Những tỷ phú lẫy lừng chưa từng bước chân vào đại học
(Dân trí) - Không thể phủ nhận rằng học vấn là con đường đưa mọi người đến với thành công, tuy nhiên, đó không phải là con đường duy nhất.
Theo thống kê của tạp chí Fortune, gần 30% trong số khoảng 2.500 tỷ phú USD đang còn sống chưa có bằng đại học. Trước đó, một số tỷ phú thậm chí còn chưa từng có bằng trung học.
Họ đã vượt lên những khó khăn trong cuộc sống, học được một nghề phù hợp và tìm ra hướng phát triển sự nghiệp. Họ đã làm giàu sau khi từ bỏ ngưỡng cửa đại học.
Dưới đây là 5 tỷ phú nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực chưa bao giờ có bằng cử nhân.
1. John D. Rockefeller (1839-1937)
Rockefeller - ông trùm dầu mỏ và là một trong những vị tỷ phú nổi tiếng nhất nước Mỹ. Tài sản tương đương 663 tỷ USD tính theo thời giá năm 2007.
Trình độ học vấn cao nhất của ông là khóa đào tạo kinh doanh và kế toán ngắn hạn trong 10 tuần tại Trường Cao đẳng Thương mại Folsom. Năm 16 tuổi, ông bắt đầu gây dựng sự nghiệp đồ sộ của mình.
Dù vậy, sau khi trở thành tỷ phú USD, John D. Rockefeller đã quyên góp hàng triệu USD cho trường Đại học Chicago, giúp thành lập các trường trung học, cao đẳng để đào tạo người da đen sau thời kỳ nội chiến nước Mỹ.
2. Henry Ford (1863-1947)
Henry Ford rời trang trại gia đình vào năm 16 tuổi để đến Detroit và học nghề tại một cửa xưởng sửa chữa cơ khí.
Sau cuộc cách mạng sản xuất công nghiệp theo kiểu dây chuyền, ông đã tạo ra dòng xe huyền thoại Model T Ford và xây dựng nên đế chế xe hơi Ford.
Tài sản của ông tương đương với 199 tỷ USD theo thời giá hiện nay. Về quan điểm giáo dục, Henry Ford cho biết: "Bằng cấp đại học của một người không có ý nghĩa gì với tôi cho đến khi tôi thấy những gì anh ta làm".
3. Richard Branson (1950)
Năm 15 tuổi, Richard Branson phải bỏ học vì kết quả kém cỏi cùng với vấn đề về khả năng đọc.
Tuy nhiên, ông đã tìm thấy sở trường của mình trong hoạt động kinh doanh với công ty bán lẻ qua thư đặt hàng. Đến nay, tập đoàn Virgin Group của Richard Branson đang quản lý hơn 400 công ty, tổng tài sản ước tính 5,2 tỷ USD.
"Đại học không phải là tất cả và cuối cùng, và đó chắc chắn không phải là điều kiện tiên quyết để thành công trong kinh doanh", Branson đánh giá.
4. Amancio Ortega (1936)
Với tài sản ròng trị giá khoảng 70 tỷ USD, Amancio Ortega là một trong những người giàu nhất châu Âu. Ông nổi tiếng với việc sáng lập Inditex và chuỗi cửa hàng thời trang Zara vào năm 1975.
Ortega rời trường khi mới 14 tuổi và không bao giờ đi học trở lại. Thay vào đó, ông chọn theo nghề thợ may tại một cửa hàng may quần áo thủ công. Sau khi trở thành tỷ phú, ông dành số tài sản đáng kể để ủng hộ các quỹ giáo dục và học bổng
5. Roman Abramovich (1966)
Roman Abramovich là một tỷ phú người Nga gốc Do Thái với tài sản ròng trị giá 13,1 tỷ USD nhờ các khoản đầu tư vào thép và quyền sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea.
Ông có một tuổi thơ thiếu thốn, mồ côi từ nhỏ và sống trong một vùng hẻo lánh ở miền bắc nước Nga. Sau khi rời trường học năm 17 tuổi, Abramovich bắt đầu sự nghiệp với việc bán đồ chơi vịt cao su nhập khẩu.
Năm 2006, ông được tạp chí Forbes đánh giá là người giàu nhất nước Nga và đứng thứ 11 trên thế giới. Đến năm 2013, ông là tỷ phú Nga làm từ thiện nhiều nhất, một phần đáng kể là hướng tới các hoạt động giáo dục.
Nguyễn Hiếu
Tổng hợp