Những phụ nữ mưu sinh bằng nghề "vác mùa đông" trên vai

Bình Minh

(Dân trí) - Trong tiết trời giá lạnh, những người phụ nữ ở bến cá Ngư Lộc vẫn cần mẫn vác những cây đá lạnh nặng 30-40 kg trên vai. Thu nhập cho công việc nặng nhọc này chỉ 5.000 đồng/chuyến từ bến xuống thuyền.

Không có ruộng và cũng không thể đi xa kiếm công việc khác, những người phụ nữ ở ven biển Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) hàng chục năm qua vẫn cần mẫn làm những công việc cực nhọc, vốn chỉ dành cho đàn ông. Khi những chuyến tàu từ ngoài khơi trở về, công việc của họ là khiêng cá về kho đông lạnh. Đến giờ tàu đi, họ khiêng thực phẩm, đồ dùng, đá ướp lạnh xuống tàu.

Những phụ nữ mưu sinh bằng nghề vác mùa đông trên vai - 1

Cây đá nặng 30-40 kg được những người phụ nữ trung niên đưa lên vai cõng xuống tàu.

Công việc vác đá lạnh nặng nhọc là thế nhưng vẫn có hàng chục phụ nữ mưu sinh chính bằng cái nghề "vác mùa đông" trên vai này.

Về cửa biển Ngư Lộc, không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ tuổi ngoại tứ tuần vẫn tay không bốc từng cây đá lạnh buốt, nặng hàng chục cân rồi nhanh chóng đưa lên vai "cõng" xuống tàu, chuẩn bị cho hành trình đi xa đánh bắt cá.

Nghề này cực nhất là vào mùa đông. Dù những cây đá được bọc trong bao tải và người vác đã phải trang bị mũ, áo mưa chống thấm nhưng cái buốt lạnh vẫn thấu vào tận bên trong, khiến các "phu đá" không khỏi run người.

Những phụ nữ mưu sinh bằng nghề vác mùa đông trên vai - 2

Nghề được xem là chỉ dành cho đàn ông nhưng những người phụ nữ ở biển Ngư Lộc vẫn không quản cực nhọc, nhận làm để mưu sinh.

Theo các ngư dân, mỗi tàu khi ra khơi cần khoảng 1 - 1,5 tấn đá để ướp hải sản cho chuyến đánh bắt từ 6 - 7 ngày. Mỗi cây đá vận chuyển từ đê xuống thuyền được trả 5.000 đồng. Như vậy, để có thu nhập 200 - 300 ngàn đồng, mỗi người phải vác trên vai 40 - 60 cây đá. 

Bà Nguyễn Thị Thúy (xã Ngư Lộc) chia sẻ: "Nghề bốc vác đá nặng nhọc, người ta gọi cái nghề bán sức khỏe, mua bệnh tật, đàn ông còn thấy cực. Nhưng không làm công việc này thì chúng tôi cũng không biết kiếm nghề gì khác. Lúc tàu về thì chúng tôi vận chuyển cá lên bờ rồi lại mang đá, dầu xuống tàu. Lúc tàu đi rồi thì tranh thủ phân loại hải sản hay bóc tôm, xẻ thịt cá…".

Cũng theo bà Thúy, nghề "phu đá" không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà còn phải có kinh nghiệm, nếu không sẽ dễ bị thương vì đá rơi trúng chân hay dễ vấp phải những vỏ sò, vỏ hến... Mùa nào vác đá cũng vất vả nhưng mùa đông thì khổ hơn gấp bội lần bởi vừa chịu cái lạnh cắt da của thời tiết vừa bị những tảng đá nặng, buốt lạnh đè trên vai...

Những phụ nữ mưu sinh bằng nghề vác mùa đông trên vai - 3

Để kiếm được 200.000-300.000 đồng/ngày, họ phải vác khoảng 40-60 cây đá.

"Cực nhọc nhưng đó là nghề nuôi sống gia đình. Con cái chúng tôi ăn học cũng dựa vào đó cả vì chồng đi theo tàu làm thuê, chuyến được, chuyến không, thu nhập cũng bấp bênh lắm. Hồi mới làm, chân tay tôi đau nhức, những tảng da trên vai cứ cháy thành lớp sừng rồi bong ra, bong hết lớp này đến lớp khác nhưng lâu dần không biết đau đớn nữa, nó chai lì đi", chị Hoàng Thị Xuân (xã Hải Lộc) bộc bạch.

Bà Phạm Thị Oanh (Ngư Lộc) cho biết, phụ nữ vùng biển chỉ biết bóc tôm, bóc ghẹ, chạy chợ... nhưng chừng ấy việc thôi thì không đủ tiền để nuôi con. Vác đá nặng nhọc nhưng còn có tiền cho con ăn học.

Những phụ nữ mưu sinh bằng nghề vác mùa đông trên vai - 4

Ngoài vác đá, phụ nữ còn vận chuyển các đồ dùng xuống tàu để kiếm thêm thu nhập.

Bà Oanh vẫn còn may mắn hơn nhiều người phụ nữ ở làng biển này, bởi vất vả, nhọc nhằn nhưng bà vẫn còn niềm hạnh phúc ngày đêm mong ngóng chồng đi biển trở về. Nhiều góa phụ, chồng chết ngoài biển khơi, một mình phải tần tảo làm thuê nuôi con ăn học.  

"Dịch giã như thế này mà có công việc, có thu nhập đều đều cũng đã may mắn rồi, cực nhọc mấy chúng tôi cũng chịu được, chứ như thời điểm dịch hay mùa mưa bão, tàu không ra khơi, chẳng biết làm gì để mưu sinh", bà Oanh cười buồn.