Đà Nẵng:
Nỗi niềm người thợ cuối cùng tại làng nghề rèn Lai Châu
(Dân trí) - "Nghề khiến người thợ mắt yếu dần, nguy cơ mắc bệnh phổi và giảm thính giác. Thu nhập trung bình mỗi thợ khi cao điểm chỉ từ 150.000-250.000 đồng/ngày..." - ông Ngô Tấn Đức (Đà Nẵng) tâm sự.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 3 đời làm thợ rèn tại Đà Nẵng, ông Ngô Tấn Đức (SN 1966, trú quận Cẩm Lệ) vẫn ngày ngày "giữ lửa" nghề truyền thống của gia đình và quê hương.
"Đỏ mắt" tìm lò rèn
Theo sự giới thiệu của nhiều người, chúng tôi tìm đến một "nhánh" của làng nghề lò rèn Lai Châu ở khu vực cầu vượt Hòa Cầm.
Nhiều người dân ở đây cho biết, vào những năm sau giải phóng, tại đây có trên chục lò rèn đỏ lửa suốt ngày. Cũng chính từ làng lò rèn này rất nhiều nông cụ như rựa, liềm, cuốc… được bán khắp cả nước và sang tận Campuchia và Lào.
Vậy mà giờ đây loay hoay một hồi, chúng tôi mới tìm được lò rèn duy nhất còn sót lại của ông Ngô Tấn Đức (SN 1966) cũ kỹ nằm khiêm tốn ven đường ray xe lửa.
Dưới cái nắng như thiêu đốt của trưa hè, một người đàn ông gầy gò, với gương mặt lem luốc vì bụi than bám đầy vẫn đang miệt mài quai búa bên lò lửa đỏ rực để duy trì cái nghề truyền thống đang dần lụi tàn.
Kéo vạt áo lau mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt đỏ hỏn vì nóng, ông Đức mở đầu câu chuyện về nỗi buồn của một nghề cha ông để lại, ông kể: "Thời thịnh vượng nhất của nghề rèn đã cách đây gần 40 năm. Khi đó tất cả mọi nông cụ như cuốc, rựa, lưỡi liềm đến con dao cắt rau đều do các lò rèn trong xóm làm hết".
Cũng theo ông Đức, thủa đó, ai đi qua đây có nhắm mắt cũng tìm được lò rèn. Vì cứ nghe phì, phò từ bể thổi, hoặc tiếng búa đập chan chát trên đe thì đó là lò rèn rồi.
Sản phẩm được làm ra không chỉ sử dụng trong xóm mà còn được bán cho các chợ ở trong và ngoài thành phố, vì thế nuôi sống cho nhiều gia đình làm nghề rèn nơi đây.
Nhưng vài năm trở lại đây, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ khiến nhiều ngành nghề truyền thống trong đó có nghề rèn phải chấp nhận "rời bỏ cuộc chơi" vì sự cạnh tranh khốc liệt của các mặt hàng công nghiệp.
Các sản phẩm như dao, rựa, cuốc, xẻng bộ dao được sản xuất công nghiệp với mẫu mã đẹp, giá rẻ mà lại tốt, bày bán với giá rất mềm ngoài thị trường khiến sản phẩm rèn thủ công trở nên ế ẩm.
"Thời xưa nơi này đỏ lửa suốt, có hàng trăm lao động tại đây, hàng làm không kịp bán. Rứa mà chừ các lò rèn rơi rụng hết, chỉ còn mình lò rèn của tôi, nhưng giỏi lắm mỗi tháng chỉ đỏ lửa từ 10-15 ngày", ông Đức đượm buồn.
Đau đáu tìm người kế cận
Ông Đức sinh ra và lớn lên trong gia đình có 3 đời làm thợ rèn, nên tình yêu nghề của người thợ lam lũ này dường như đã ngấm vào máu. Tuy nhiên ông cũng từng có ý định bỏ nghề, xin làm thợ cơ khí tại khu công nghiệp vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.
Nhưng vì trăn trở với nghề truyền thống, truyền từ đời ông, cha nên ông quyết tâm theo và tìm cách giữ nghề.
Vừa gắp miếng sắt đang cháy đỏ rực trong lò ra nhúng vào bể nước, rồi đặt lên đe để rèn. Ông Đức tâm sự: "Thời buổi này duy trì nghề rèn, sản xuất các sản phẩm hoàn toàn bằng thủ công thế này không dễ. Muốn theo được nghề, không chỉ khéo tay mà cần phải có sự kiên trì, có sức khỏe và chịu khó".
Kiên trì để bám trụ với nghề, tỉ mỉ để tập trung quan sát, để phân biệt thanh sắt với ngọn lửa trong lúc rèn và thổi hồn vào từng sản phẩm giúp cho sản phẩm rèn đạt chất lượng cao.
Bởi vì chỉ cần mất tập trung một chút, thì thép trên ngọn lửa than được tôi quá già hoặc quá non khiến cho sản phẩm không đạt chất lượng và cũng có thể không thể dùng được.
Ngoài ra người thợ rèn rất dễ bị bệnh nghề nghiệp như: Mắt yếu, bệnh phổi, giảm thính giác… thu nhập lại không ổn định, trung bình mỗi thợ, trong những khi cao điểm chỉ khoảng từ 150-250.000 đồng/ngày.
Vì vậy, không ai còn mặn mà với cái nghề "làm bạn" với lò lửa này nữa. Nên tìm "đỏ mắt" cũng không thấy đâu truyền nhân cho cái nghề rèn đang nguội lạnh.
"Đời tôi đang làm nghề rèn là đời thứ 3. Tuy nhiên kéo dài đến đời thứ 4 chắc không được nữa, vì con cháu không ai chịu theo nghề do cực quá lại thu nhập thấp… Còn người ta có học nghề thì mới có đệ tử, chứ giờ có ai học đâu mà truyền", ông Đức cười buồn.
Vừa nói hết câu, ông Đức lại say sưa làm việc, ánh mắt ông luôn tập trung vào từng nhát búa, đôi mắt tinh quang lấp lánh như đỏ rực lửa, những nhát búa đều đều, có lực đang dần biến khối sắt thành hình.
Với ông Đức, nghề rèn chẳng thể mang lại cho ông một cuộc sống vương giả, nhưng chính niềm say mê đã cho ông thêm nghị lực vượt qua khó khăn để giữ cái nghề truyền thống này. Và ông không gọi thứ tình cảm thiêng liêng đó bằng những mỹ từ bóng bẩy như "đam mê", hay "sống chết với nghề". Chỉ giản dị như câu nói của ông "còn sức thì còn làm thôi".