Nợ BHXH, BHTN, BHYT lên tới hơn 15,4 ngàn tỉ đồng
(Dân trí) - Theo Bảo hiểm xã hội VN, số nợ đến hết ngày 30/6 là 15,425 tỉ đồng, gồm nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) 10,5 ngàn tỉ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 563,4 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế (BHYT) 4,3 ngàn tỉ đồng, tăng 2,6 ngàn tỉ đồng (20,4%) so với cùng kỳ năm 2016.
Thống kê cho thấy, toàn quốc có 23 địa phương có tỷ lệ nợ cao so với tỷ lệ chung toàn ngành (5,4%), tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH xảy ra ở tất cả các địa phương.
Đơn cử như: Thành phố Hà Nội có tỉ lệ nợ BHXH, BHTN và BHYT tới 8,0%; Sơn La 7,6%; Gia Lai 7,6%; Hà Giang 7,4%; Bình Thuận 6,9%; Thành phố Hồ Chí Minh 6,2%.
Đặc biệt, nhiều địa phương có tỉ lệ nợ lên tới 2 con số, như: Bạc Liêu 17,4%; Bình Định 13,6%; Thừa Thiên - Huế 10,2%; An Giang 10,0%...
Theo ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN - công tác thu và phát triển đối tượng tham gia đang gặp một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, đối tượng tham gia BHXH tăng chậm so với cuối năm 2016. Tính đến hết tháng 6/2017, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc chỉ tăng khoảng 310.000 người (2,4%), đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng khoảng 38.000 người (18,7%) so với thời điểm 31/12/2016.
“Nguyên nhân là do việc tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, biểu hiện là tình trạng trốn đóng BHXH, đăng ký số người tham gia BHXH và mức tiền lương, tiền công tham gia BHXH thấp hơn so với thực tế…” - ông Phạm Lương Sơn cho biết.
Ngoài ra, một số BHXH tỉnh, thành phố chưa kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương về tình hình công tác thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN.
Về giao dịch điện tử, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định về quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.
Tính đến ngày 31/3, cả nước có 303.757 đơn vị tham gia giao dịch điện tử trong thủ tục tham gia, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, chiếm 83.44% tổng số đơn vị tham gia BHXH, BHYT toàn quốc, tăng 5.000 đơn vị so với năm 2016.
BHXH VN đang hoàn thiện đồng bộ cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT để triển khai cấp mã định danh cho người tham gia BHXH, BHYT.
Theo BHXH VN, tính đến ngày 05/7/2017, cả nước đã thu thập và nhập thông tin của trên 23,2 triệu hộ gia đình (với 90,9 triệu người, đạt tỷ lệ 99,5% dân số cả nước) và đồng bộ dữ liệu cấp thẻ BHYT cho trên 54,5 triệu người.
Hoàng Mạnh
Tin liên quan:
2,8 triệu sổ bảo hiểm được trả về cho người lao động quản lý
Theo BHXH VN, khoảng 2,8 triệu người lao động đã được dơn vị, doanh nghiệp trả sổ bảo hiểm. Dự kiến hết năm 2018, việc trả sổ BHXH sẽ hoàn thành.
Đây là việc thực hiện quy định của Luật BHXH, theo đó từ năm 2016, người lao động được quyền giữ sổ bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy nhiên, do một số vướng mắc nên quá trình trao sổ vẫn chưa thể kế thúc trong năm 2017 được. Theo phản ánh của nhiều người lao động, việc trao sổ bảo hiểm sau nhiều năm làm việc giúp họ nằm được tiến trình đóng BHXH ra sao? đóng trong bao lâu, việc đúng với những gì cam kết hay không, mọi thông tin đều rõ ràng. Về phía cơ quan BHXH, việc trao sổ BHXH giúp minh bạch thông tin thế, hạn chế tình trạng các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH, hoặc không chịu giải quyết chế độ cho người lao động khi chuyển công tác. Tuy nhiên, đai diện BHXH VN cũng lưu ý người lao động khi giữ sổ cần rà soát kỹ thông tin ghi trên sổ, tránh tình trạng nhầm lẫn, thất lạc sổ. Mỗi năm sẽ chốt thời gian đóng bảo hiểm một lần. Dự kiến đến hết năm 2018, hơn 12 triệu sổ BHXH sẽ được bàn giao cho người lao động.
V.K
Sở LĐ-TB&XH có nhiệm vụ hỗ trợ công tác bảo hiểm thất nghiệp ra sao?
Bạn Nguyễn Thị Lan Hương (Quốc Oai, Hà Nội) hỏi: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ hỗ trợ người lao động làm thủ tục đăng ký bảo hiểm thất nghiệp ra sao?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; Giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về việc thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật; Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 06 tháng, hằng năm và đột xuất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật; Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan về bảo hiểm thất nghiệp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; Thực hiện hợp tác quốc tế và tham gia nghiên cứu khoa học về bảo hiểm thất nghiệp; Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
P.D
Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong bảo hiểm thất nghiệp?
Bạn Đinh Trí Dũng (Phủ Lý, Hà Nam) hỏi: Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp được quy định như thế nào?
Trà lời:
Theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trách nhiệm của người sử dụng lao động về bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
Chủ trì, phối hợp với tổ chức công đoàn cơ sở để thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; Xác định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện trình tự, thủ tục tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đóng bảo hiểm thất nghiệp đúng, đủ và kịp thời theo quy định của pháp luật; Bảo quản hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trong thời gian người lao động làm việc tại đơn vị. Xuất trình các tài liệu, hồ sơ và cung cấp thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có kiểm tra, thanh tra về bảo hiểm thất nghiệp; Cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người lao động yêu cầu; Cung cấp bản sao hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc xác nhận về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc cho người lao động chậm nhất 02 ngày làm việc kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định…
T.D