1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Những người lặng lẽ

Quanh năm suốt tháng, họ cặm cụi trong những đường cống ngầm, nạo vét những khúc sông, những con mương ăm ắp bùn, sền sệt chất thải. Bao nặng nhọc, vất vả, tiếp xúc trực tiếp với nhiều loại chất thải nguy hại… nhưng họ vẫn yêu nghề, vẫn lặng lẽ làm việc để những dòng chảy luôn được khơi thông…

Công nhân Xí nghiệp Thoát nước số 1 đang nạo vét mương Ngọc Hà.
Công nhân Xí nghiệp Thoát nước số 1 đang nạo vét mương Ngọc Hà.

Nghề độc hại

Những ngày này, người dân sống trong Ngõ 194, phố Đội Cấn, thường xuyên chứng kiến hình ảnh các công nhân của Xí nghiệp Thoát nước số 1 ngâm mình trong dòng nước đen ngòm nạo vét mương Ngọc Hà. Nắng vừa chớm lên là họ bắt đầu công việc. Những nam công nhân dàn hàng dưới lòng mương, nước ngập đến ngang ngực, chỉ cần hơi cúi người là mặt chạm nước. Màu nước đen ngòm, bùn đặc sánh như nhựa đường, bốc mùi thum thủm đặc trưng…

Họ tất bật xúc bùn dưới đáy mương, chuyền tay nhau đưa những xô bùn lên bờ đổ vào xe gom. Mỗi xe gom bùn nặng khoảng 6 tạ rưỡi, được công nhân tập kết ra xe chở về bãi. Con Ngõ 194 Đội Cấn nhỏ, lắt léo, có chỗ độ rộng lòng ngõ chỉ nhỉnh hơn xe gom bùn độ vài chục phân nên khi gặp "ổ gà", các anh chị lại phải dồn sức đẩy mới qua được.

Khó hơn khi công nhân phải "rinh" những xe gom bùn qua chợ cóc. Lòng ngõ chật chội bởi kẻ bán, người mua, việc đẩy xe bùn len lỏi là cả một "nghệ thuật". Vất vả là thế nhưng bình quân 3 tổ làm việc ở khúc mương này cũng nạo vét được đến 12 tấn bùn mỗi ngày.

Giờ nghỉ giải lao, chị Nguyễn Thị Hiền, Tổ trưởng Tổ mương 3 (Xí nghiệp Thoát nước số 1) chia sẻ: Trước đây, máy móc không có nhưng lượng rác, bùn không nhiều và không độc hại như bây giờ. Hiện nay, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án đồng loạt triển khai, dân số tăng chóng mặt nên lượng rác, bùn cũng theo đó tăng lên và mức độ độc hại tăng theo cấp số nhân.

Việc tiêu thoát nước gặp nhiều khó khăn do cầu, cống cũ, nhiều mương đang bị chặn dòng. Triển khai dự án thoát nước, hiện máy móc đã hỗ trợ sức người nhiều hơn nhưng những nơi địa hình chật hẹp thì công nhân phải làm thủ công hoàn toàn.

Chỉ tay vào bộ quần áo bảo hộ bằng cao su, chị Hiền nói: Mặc bộ đồ này khi ngâm mình trong nước thải sẽ đỡ lạnh hơn vào mùa đông, nhưng lại bức bối vào mùa hè. Đặc biệt, khi lội xuống mương, cống, lớp bùn bó chét vào ống chân khiến chân nặng như chì, bùn như kéo lút cả người xuống.

Bộ đồ làm bằng cao su để khỏi ngấm nước, dù cố gắng giữ gìn cũng không tránh khỏi những vết rách do mảnh sành, thủy tinh, bơm kim tiêm trong lòng cống, dưới lòng mương… xuyên thủng. Sau mỗi lần như vậy, những bộ quần áo lại được "gia cố" như vá xăm xe máy…

Những ám ảnh…

Không chỉ phải làm việc trong môi trường độc hại, những người công nhân này còn phải đối mặt với những ám ảnh dai dẳng, không dễ quên. Anh Bùi Văn Dũng, có thâm niên 22 năm trong nghề, công tác tại Xí nghiệp Thoát nước số 3, cho hay: Công việc của tôi là vớt rác trên Sông Sét. Ở đây có rất nhiều các cửa cống thông ra sông và chúng tôi thường xuyên phải vào đó để nạo vét, vớt rác khơi dòng.

Do nhiều nhà hàng, người bán hàng ăn đổ thẳng mỡ thải xuống cống khiến mỡ đóng thành tảng dài đến cả mét, dày 20 đến 30cm. Chảy đến cửa cống, mỡ đóng băng lại, "ướp" trong đó cả trăm thứ đang bốc mùi phân hủy, từ xác động vật thối, bàn ghế, đến cả chăn đệm của người chết. Lần vớt rác ở Sông Sét năm 2014, mấy anh em đã đụng phải xác người. Chúng tôi bị ám ảnh suốt thời gian dài…

Bị ám ảnh nhiều nhất phải kể đến những người vét cống ngầm ở khu vực có bệnh viện. Chị Nguyễn Thị Như Hiền, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 3 cho biết: Trên địa bàn Xí nghiệp quản lý có nhiều bệnh viện lớn nên anh em nạo vét cống ở đây rất vất vả. Mặc dù trước khi xuống cống, những nắp hố ga đã được bật nắp để thoát bớt mùi… nhưng mùi hóa chất vẫn xộc vào tận óc.

Ai giỏi cũng chỉ "trụ" được trong cống 10 - 15 phút rồi lại phải chui lên để người khác vào thay. Nhiều đoạn cống phải thốc cả quạt công nghiệp vào nhưng công nhân cũng không thể ở quá lâu trong đó bởi khí độc có thể nguy hiểm đến tính mạng…

"Còn chuyện vào cống hay nạo vét kênh, mương bị đứt tay, chân là chuyện thường ngày. Nhiều khi thấy gai gai ở chân, giơ lên thấy bơm kim tiêm vẫn dính ở ủng. Khi chúng tôi mở nắp cống chui xuống, nhiều người đi qua bịt mũi hay tỏ vẻ ghê sợ. Cũng một chút chạnh lòng, tủi thân… nhưng chỉ là thoảng qua, chúng tôi vẫn tiếp tục công việc, bởi đó là cuộc sống của mình" - anh Dũng lạc quan.

Vất vả là thế, nhưng mấy người hiểu được công việc của những người chuyên nạo vét, khơi thông dòng chảy. Tuy ở hai địa bàn khác nhau, nhưng câu chuyện chị Nguyễn Thị Hiền (Xí nghiệp Thoát nước 1) và chị Nguyễn Thị Mai (Xí nghiệp Thoát nước 3) đều chung nhau một điểm - ấy là nỗi buồn về ý thức của một bộ phận người dân. Dọc các bờ sông, kênh, mương, có rất nhiều hộ dân không xây bể tự hoại mà xả thẳng ra môi trường như ở mương Thụy Khuê, sông Kim Ngưu, Sông Sét. Nhiều khi đang móc cống, nạo vét kênh mương còn bị chất thải xả thẳng vào người.

Thậm chí, có người đứng trên nhà cao tầng ném ngay túi rác trước mặt công nhân đang thu gom. Chỉ tay xuống dòng mương Ngọc Hà, chị Hiền dẫn chứng: "Nhà báo nhìn kìa, chúng tôi vừa ngơi tay chưa được 5 phút lại đã có người ném rác xuống mương. Chúng tôi cũng nhắc nhở, nhưng có người quay mặt đi coi như không biết; có người lên giọng "vứt rác cho các chị có việc để làm"?

Dọc sông Kim Ngưu, nhiều người bán hàng, hộ dân cũng có thói quen xả thẳng mọi thứ ra sông. Việc dọn rác ở cống, mương, sông qua khu dân cư rất vất vả bởi lượng rác người dân xả rất lớn. Song, không chỉ có vậy. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã cố tình đổ trộm phế thải xây dựng, bùn bể phốt xuống kênh, mương. Thậm chí, có trường hợp còn ngang nhiên mở nắp hố ga xả xuống cống…

Ông Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 1 và chị Nguyễn Thị Như Hiền, Phó Giám đốc Xí nghiệp thoát nước số 3 cùng chia sẻ: Khi mưa to giông gió, mọi người tìm nơi trú ẩn an toàn, còn công nhân của các xí nghiệp thoát nước lại gồng mình đứng "gác", là người chỉ dẫn, cảnh báo điểm mất an toàn. Đặc thù công việc của công nhân thoát nước rất nặng nhọc, độc hại nên những ngày thời tiết cực đoan, Xí nghiệp phải bố trí thêm trà giải nhiệt, trà gừng, dầu xoa, viên uống C sủi… và cố gắng bảo đảm kịp thời mọi chế độ cho người lao động.

Chia tay những người công nhân của ngành thoát nước, trong tôi vẫn như lấp lánh nụ cười của những người đang âm thầm góp sức mình làm sạch Thủ đô. Câu chuyện hóm hỉnh của anh Dũng (Xí nghiệp Thoát nước số 3) có lẽ sẽ làm nhiều người suy ngẫm: Đi làm về tắm rửa đủ kiểu nhưng mùi cống rãnh vẫn theo cả vào giấc ngủ… Hơn 20 năm trong nghề, mùi cống rãnh đã bết cả vào người, mùi mồ hôi cũng có mùi cống. Giờ không có mùi ấy là lại… nhớ.

Còn chị Hiền (Xí nghiệp thoát nước số 1) lại tha thiết: Công việc dù nặng nhọc, nhưng chúng tôi vẫn yêu nghề, vẫn luôn cố gắng. Chỉ mong mỗi người dân tự nâng cao ý thức để bảo vệ môi trường sống của chính mình và phần nào đó, giảm bớt gánh nặng cho xã hội, trong đó có những công nhân vệ sinh môi trường…

Theo Thiện Mỹ/Báo Hà Nội mới