Ninh Bình: Chi hơn 62 tỷ đồng xây dựng nhà cho trên 2.000 người có công
(Dân trí) - Thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 2.096 hộ với tổng kinh phí 62,3 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Ninh Bình, cho biết: "Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, tỉnh Ninh Bình đã vào cuộc một cách quyết liệt và đồng bộ".
Lãnh đạo tỉnh cũng đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, huy động nhiều nguồn lực để cải thiện nhà ở cho người có công.
“Việc quan tâm hỗ trợ xây nhà ở cho người có công là chính sách vô cùng ý nghĩa. Đây chính là nguồn động lực to lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với những đóng góp, hy sinh lớn lao của các thương binh, liệt sĩ đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho nền độc lập của dân tộc”, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình chia sẻ.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình, toàn tỉnh hiện có trên 22.000 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Trong số các gia đình này, nhiều trường hợp còn rất khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình cho biết thêm, hàng năm các huyện, thành phố đều tiến hành thống kê, rà soát lại toàn bộ các đối tượng thuộc diện hỗ trợ, đôn đốc tiến độ thực hiện, kiểm tra chất lượng xây dựng nhà ở, thủ tục hồ sơ thanh toán nguồn vốn hỗ trợ theo đúng quy định.
“Đến nay, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 2.096 hộ với tổng kinh phí 62,3 tỷ đồng. Hết năm 2019, việc thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg đã kết thúc (theo Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 27/6/2019 của Chính phủ). Tuy nhiên trong năm 2020 tỉnh tiếp tục bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng có nhu cầu”, bà Lựu chia sẻ.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình, Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện trong thời gian dài, có giai đoạn khó khăn về nguồn vốn, nhưng nhìn chung việc triển khai hỗ trợ nhà ở cho người có công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã mang lại hiệu quả thiết thực.
“Địa phương đã nỗ lực, chủ động vượt khó, với nhiều cách làm sáng tạo, huy động thêm nhiều nguồn lực giúp người có công cải thiện rõ rệt điều kiện nhà ở”, bà Lựu nói.
Được biết, ngoài chương trình hỗ trợ nhà cho người có công theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg, tỉnh Ninh Bình còn triển khai nhiều chương trình khác như nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà chữ thập đỏ… Bên cạnh đó, các dự án tài trợ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp cho người có công trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên.
Sau khi hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công theo Quyết định 22, hiện nay UBND tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu phương án phân bổ kinh phí hỗ trợ về nhà ở cho 170 hộ với nguồn kinh phí 5,4 tỷ đồng.
Niềm vui của cựu chiến binh
Cựu chiến binh Bùi Văn Hoạt, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) nhập ngũ tháng 1/1972 sau đó đóng quân ở Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Những năm tháng sau này, ông tiếp tục tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Khi thống nhất đất nước, ông Hoạt trở về từ chiến trường nhưng bị nhiễm chất độc da cam và mất 61% sức khỏe.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà ở xuống cấp, sức khỏe lại giảm sút đã khiến cuộc sống của gia đình ông Hoạt vô cùng khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ của chính sách, sự chung tay của chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và anh em họ hàng, ông Hoạt đã được ở trong ngôi nhà mới kiên cố.
“Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ xây lại nhà ở khang trang, sạch sẽ hơn. Đây là nguồn động viên, là động lực lớn để gia đình tôi vươn lên ổn định cuộc sống”, ông Hoạt tâm sự.
Không chỉ gia đình ông Hoạt mà hàng trăm gia đình có công với cách mạng khác trên địa bàn huyện Yên Khánh, hay ở các địa phương khác trong tỉnh Ninh Bình đã được hỗ trợ xây nhà ở, giúp họ yên tâm sinh hoạt, ổn định cuộc sống.