1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Những 'thân cò' trong giá buốt

Co ro, xuýt xoa bên bếp lửa di động nhóm vội lề đường tìm chút hơi ấm tại các ngã ba đường lớn, cầu cống ở TP Vinh để mưu sinh là hình ảnh thường gặp của những “thân cò” ngày áp Tết.

 Họ là những phụ nữ tại các vùng quê nghèo khó Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thành phố Vinh (Nghệ An), Nghi Xuân (Hà Tĩnh), bất chấp thời tiết cố chống chọi với giá rét để tìm việc vào những ngày cuối cùng của năm, kiếm tiền sắm tết.

Thân cò lặn lội

Trong cái rét 7 độ C tại thành phố Vinh chúng tôi cố gắng tiếp cận họ. Bởi mang tâm lý tự ti của người đi làm cửu vạn tận các vùng quê nghèo khó, ai ai cũng có mặc cảm bản thân, ngại chia sẻ về hoàn cảnh gia đình. Và sâu xa là không muốn cho con cái đi học ở xa về biết mẹ ở nhà vất vả… Chị Nguyễn Thị Mến, 37 tuổi ngụ tại xã Nghi Kim (Nghi Lộc - Nghệ An) nói: “Ở quê chỉ có đồng ruộng làm đủ thóc gạo mà ăn chứ kiếm ra đồng tiền mặt khó lắm. Tết đến nơi cái gì cũng cần tiền, lên thành phố làm cửu vạn cũng trầy trật nhưng lại kiếm đồng tiền dễ hơn. Tuy nhiên, tui và chồng đành giấu con cái, chứ con đi học thành phố về biết bố mẹ vất vả thế này không đành!”.

Trời thành Vinh mưa phùn kín lối, cái rét như gia tăng, cắt da, cắt thịt, các chị vẫn tấp bên vệ đường hình thành chợ lao động tự phát chờ người đến gọi. Lâu lâu có một chiếc xe tấp vội, hỏi người, ngã giá, rồi hẹn gặp… “Khi thì bốc nguyên một đống vữa bằng cái nhà ngang, khi thì khuân hộ đống bùn vừa đào ao lên, khi thì cuốc cỏ trong vườn, trồng rau sạch cho nhà giàu ăn tết… là những việc mà chúng tôi thường nhận làm hằng ngày”, chị Trần Mỹ Nhung (Hưng Nguyên) chia sẻ.

Trung bình mỗi ngày, chị Nhung, chị Mến, chị Hạnh, chị Lành kiếm được 50.000-200.000 đồng từ tiền bốc vác. “Kiếm được đồng tiền mặt trong ngày để sắm đồ tết nhưng tối về cũng bầm dập tay chân, nhức xương, mỏi gối. Ở quê ngoài mấy sào ruộng, nuôi mấy con gà ra thì không có gì có thể bán để có tiền mặt sắm tết cả. Chỉ lo tiền học cho con là cả năm vợ chồng tui phải còng lưng đi làm cửu vạn trong Vinh mới có”, chị Nhung tâm sự

Vừa tham gia đi bốc đống gạch cho một nhà tại phường Trung Đô (TP Vinh) về kiếm được 150.000 đồng, chị Đậu Thị Tình (ngụ tại xã Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) khoe: “Ngày hôm nay được chừng này là cầm chắc trong tay không trở về không như mọi khi rồi. Buổi chiều nay mong được ai gọi cuốc thêm lần nữa coi như hên, không bỏ công chịu rét cả ngày”.

Trời càng về chiều nhiệt độ càng thấp, tất cả các tuyến phố thành Vinh hầu như vắng hẳn người qua lại. Thế nhưng, các chị, các mẹ vẫn cố gồng mình, đương đầu với rét giá, mặc cho hai hàm răng cắn nhau lập cập để nán lại mong ai đó đến thuê dọn vệ sinh nhà vườn, hoặc bốc gạch vữa, thậm chí là múc bùn dưới ao… miễn là có thêm đồng tiền.

Gánh nhiều cuộc đời trên vai

Giữa thành phố đông đúc, khi mọi người dân thành phố đã ấm êm quây quần bên gia đình thì những người phụ nữ ấy lại gom lại thành một nhóm ở đầu ngã ba đường để chờ tìm việc. Họ đến từ nhiều địa phương khác nhau, nhưng có chung hoàn cảnh khó khăn, nên chọn nghề nhọc nhằn cửu vạn vì cuộc mưu sinh. Có người cả đời gắn với nghề cửu vạn, có người chỉ tìm việc thời vụ để có đồng tiền mặt sắm tết, có người gánh nặng trên vai sự nghiệp con cái học hành…

Gánh nặng cuộc đời trên vai mẹ.
Gánh nặng cuộc đời trên vai mẹ.

Dạo quanh các ngã đường chính ở thành Vinh, không khó để bắt gặp bóng dáng của các mẹ, các chị trong đội quân cửu vạn tập trung ở các ngã đường như công viên Tam Giác Quỷ, Ngã 6, Ngã 3 Quán Bánh, cầu Kênh Bắc, Ngã 4 Đại học Vinh… ngóng việc. Những vật dụng mang theo là chiếc xe đạp cọc cạch với lỉnh kỉnh nào quang gánh, nào xẻng, cuốc, sọt rổ,… và một túi cơm đùm, cơm nắm cho bữa trưa giữa đường lạnh tê răng.

Những người làm nghề cửu vạn đều đi theo từng tốp, ít thì 4-5 người, nhiều thì khoảng chừng 10 người, đều ở tuổi từ 35-50.

Một ngày của các mẹ, các chị không kể mưa nắng, đều bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc tầm 11 giờ khuya. “Lúc cất bước ra đi làm là các con nhỏ đang ngon giấc, lúc mẹ về chúng cũng đã ngủ lâu rồi. Những ngày cuối năm này hầu như không có thời gian gần gũi bên con. Bố đi theo phụ hồ, mẹ đi làm cửu vạn, phó mặc việc trông con cho ông bà. Dù buồn tủi, thương con lắm nhưng vì kế sinh nhai nên đành chịu vậy”, chị Nguyễn Thị Hoa, quê ở Nghi Vạn (Nghi Lộc - Nghệ An) nói.

Trong nghề cửu vạn các chị gặp không ít chuyện trớ trêu. Nhớ lại, chị Phạm Thị Liễu (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) kể: “Thời gian trước, nhóm chúng tôi gồm 7 người có gánh gạch thuê cho một chủ thầu công trình với tiền công 1,7 triệu đồng. Nhưng sau đó, chủ thầu biến mất, và tiền công cũng mất luôn” - Chị thở dài.

Các chị kể, có những gia đình đối xử rất tốt đối với người làm thuê, nhưng cũng lắm lần các chị đi làm bị chủ nhà khinh rẻ, chửi bới thậm tệ vì có điều gì đó chưa hài lòng… Nhưng dù có thế nào các chị vẫn đành chấp nhận như số phận hiện tại của mình. Cứ nghĩ đến chồng bệnh, con phải đến trường bố mẹ già yếu thì dù cái rét có thấu xương, từng cơn gió đông bạt người cỡ nào thì các chị vẫn không nản lòng cố bươn chải, mưu sinh…

Khổ không chỉ từ giá buốt

Dù vất vả, nặng nhọc, nhiều buồn tủi là thế nhưng khi được hỏi về mong muốn lớn nhất của mình là gì, các chị chỉ mong ngày nào cũng có người mướn việc, để có thu nhập cải thiện cuộc sống.

Nụ cười xua tan giá rét.
Nụ cười xua tan giá rét.

Công việc nặng nhọc này lẽ ra của cánh đàn ông sức dài vai rộng, nhưng ở ngay cổng chợ, ngã ba đường lực lượng cửu vạn nữ là chủ đạo. Có gia đình hết đời mẹ tới đời con tiếp nối. Từ chợ này qua chợ khác, cả đời họ đi theo những chiếc xe cà tang, rổ và sọt… giạt trôi theo từng đống vữa gạch, đất bùn, chợ đầu mối bởi kế sinh nhai.

“Có chồng cũng như không, anh ấy suốt ngày nát rượu lại còn hay vũ phu. Từ rạng sáng đến tận khuya tui ra đường kiếm tiền nuôi con ăn học cũng là để tránh những trận đòn vô cớ từ chồng”, chị Mai (Hưng Nguyên) kể về số phận cùng cực của chị.

Cũng có mấy sào ruộng lúa được gia đình chồng chia lại để đủ cơm ăn, cũng có một ngôi nhà nhỏ để làm chỗ chui ra chui vào, tuy vậy, cuộc đời chị Mai không mấy sáng sủa khi phải đối mặt với cảnh người chồng suốt ngày rượu chè, đến đổ bệnh. Chấp nhận số phận, chị Mai xuống Vinh làm nghề cửu vạn được 3 năm nay, gần tết cũng là lúc chị túc trực tại các điểm bốc việc di động kiếm cơm nuôi chồng và con. Chị Mai ngậm ngùi: “Ở đời này, đúng là không ai cho không ai cái gì cả. Còn sức khỏe, còn muốn sống thì phải mưu sinh. Mệt nhọc mấy, khổ sở mấy cũng có thể vượt qua. Chỉ mong về nhà không bị chồng hắt hủi nữa cũng đã hạnh phúc lắm rồi”.

Nhóm chị Mai có 7 người. Người thì ở Hưng Nguyên, người Nghi Lộc, người Hà Tĩnh… họ kết thành hội để dễ tìm và chia sẻ việc với nhau. “Công việc của chúng tôi chủ yếu là bốc vác, tâm lý họ cần thuê cũng là cho nhanh xong việc nên chúng tôi kết thành hội thế này cả năm rồi để tiện tìm việc cũng là để chia sẻ miếng ăn cho nhau”, chị Lên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nói.

Anh Trần Thanh Bình, một chủ doanh nghiệp xây dựng tại phường Bến Thủy, Vinh cho biết: “Công việc xây dựng cuối năm rất gấp rút, nhóm thợ hồ chính của tui không thể kham nổi hết việc đành thuê các chị cửu vạn đây về khuân dùm. Họ là phụ nữ nhưng nhanh nhẹn, gọn gàng và nhiệt tình lắm. Cứ làm ngày nào nhận tiền ngày đó”.

Để có một cái tết cổ truyền ấm áp bên gia đình và người thân, để cho con cái đi học ở phương xa về phấn khởi khi nhà mình cũng tươm tất đón năm mới, các chị như quên đi phận mình hy sinh vì chồng, vì con hết thảy. Những “thân cò” liêu xiêu tựa vào nhau trong giá lạnh cuối chiều cứ ám ảnh, mãi ám ảnh… Những đợt gió mùa lại tăng cường… Những đốm lửa nhen vội, bập bùng cháy. Chút hơi ấm này diệu kỳ, bền bỉ qua tháng năm.

Theo Tiền phong