1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Những tỷ phú chân đất

Dù là người nông dân "xịn" với gương mặt cháy đen, hay người ăn mặc cực mốt, điện thoại sành điệu thì tất cả những tỷ phú này đều đi lên từ câu hỏi: Làm thế nào để làm giàu ngay trên đất quê mình?

Họ là 650 “hai lúa”đang về dự đại hội thi đua yêu nước ngành nông nghiệp lần thứ II đang diễn ra tại Hà Nội.

 

Từ 500.000 đồng thành tỷ phú

 

Gương mặt nắng cháy đen nhẻm, chân tay toát lên vẻ lam lũ như vừa từ ruộng đồng bước lên, trông đặc “Hai lúa” như vậy nên  ít ai ngờ Trần Văn Nhã đang là một tỷ phú ở xã thuần nông Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Nhưng con đường lập nghiệp của chàng trai này cũng lên thác xuống ghềnh, có lúc tưởng như đã bỏ xác ở một vùng rừng xanh núi đỏ...

 

Năm 80 của thế kỷ trước, xong nghĩa vụ quân sự, Nhã trở về quê với hai bàn tay trắng. Vay được ít vốn, anh quyết định đi buôn lợn. Nhưng vừa mới đi được vài chuyến, chàng trai còn lơ ngơ với thương trường này bị lừa một vố mất hết cả  vốn lẫn lãi.

 

Những tỷ phú chân đất - 1

Buồn chán, Nhã lên vùng Na Rì, Bắc Kạn đi đào vàng. Lao động như khổ sai, ăn đói mặc rét, lại  bị các “bưởng” hành hạ, vàng đâu chẳng thấy, cái mà Nhã nhận được là một cơ thể tiều tụy, có lúc ngã nước nằm li bì mấy tuần liền.

 

Hoảng sợ trước viễn cảnh mình sẽ chết bỏ xác ở xứ người, Nhã về quê. Quyết làm lại từ đầu, nhưng hai bàn tay trắng, vay tiền không ai cho, Nhã đành nhờ người quen mượn hộ 2 triệu đồng. 1,5 triệu mua một xe Min-xcơ, 500 nghìn còn lại làm vốn đi buôn bán lặt vặt kiếm sống. 

 

Năm 1999, xã có một khu đất rộng 6.120m2 muốn nhượng lại cho dân nhưng không ai dám nhận vì khu đất có biệt danh “thờ nợ” này rất  bạc màu, khó có thể “đẻ” ra tiền. Nhưng Nhã lại “liều” đứng ra nhận.

 

Nhận đất xong, Nhã xây dựng chuồng trại chăn nuôi với quy mô nhỏ. Sau đó, anh lại xoay vần suốt ngày đào ao thả cá. Làm việc không lúc nào ngơi tay, lại chịu khó học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu kỹ thuật mới, dần dần tích tiểu thành đại, Nhã đã có một cơ ngơi khang trang.

 

Lúc đó, một số hộ làm ăn thiếu hiệu quả trả lại 2ha đất, Nhã đứng ra nhận lại, lần này anh biết mình không liều.

 

Dân trong xã hết sức ngỡ ngàng trước sự phát triển nhanh như có  phép màu của trang trại trên khu đất có biệt danh “thờ nợ” . Đến năm 2004, Nhã nuôi 10 vạn con gia cầm cho 240 tấn thịt, tổng trị giá 4 tỷ đồng, lợn 1000 con, cho 70 tấn thịt, tổng trị giá 1 tỷ đồng, ngoài ra còn 26 tấn cá bán rẻ cũng được 300 triệu đồng. 

 

Nhã đã tạo việc làm cho  hàng chục lao động ở xã. Điều đáng mừng là thấy Nhã thành công với mô hình VAC, bà con trong xã đã học theo, nhờ thế mà tỷ lệ hộ nghèo giảm, số hộ giàu tăng lên trông thấy.

 

“Làm thế nào để đạt được những thành công như vậy?”, Nhã trả lời câu hỏi này với nụ cười  của một người nông dân được mùa: “Muốn làm giàu thì không được bi quan, chán nản.

 

Nếu bi quan chán nản, thì có khi tôi đã chết trong bãi vàng rồi. Thứ nữa, phải biết lấy ngắn nuôi dài, tôi lập nghiệp từ 500 nghìn đồng, mới đầu chỉ nuôi vài ba con gà, con lợn, từ đó  mà phát triển thành trang trại. Nếu không có đầu óc, không biết học hỏi phân tích thì không thể giàu được”.

 

Bà chủ nông dân “đa mang” 

 

Máy điện thoại di động “xịn” lên tục đổ chuông, quần áo rất mốt, trông chị Nguyễn Thị Thu giống một bà chủ hơn là một nông dân “thứ thiệt” ở xã Đình Bảng - Từ Sơn - Bắc Ninh.

 

Cách đây khoảng hai chục năm, cái cảnh bốn mùa “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” mà chẳng đủ ăn đã khiến chị Thu trăn trở: “Làm thế nào để mỗi thước đất đem lại hiệu quả kinh tế nhiều hơn cây lúa”.

 

Những tỷ phú chân đất - 2

Từ suy nghĩ đó, năm 1984, chị “đánh liều”  chuyển toàn bộ mẫu đất canh tác của gia đình sang trồng sinh địa xuất khẩu. Kết quả thu lãi gấp mấy lần cây lúa. Nhưng diện tích canh tác có hạn nên lượng hàng xuất khẩu chẳng được bao nhiêu,  chị lại vận động bà con cùng trồng rồi thu mua toàn bộ sản phẩm của họ.

 

Qua nhiều năm cho thấy, lãi từ xuất khẩu tuy có cao nhưng nếu sấy khô sẽ còn cao hơn. Chị lại mày mò tìm cách học sấy và thực tế mặt hàng sinh địa sấy khô xuất khẩu đã tăng đột biến. Sau 10 năm, chị đã tích lũy được một số vốn kha khá  để mở đại lý thức ăn  gia súc, thuốc thú y, gà giống cho một công ty của Thái Lan. 

 

Sau đó, chị được mời sang Thái Lan tham quan một số trang trại chăn nuôi và sự hiện đại cũng như siêu lợi nhuận của trang trại nước bạn làm người phụ nữ này lại đặt câu hỏi: Họ làm được sao mình lại không?

 

Trở về, chị thuê 4.000m2 đất và đầu tư hơn 800 triệu đồng để xây 3 dãy chuồng trại và mua một lúc 9000 con gà đẻ siêu trứng về nuôi. Nhờ áp dụng ngay kiến thức đã học bên nước bạn, đàn gà sinh trưởng rất nhanh và đặc biệt ngay trong thời điểm “cơn bão” cúm gia cầm tung hoành mà Bắc Ninh được xem là tâm điểm, trang trại của chị vẫn là một “ốc đảo” bình yên.

 

Tới nay, từ đàn gà siêu trứng, mỗi năm trừ chi phí, chị đã có lãi từ 150 đến 200 triệu đồng. Nhưng điều quan trọng là sự thành công này  đã cho chị một niềm tin: Sẽ còn nhiều mô hình sản xuất chăn nuôi khác cho lợi nhuận cao trên mảnh đất quê hương.

 

Trong một lần sang Côn Minh - Trung Quốc tham quan, chị đã choáng ngợp trước những cánh đồng hoa muôn màu, muôn sắc ở đó. Đặc biệt lợi nhuận từ trồng hoa đã làm chị “mê mẩn”, từ đó lại nhen lên một dự định táo bạo: Phải trồng hoa theo mô hình của họ!

 

Nhờ chính quyền tỉnh và địa phương giúp đỡ tạo nguồn đất đai, đến thời điểm này chị đã có một trang trại rộng 32 nghìn m2 để xây dựng mô hình VAC khép kín. Trang trại đó đã tạo ra sự khác biệt khi có 3600m2 nhà kính để trồng hoa chất lượng cao.

 

Người phụ nữ “đa mang” này đã chọn rất nhiều  loại cây để trồng: quy hoạch 15000m2 ươm 400 cây lộc vừng, bon sai; 3000 cây cau vua; 1500 cây hoa sứ; 500 cây đa cảnh; 500 cây lan vũ  nữ... Hoa đồng tiền, hoa loa kèn hoa hồng... đua nở bốn mùa, không những tô điểm vẻ đẹp cho vùng quê Kinh Bắc mà còn đem lại tiền tỷ. 

 

Hiện nay hoa và cây cảnh của chị không đủ cung cấp cho thị trường Hà Nội. “Hữu xạ tự nhiên hương”, người dân trong vùng đã đến học hỏi mô hình này để về áp dụng. Chị không nhớ mình đã bỏ ra bao nhiêu buổi để hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa, nuôi gà cho bà con nông dân, nhờ đó nhiều người đã thoát nghèo.

 

Bây giờ quy mô hoạt động trang trại đã quá lớn, chị muốn lập công ty, nhưng viết đơn, làm thủ tục nhiều lần mà chẳng hiểu sao: “Mấy ông trên tỉnh cứ bảo đang xin ý kiến, phải đợi. Đợi đến bao giờ nữa?”.

 

Có thể sắp tới chị sẽ có một chuyến xuất ngoại và từ đó lại “khai sinh” ra một mô hình “đẻ” ra tiền nào khác nữa chăng? Với người phụ nữ này, điều đó chẳng có gì lạ.

 

Anh Nhã, chị Thu chỉ là hai trong số rất nhiều điển hình tiên tiến ở ĐH thi đua yêu nước ngành nông nghiệp. Còn nhiều người nông dân bằng trí tuệ và những giọt mồ hôi đổ xuống, vẫn đang thầm lặng bắt đồng ruộng “đẻ” ra tiền, làm giàu cho quê hương, đất nước.

 

Theo Phùng Nguyên
Tiền Phong