Nợ đọng BHXH ở Quảng Bình: Kiện ra tòa cũng không… ăn thua

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Bình cho biết, theo thống kê mới nhất, hiện số tiền mà các đơn vị, doanh nghiệp (DN) đang còn nợ đóng BHXH là hơn 78,5 tỉ đồng, có DN nợ đến 36 tháng. BHXH tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để thu nhưng chưa hiệu quả.

Trong khó khăn, một số đơn vị vẫn vượt lên và bảo đảm đời sống, quyền lợi cho NLĐ. Ảnh: LÊ PHI LONG

Trong khó khăn, một số đơn vị vẫn vượt lên và bảo đảm đời sống, quyền lợi cho NLĐ. Ảnh: LÊ PHI LONG

Nợ BHXH tăng, quyền lợi NLĐ bị ảnh hưởng

Do ảnh hưởng của hai cơn bão số 10 và số 11 năm 2013 nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh Quảng Bình gặp nhiều khó khăn, quy mô sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, nhiều DN hoạt động cầm chừng, dẫn đến việc trả lương, thu nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động cũng bị ảnh hưởng. Nhiều đơn vị nợ BHXH kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ như:TCty CP Cosevco 6, Cty CP Đại Trường Phát…

Ông Phạm Thanh Tùng - Phó Giám đốc BHXH tỉnh - cho biết, về tình trạng nợ đọng BHXH của DN trên địa bàn được chia thành 3 loại: Một là, các DN có thể có điều kiện đóng BHXH cho NLĐ nhưng lại dùng nguồn này để sản xuất kinh doanh (SXKD) và chấp nhận phạt lãi chậm nộp vì lãi phạt nộp chậm thấp hơn lãi vay ngân hàng; hai là, một số DN không có khả năng đóng BHXH vì quá khó khăn trong SXKD, khó thực hiện đúng quy định của Luật BHXH đối với NLĐ; ba là, có DN đã trích thu của NLĐ nhưng lại cố tình không đóng BHXH vì quyền lợi riêng của mình.

Thống kê cho thấy, xu hướng nợ đọng BHXH tại Quảng Bình ngày càng gia tăng cả về số đơn vị sử dụng lao động và cả tổng số nợ, danh sách DN nợ BHXH ngày càng tăng. Điều này đồng nghĩa với việc số NLĐ bị ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp ngày càng nhiều hơn. Gần đây nhất là hàng chục NLĐ thuộc TCty CP Đại Trường Phát đã đồng loạt phản ứng, tập trung trước cổng Cty và phản ánh đến các cơ quan chức năng vì bị Cty “ăn chặn” tiền bảo hiểm nên rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, tiền BHXH thì đã nộp nhưng quyền lợi mấy năm qua thì không thấy đâu.

Ra toà cũng không thu được

Trước tình hình trên, BHXH tỉnh đã phối hợp với Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh ban hành quy chế khởi kiện và tiến hành khởi kiện các đơn vị nợ BHXH kéo dài. Ngày 5.10, BHXH tỉnh cho biết, tính từ thời điểm bắt đầu triển khai công tác khởi kiện vào năm 2012 đến nay đã khởi kiện 65 đơn vị, DN. Sau khi khởi kiện, các đơn vị, DN đã thỏa thuận và tự giác nộp 39 tỉ đồng. Hiện 65 đơn vị bị khởi kiện còn nợ BHXH số tiền 38 tỉ đồng. Để tiếp tục bảo vệ quyền lợi NLĐ, BHXH tỉnh hoàn tất thủ tục để khởi kiện thêm 24 đơn vị ra TAND tỉnh Quảng Bình vì nợ đọng BHXH kéo dài.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phạm Thanh Tùng - Phó GĐ BHXH tỉnh - cho biết, việc kiện ra tòa cũng không có hiệu quả đối với một số DN vì không thể thi hành án được. Nguyên nhân là tài sản của các DN trên đã bị đem đi… thế chấp ngân hàng hết nên không thể kê khai được tài sản để thi hành án, tiêu biểu cho vướng mắc trên là TCty CP Đại Trường Phát. Để giải quyết tình hình trên, BHXH tỉnh đã làm việc với các ngân hàng mà DN thế chấp để bàn biện pháp hiệu quả nhằm thu lại số tiền nợ BHXH cho NLĐ.

Theo đó DN phải ủy quyền cho ngân hàng thế chấp sau khi bán tài sản thế chấp hoặc có số dư trong tài khoản thì phải ủy quyền cho ngân hàng ưu tiên chuyển trả nợ BHXH cho các đơn vị trên. “Hiện để giải quyết cho NLĐ thuộc TCty CP Đại Trường Phát, chúng tôi đã làm việc với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) theo phương án như trên và các bên liên quan đã đồng ý. Còn đối với các DN vẫn chưa nộp BHXH cho NLĐ trong thời gian dài, chúng tôi sẽ tiếp tục khởi kiện ra TAND tỉnh” - ông Tùng khẳng định.

Trước tình trạng vi phạm Luật BHXH, BHYT với tính chất ngày càng tinh vi và phức tạp, BHXH tỉnh cho biết đã có công văn gửi Ban Pháp chế - BHXH Việt Nam cần hình sự hóa một số hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT để các DN thực hiện một cách nghiêm túc và triệt để theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân và ổn định chính trị xã hội.
Theo Báo Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm