1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Gia Lai:

Nông dân lại ồ ạt bỏ cây cà phê, trồng chanh dây

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Nông dân Gia Lai đang ồ ạt giảm diện tích trồng cây chủ lực là cà phê để lấy đất trồng chanh dây. Quyết định đến từ chuyện thu nhập của loại cây ngắn ngày này đang tăng cao.

Những ngày cuối tháng 4, bà Nguyễn Thị Lan (xã Ia Tô, huyện Ia Grai, Gia Lai) cùng chồng dọn mảnh vườn rộng 6.000m2, đón chờ cơn mưa đầu mùa ở Tây Nguyên để xuống giống trồng chanh dây.

Nông dân lại ồ ạt bỏ cây cà phê, trồng chanh dây - 1

Nhiều diện tích vườn cà phê ở Gia Lai trước đây được dọn sạch để trồng chanh dây (Ảnh: Phạm Hoàng).

Bà Lan cho biết, gia đình đang sở hữu hơn 2ha đất nông nghiệp. Trên diện tích này, trước đây, hộ bà Lan trồng cà phê nhưng cây trồng chủ lực này hiện đã già cỗi, kém năng suất. Tổng thu nhập từ cây cà phê chỉ đủ cho việc mua phân bón, chi phí công chăm sóc.

Nhận thấy giá chanh dây đang cao, bà Lan quyết định thuê máy móc san ủi diện tích trồng khoảng 600 cây cà phê trước đây để có đất trống trồng chanh dây. Gia đình đầu tư hàng chục triệu để mua giống, làm giàn trồng chanh dây.

Nông dân lại ồ ạt bỏ cây cà phê, trồng chanh dây - 2

Đất trống trong vườn nhà bà Lan đang mưa đầu mùa ở Tây Nguyên để xuống giống trồng chanh dây (Ảnh: Phạm Hoàng).

"Vườn nhà tôi có khoảng 2000 cây cà phê. Tôi thấy chanh dây là cây ngắn ngày nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn nên bỏ 600 cây cà phê già cỗi để lấy đất trồng chanh dây.  Nếu vụ chanh này đạt lợi nhuận cao, gia đình sẽ tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng cà phê sang chanh dây. Việc trồng chanh cũng là hình thức cải tạo đất, trong khi chờ tái canh cây cà phê", bà Lan chia sẻ.

Nông dân lại ồ ạt bỏ cây cà phê, trồng chanh dây - 3

Những vườn cà phê già cỗi được nhổ bỏ để trồng chanh dây (Ảnh: T.T).

Hiện nay, giá chanh dây dao động 15.000 - 20.000 đồng/kg, cao điểm có lúc lên đến 40.000 đồng/kg.

Ông Rơ Châm Ja, (60 tuổi, ở xã Ia Mơ Nông) cho biết, sau 20 năm chỉ trồng cây cà phê, nay thấy nhiều hộ trồng chanh dây thu lãi hàng trăm triệu đồng trong khoảng nửa năm trồng và thu hoạch nên vợ chồng ông đầu tư 50 triệu đồng để trồng chanh dây.

Nhiều hộ nông dân ở Gia Lai chuyển đổi cây trồng từ cà phê sang chanh dây chia sẻ, trên diện tích trồng xen canh cây chanh dây, khi tái canh cà phê thì cây còi cọc, kém phát triển.

Nông dân lại ồ ạt bỏ cây cà phê, trồng chanh dây - 4

Cà phê tái canh trên diện tích trồng chanh dây bị còi cọc, kém phát triển (Ảnh: Phạm Hoàng).

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đào Lân Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, Gia Lai cho biết, đa số nông dân trên địa bàn đã chặt bỏ những cây cà phê kém năng suất, già cỗi để trồng chanh dây trong thời gian chờ tái canh cây cà phê.

Huyện cũng nhận thấy chanh dây là cây ngắn ngày nhưng hiệu quả kinh tế cao nên tăng cường rà soát diện tích và hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng hợp lý, tránh việc chuyển đổi ồ ạt trong khi chưa cân nhắc các lợi ích, hiệu quả về lâu dài khi chuyển đổi cây trồng.

Huyện cũng phối hợp với địa phương tìm kiếm các đơn vị uy tín để liên kết thu mua chanh dây cho bà con trên địa bàn.

Nông dân lại ồ ạt bỏ cây cà phê, trồng chanh dây - 5

Chính quyền địa phương khuyến cáo nông dân tránh chuyển đổi cây trồng ồ ạt khi chưa cân nhắc lợi ích lâu dài qua thực tế (Ảnh: T.T).

Hiện nay, tỉnh Gia Lai đang có khoảng 4.500 ha chanh dây. Từ tháng 7/2022, chanh dây Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, chanh dây còn xuất khẩu các nước thành viên EU, châu Mỹ, Malaysia, Hàn Quốc, tạo cơ hội cho việc sản xuất chanh dây của tỉnh.

Dự kiến đến năm 2025, tỉnh Gia Lai sẽ đưa diện tích trồng chanh toàn tỉnh lên 20.000ha, đưa nơi đây trở thành "thủ phủ" chanh leo của cả nước.

Tuy nhiên, chanh dây đang được trồng ồ ạt trong khi chất lượng cây giống chưa được kiểm soát. Vì vậy, chính quyền tỉnh đã yêu cầu cơ quan chức năng rà soát, khuyến cáo bà con cẩn trọng khi chuyển đổi cây trồng.

Nông dân Gia Lai san ủi diện tích trồng cà phê trước đây để lấy đất xen canh chanh dây (Video: Phạm Hoàng).