1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nợ đọng BHXH tới 7.000 tỉ đồng, vì đâu?

(Dân trí) - Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng 19/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền giải thích nguyên nhân về nợ đọng BHXH lên tới 7.000 tỉ đồng, đề xuất cơ quan BHXH tham gia công tác thanh tra việc đóng BHXH.

Theo Bà Phạm Thị Hải Chuyền, trong số 12.000 tỉ đồng nợ đọng bảo hiểm có 7.000 tỉ đồng đồng nợ BHXH và Bảo hiểm thất nghiệp hơn 600 tỉ đồng. Nhiều nguyên nhân dẫn tới việc nợ đọng bảo hiểm xã hội lớn.

“Đầu tiên là trách nhiệm của chủ sử dụng lao động trong việc đóng bảo hiểm cho người lao động trong doanh nghiệp của mình. Nhiều doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn do tình hình kinh tế hiện nay” - bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn tại Quốc hội
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn tại Quốc hội

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng nêu ra thực tế là mức xử phạt doanh nghiệp trốn đóng BHXH còn thấp. Điều này có thể dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp trực lợi còn hơn vay ngân hàng.

Thực tế là tình trạng nợ động BHXH trong các tháng 7 và 8 rất cao. Nhưng tới khoảng tháng 9,10,11 đã giảm đi rất nhiều. Từ tháng 8,9 đã giảm đi khoảng 200 tỉ đồng.

Bên cạnh các nguyên nhân, bà Phạm Thị Hải Chuyền nêu lên trách nhiệm của tổ chức công đoàn tại cơ sở trong việc phát hiện nợ đóng BHXH trong doanh nghiệp.

“Tổ chức công đoàn ở địa phương sau khi chúng tôi tới làm việc chưa kịp thời phản ánh thực tế này. Tôi đề nghị những nơi có tổ chức công đoàn phải đảm bảo quyền lợi của người lao động tại doanh nghiệp. Khi phát hiện sai phạm về BHXH của doanh nghiệp, tổ chức công đoàn cần kịp thời báo cáo với các cơ quan chức năng để giảm thiểu vi phạm” - Bà Phạm Thị Hải Chuyền nói.

Về trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH, Bà Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận trách nhiệm trong việc giám sát, phát hiện và xử lý.

“Toàn ngành LĐ-TB&XH có hơn 400 thanh tra. Cấp Bộ có 55 người, ở cấp tỉnh có khoảng 5-6 người/tỉnh. Trong khi đó, ngành có rất nhiều lĩnh vực cần thanh tra như: Lao động việc làm, bảo trợ xã hội, người có công, giảm nghèo, dạy nghề…Chính vì vậy, số lần thanh tra trên số cuộc cần thanh tra còn rất ít”.

Bộ LĐ-TB&XH chỉ thực hiện được 5-6 cuộc trong năm 2013, các cấp ở địa phương cũng làm nhưng số doanh nghiệp cần được kiểm tra việc đóng BHXH còn nhiều.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền đề xuất thêm giải pháp: Thực tế đó, trong dự thảo Luật BHXH, Bộ LĐ-TB&XH cũng đồng ý với đề xuất giao cho BHXH thực hiện công tác thanh tra việc thu BHXH. Còn thanh tra Nhà nước, thực hiện chính sách BHXH vẫn thuộc về trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH.

Phan Minh lược ghi