Nông dân rào ruộng, đỏ mắt trông trăng, chờ đất mọc lộc - 5

Với những hộ có nhiều ruộng rươi, người dân đào "trộ", chăng lưới sẵn để chờ rươi theo dòng thủy triều xuống thay vì dùng rổ vớt (Ảnh: Hoàng Lam).

Ông Võ Văn Quế (xóm Phú Xuân) có một mẫu hai ruộng rươi, trong đó 2 sào là đất khẩu (đất ruộng chia cho người dân), còn lại là ruộng đấu thầu của xã.

"Hồi năm ngoái, có đêm hai vợ chồng tôi thu cả tạ rươi. Ruộng được rào bằng lưới, nước sông lên thì bắt đầu có rươi, khi nước rút cũng là lúc rươi "mọc". Cứ mỗi ruộng tôi làm một cái "trộ" (hõm nước sâu đào phía cuối ruộng - PV), rươi theo dòng chảy của nước chui hết vào lưới. Cứ đi từng "trộ" thu lưới, đổ vào thùng thôi", ông Quế vừa đóng lưới vào "trộ", vừa chia sẻ.

Nông dân rào ruộng, đỏ mắt trông trăng, chờ đất mọc lộc - 6

Nhiều thửa ruộng đã được chăng lưới sẵn sàng chờ thủy triều lên để rươi "mọc" (Ảnh: Hoàng Lam).

Năm nay, một mẫu hai ruộng rươi của ông Quế mới chỉ cho thu hoạch được hơn 1kg. Thứ đặc sản đầu mùa này ông luộc kỹ, chế biến thành món rươi xào măng để đãi khách từ xa tới chơi.

Đi quanh ruộng rươi, ông Quế chỉ vào những lỗ nhỏ chi chít mặt đất giảng giải: "Đây là "mà" rươi. Khi nước vào thì rươi chui lên từ những cái lỗ này. Nhìn mặt ruộng như thế này thì khả năng sắp có rươi "mọc" và mọc nhiều đấy".

Tuy nhiên, phần lớn ruộng rươi của ông Quế thầu lại hiện vẫn chưa có nước, trong khi những thửa ruộng phía trong nước đã ngập khoảng gang tay. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Quế dự báo khoảng tầm 15-16/10 âm lịch này, rươi sẽ "mọc".

Nông dân rào ruộng, đỏ mắt trông trăng, chờ đất mọc lộc - 7

Người dân Châu Nhân đang đỏ mắt mong rươi (Ảnh: Hoàng Lam).

"Rươi là giống tự nhiên hoàn toàn, chưa nuôi được nên "ăn" hay "thua" thì phải chờ trời thôi. Mấy năm gần đây không hiểu là do môi trường, nguồn nước ô nhiễm hay sao mà năng suất rươi không được như trước kia. Nói thật, dân ở đây trồng lúa thì chỉ đủ ăn thôi, cả năm trông mong vào hết vào mùa rươi. Năm nay mùa rươi đã chậm đến gần 2 tháng rồi, nếu may thì còn khoảng 2-3 đợt "mọc" nữa là hết mùa", ông Quế nhẩm tính.