Những phận đời bên gánh hàng rong
Những người gánh hàng đi bán khắp phố Sài Gòn trở thành hình ảnh quen thuộc với nhiều người ở thành phố, nơi luôn tấp nập người qua lại.
Những người phụ nữ giữa sương gió, gánh từng gánh hàng đi khắp các con đường ở TP.HCM để kiếm tiền nuôi con nơi quê nhà.
Họ đa số là những người con của dải đất miền Trung đầy nắng gió, vì cuộc mưu sinh mà rời xa quê nhà, bỏ lại chồng con vào thành phố. Gánh hàng rong là người bạn duy nhất cùng dầm mưa dãi nắng với họ trong hàng chục năm qua.
Họ là những người con của miền Tây sông nước, cũng hoàn cảnh mà phải xa quê để sinh sống. Họ cũng là người con của đất Sài Gòn, vì miếng cơm manh áo mà phải rong ruổi trên chiếc xe ở khắp nẻo đường thành phố.
Dù là ai đi nữa, có người thì ở miền đất đầy sỏi đá, người thì ở vùng thành thị... nhưng trong công cuộc mưu sinh của mình họ đều gánh trên vai những nhọc nhằn, những lo toan, có cả những giọt nước mắt, cả sự sợ hãi và buồn tủi...
Muôn nẻo đường ở Sài Gòn mà họ đã đi qua, rớt rơi những giọt mồ hôi, hằn in dấu chân mệt mỏi nhưng không có nghĩa là họ sẽ bỏ cuộc.
Chị Lê Thị Mười (góc phải ảnh, quê ở Bình Định) bán hàng mỗi ngày trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Chị thuê trọ ở gần Cầu Mống (quận 4) nhưng chọn đi bán xa vì đắt hàng hơn. Chị bắt đầu bán từ 11 giờ trưa đến gần 2 giờ sáng mới về nhà. Gánh nặng gia đình, nuôi con ăn học đè nặng trên đôi vai của chị.
Chị Nguyễn Thị Hoa (quê ở Bình Định) cân tỏi để bán cho khách. Chị thuê trọ ở Bến xe miền Đông nhưng mỗi ngày đều đạp xe đi xa, đến Hóc Môn, quận 12, vòng xoay Phú Lâm, quận 9 để bán. Lúc này, chị đang bán trên đường Đình Phong Phú, quận 9. Dù trời nắng như đổ lửa nhưng chị vẫn luôn tươi cười với người mua.
Chị Loan (người gốc Huế) bán bánh mì ở chợ Thủ Đức đã nhiều năm nay. Sáng, chị đón xe buýt đến chợ Thủ Đức lấy xe đạp để chạy đi bán. Đến tối thì gửi xe ở chợ và bắt xe buýt về.
Chị Loan có hai cô con gái đã lớn, ly dị chồng đã hơn 7 năm. Chị một mình đi bán từng ổ bánh mì để nuôi hai con gái khôn lớn. Nhiều lần đi về trong đêm tối, chị bật khóc vì sợ...
Bà Nguyễn Thị Mai (77 tuổi, quê ở Bình Định) bán hàng trên đường Ngô Tất Tố đã vào Sài Gòn gần 11 năm nay. Bà bảo, có thời gian bệnh bà về nhà nghỉ 3,4 năm rồi nhưng vẫn quay lại Sài Gòn vì phải lo cho gia đình. "Khi nào sức khỏe không cho phép thì mới tính đến chuyện về quê", bà Mai nói.
Bà Mai là mẹ "đỡ đầu" của nhiều người phụ nữ cùng quê khi dẫn các chị lên Sài Gòn kiếm sống, giúp đỡ các chị từng li từng tí về việc buôn bán. Cả bốn người cùng sống với nhau trong một căn gác trọ nhỏ nằm sâu trong đường Võ Duy Ninh (quận Bình Thạnh). Cứ chiều đến, họ lại cùng nhau gánh hàng ra bán đến tối khuya mới về. Cả bốn người họ, mỗi người đều có hoàn cảnh gia đình khác nhau, đều vì nuôi gia đình mà chấp nhận xa quê.
Bà Nguyễn Sáu Bậc là người miền Tây, quê ở An Giang lên Sài Gòn đã gần 15 năm cũng vì miếng cơm manh áo. Bà bán hàng trường cổng trường THPT Phú Mỹ (đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh, TP.HCM), có khi thì về phía gần chân cầu Nguyễn Hữu Cảnh để bán. Bà Sáu Bậc tâm sự, con cái đã lớn nhưng không khá giả, còn có gia đình riêng nên không thể phụ thuộc vào con mãi được, bà đi bán để có tiền lo khi trái gió trở trời.
Dì Nhung là người Sài Gòn, sống ở đường Tam Hà (quận Thủ Đức) nhưng nơi gì bán hàng là ở chợ Thủ Đức. Dì Nhung ly dị chồng đã nhiều năm, một mình gánh hàng đi bán để nuôi con. Một ngày dì đi bán hai sử sáng và tối để có tiền lo cho con ăn học.
Dì Nhung bán bánh chưng, bánh giờ do chính tay mình làm ra. Bánh được gói bằng là chuối và ủ trong lớp vải để bánh không nguội đi. Dì Nhung bảo, bán kiếm tiền đã đành nhưng phải đảm bảo ngon và sạch cho người ăn thấy ngon miệng nên dì luôn gói, ủ trong nhiều lớp vải để giữ cho bánh luôn nóng. Dì bán cái bánh giò giá 8 nghìn, nhưng cứ hễ biết ai là sinh viên thì dì lại bớt giá, chỉ lấy 7 nghìn. "Sinh viên mà, tụi nó làm gì có tiền, bớt cho nó đồng nào hay đồng đó", dì Nhung cười hiền khô.
Gánh hàng mà họ đi bán mỗi ngày chi chít những thức quà ăn vặt như bánh, xoài, củ sắn... Có người thì chất lên xe đạp để chở đi bán dạo, có người thì chọn đi bộ, có người lại chọn ngồi một chỗ.
Không chỉ là phụ nữ, người đàn ông cũng mang gánh nặng mưu sinh trên vai mình, gánh vác gia đình cũng chấp nhận bán hàng rong để nuôi cả gia đình. Ông Nguyễn Văn Đạo (80 tuổi) là người đã bán bánh bò dạo ròng rã 30 năm nay ở nhiều con đường thuộc quận Thủ Đức. Ông gắn bó với nghề vì nó giúp ông nuôi con khôn lớn, đến già thì còn có đồng ra đồng vô mà lo cho hai vợ chồng già. Bánh là do vợ chồng ông tự làm ra...
Gánh hàng rong với những thức quà vặt là niềm thích thú với nhiều đứa trẻ ở thành phố. Nhiều đứa trẻ gọi họ là"bà bán gánh", đêm khuya vẫn hay xin tiền mẹ đi mua hàng. Còn với người lớn thì họ hay đến đây kéo cái ghế nhựa ra ngồi nói chuyện như chị em một nhà, vì họ được tâm sự, được nói ra những điều ngột ngạt trong cuộc sống thường ngày mà chỉ có "bà bán gánh" mới chịu nghe mãi như vậy.
Hằng đêm, khi phố đã lên đèn và dòng người qua lại đã ít hẳn đi thì "bà bán gánh" vẫn ngồi đó, kiên nhẫn chờ thêm khách đến để nhặt nhạnh thêm, gửi về cho gia đình.
Dù có mệt, có đói, có khát nước thì cũng chỉ mình họ lầm lũi vượt qua vì con vì chồng, vì hạnh phúc gia đình mình.
Theo PLO.VN