1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

“Nóng” chuyện đào tạo nhân lực ngành du lịch

Chất lượng đào tạo Ngành Du lịch - Dịch vụ ở nước ta thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và đang chịu sự cạnh tranh không nhỏ từ các nước ASEAN. Nhiều doanh nghiệp khi tuyển nhân sự dù đã có bằng cấp về du lịch nhưng vẫn phải đào tạo lại... Đây thực sự là câu chuyện "nóng" đối với ngành "công nghiệp không khói".

Phải đào tạo lại cử nhân

Hiện nay, nước ta có 284 cơ sở đào tạo du lịch trong đó có 62 trường đại học, 80 trường cao đẳng, 117 trường trung cấp, 2 công ty đào tạo và 23 trung tâm đào tạo nghề. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa cao, không đủ khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Hướng dẫn viên du lịch trong nước thiếu về số lượng, yếu về chất lượng là cơ hội để người nước ngoài hành nghề chui.
Hướng dẫn viên du lịch trong nước thiếu về số lượng, yếu về chất lượng là cơ hội để người nước ngoài hành nghề chui.

Không chỉ vậy, theo TS Hoàng Ngọc Hiển - Giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, hiện nay các trường đào tạo du lịch Việt Nam sẵn sàng nhận toàn bộ hồ sơ của thí sinh, không bắt buộc về điều kiện ngoại ngữ. Trong khi đó, tại Đại học Bangkok (Thái Lan) thí sinh muốn nhập học phải có TOEFL 500, IELTS 5.0, Trường Quản lý du lịch khách sạn SHRM (Singapore) yêu cầu IELTS 5.0 hoặc trải qua bài test đầu vào tại trường.

Như vậy, đầu vào của nước ta đã không bằng đầu vào các quốc gia trong khu vực. Còn về đầu ra thì nguồn lực cho du lịch được các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đánh giá là vừa thiếu lại vừa yếu.

TS Đồng Xuân Đảm - Trường Đại học Kinh tế quốc dân thừa nhận: “Năng lực cạnh tranh du lịch 2015 của Việt Nam chỉ xếp 55/141 quốc gia được khảo sát và có khoảng cách rất xa so với Thái Lan, Malaysia, Philippines. Điểm yếu nhất của chúng ta là các sinh viên yếu kém về ngoại ngữ, trong khi đây là thế mạnh của các nước Philippines, Singapore, Thái Lan, Malaysia.

Ông Trần Ngọc Lương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Mường Thanh cũng trực tiếp phản ánh tình trạng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch yếu kém, doanh nghiệp phải thuê giảng viên về đào tạo lại: “Khi tuyển dụng các sinh viên mới ra trường vào các vị trí dịch vụ - du lịch, chúng tôi phải mất thời gian đào tạo lại từ 6 đến 12 tháng. Chính vì thế, thời gian qua, chúng tôi phải tự triển khai đào tạo cho hơn 4.000 nhân viên để chuẩn bị nhân lực phục vụ cho 20 khách sạn đang xây và đưa vào sử dụng trong vòng 2 năm tới”.

“Ba nhà” phải liên kết

Đội ngũ nhân lực phục vụ cho Ngành Du lịch - Dịch vụ yếu kém, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế du lịch. Theo nghiên cứu của NSƯT Nguyễn Văn Khánh - Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, tính đến tháng 3-2016 Khánh Hòa có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ.

Trong đó có 700 cơ sở lưu trú, 200 doanh nghiệp lữ hành, còn lại là các cơ sở kinh doanh giải trí phục vụ du lịch. Có khoảng 23.000 người lao động trực tiếp nhưng số lượng chưa được đào tạo về du lịch chiếm tỷ lệ 69,5%. Trong khi thương hiệu và sản phẩm du lịch Khánh Hòa đã nổi tiếng trong cộng đồng kinh tế ASEAN như: Tắm bùn khoáng nóng Tháp Bà, cáp treo Vinpearlland vượt biển dài nhất thế giới, sản phẩm yến sào phục hồi sức khỏe nhưng lượng du khách quốc tế đến Khánh Hòa vẫn còn hạn chế. Nếu để tình trạng này kéo dài, Khánh Hòa sẽ mất lượng lớn du khách quốc tế.

Trước thực trạng trên, TS Nguyễn Văn Lưu (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) cho rằng, cần có sự liên kết giữa chủ trương và xây dựng hướng đi rõ ràng của “ba nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp.

Nhà nước không trực tiếp triển khai các hoạt động hợp tác liên kết phát triển nguồn nhân lực trong thực tế mà chỉ đóng vai trò chỉ đạo, triển khai thực hiện chiến lược, cấp kinh phí, đưa ra các chính sách hỗ trợ nhà trường và doanh nghiệp. Về phía nhà trường, rất cần sự đổi mới chương trình giáo dục, nâng cao năng lực đào tạo, dạy nghề.

Doanh nghiệp sử dụng nhân lực du lịch cũng nên tham gia vào quá trình đào tạo và bồi dưỡng nhân lực về mọi mặt như: Hướng nghiệp, cấp học bổng, tạo nơi học tập, kiến tập, góp ý vào giáo trình, cung cấp thông tin về nhu cầu lao động cho nhà trường.

Theo Tuệ Diễm/Báo Hà Nội mới