Nỗi buồn tờ rơi!

(Dân trí) - Chỉ chờ đèn đỏ trên ngã tư bật sáng, cô nhân viên tiếp thị vội vã lao vào dòng xe cộ đang tạm dừng, lại vội vàng nhét vào tay từng người tờ giới thiệu chương trình khuyến mại. Để rồi sau tín hiệu đèn xanh, đám tờ rơi lại bay lả tả trên đường.

Nghề của thời bùng nổ thông tin

Với khoản tiền eo hẹp bố mẹ gửi lên hàng tháng không đủ để cô sinh viên Hoàng Trang (năm thứ 2 trường Xã hội Nhân văn) trang trải cho cuộc sống đắt đỏ chốn thị thành. Sau nhiều thời gian tìm kiếm, cô đã xin được nhận vào làm nhân viên phát tờ rơi tại một công ty TNHH chuyên tiếp thị các sản phẩm theo yêu cầu.

Công việc sẽ theo từng đợt, kéo dài tuỳ vào thời gian và khối lượng tờ rơi mà khách yêu cầu phát đi. Ngày đầu tiên đi làm việc, Trang được phân công đứng ở ngã tư chùa Bộc phát chương trình giảm giá của một Trung tâm ngoại ngữ.

Chưa quen với môi trường lao động mới, cô sinh viên ngượng chín mặt mỗi khi bất chợt bị ai đó mắng té tát vì “dám” làm phiền người đi đường. Thêm vào đó, chịu cảnh phải phơi mặt ngoài đường nắng nóng, bụi mù mịt trong nhiều tiếng đồng hồ nên nhiều lúc mắt mũi cứ hoa lên, đôi chân chỉ muốn khuỵu xuống vì mệt lả.

Sau 1 tháng làm việc, làn da trắng hồng của Trang đã được thay bằng mầu nâu loang lổ. Bù lại, cô sinh viên trẻ lại có thêm một khoản thu nhập kha khá để chi trả cho hàng loạt khoản phát sinh thường nhật.

Không  gặp suôn sẻ như Trang, nhóm bạn trẻ Huy Hà, Lê Hiếu, Thanh Lan cũng nhận công việc tương tự. Cả nhóm được giao thực hiện “công trình” đứng ở các ngã tư trên trục đường Láng Hạ - Lê Văn Lương phát tờ giới thiệu hàng giảm giá cho một siêu thị mới mở, nên còn ít được biết tới. Thời gian thực hiện kéo dài trong 10 ngày. Đứng đường, nhằm lúc đèn đỏ bật sáng, cả nhóm vội vàng lao ra chặn đầu xe, lại vội vã nhét vào tay người đi đường tờ quảng cáo.

Thời tiết mùa hè nắng nóng, ai cũng muốn đi thật nhanh để nhanh chóng đến nơi cần. Chả mấy ai còn tâm trạng mà quan tâm đến mua bán với hàng giảm giá. Cũng do vội vàng, mắt lại kém, cô bạn Thanh Lan đã bị một chiếc xe máy vượt đèn đỏ đâm vào người trong lúc cô băng xuống đường. May mắn là vết thương chỉ ở phần mềm. Dù vậy, nó cũng khiến cô nằm bẹp ở nhà cả tuần trời. Số tiền chi phí cho thuốc men lên tới cả triệu bạc.

“Kết thúc quãng thời gian làm việc vất vả, cả hồ hởi kéo nhau về công ty để nhận lương. Ai dè, kế toán thông báo, hơn1 tháng nữa, khi hợp đồng của toàn bộ chương trình đến kỳ thanh lý, khách hàng trả tiền thì công ty mới có khoản để thanh toán cho người thực hiện. Rồi tận 3 tháng sau, vẫn chỉ nhận được sự khất lần. Vì không có hợp đồng công việc nên chúng em cũng chả biết kiện ai. Vậy là tiền công thì không nhận được mà còn chuốc vạ vào thân”, Thanh Lan ngậm ngùi kể lại.

Đường phố cũng khổ

Trên thực tế, công việc phát tờ rơi khá đơn giản. Nó không đòi hỏi quá nhiều nghiệp vụ, cũng như bằng cấp, nên rất phù hợp với những bạn trẻ còn đang đi học, muốn tranh thủ kiếm tiền (khoảng 100-150 nghìn/ngày). Nhưng bù lại, đây là công việc cực kỳ vất vả. Do yêu cầu của khách hàng, nhân viên phát tờ rơi phải chọn đứng ở những khu vực đông người qua lại nhất như: bến xe, bến tàu, chợ, siêu thị. Đứng phát tờ rơi ở các ngã tư đường phố mới chỉ xuất hiện trong một vài năm trở lại đây và tỏ ra khá phát huy hiệu quả.

Nhưng đồng thời nó cũng bộc lộ những mặt trái tiêu cực. Cứ ở đoạn đường nào xuất hiện kiểu quảng cáo này thì y như rằng nơi đó tràn ngập giấy rác. Bởi rất nhiều người đi đường sau khi tò mò đọc quảng cáo, thẳng tay thả luôn tờ rơi xuống chân, rồi phóng vù đi.

Phía nhân viên thực hiện công việc vì muốn nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ cũng bất chấp sự nguy hiểm, cứ chờ dòng xe cộ tạm dừng là lao bừa xuống đường, thực thi nhiệm vụ. Cũng vì gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và giao thông, kiểu phát tờ rơi này đã bị cấm hoạt động. Tuy nhiên, do nhuận, nhiều công ty quảng cáo vẫn cử nhân viên “đánh du kích” ở các ngã tư thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng.

Vậy là bất chợt trên một tuyến nào đó, lai diễn ra cảnh hàng nghìn tờ rơi nhem nhuốc lả tả trên đường, những nhân viên thời vụ - chủ yếu là sinh viên bất kể nguy hiểm len lỏi trên đường, chặn trước đầu xe để nhét bằng được tờ quảng cáo vào đâu đó. Mặc kệ sự nhếch nhác của đô thị mà họ đang góp phần tạo ra, mặc kệ mối hiểm họa tai nạn giao thông có thể đổ xuống chính bản thân bất cứ lúc nào. Không những thế do công việc mang tính chất thời vụ, ít có hợp đồng pháp lý nên người lao động rất dễ rơi vào cảnh bị chèn ép, quỵt tiền công.

Thanh Trầm