Những người cuối cùng làm nghề thổi ống tiêm philatop
(Dân trí) - Sau mấy chục năm hưng thịnh, đến nay, "làng ống tiêm" ở xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội chỉ còn vài hộ gia đình vẫn giữ xưởng, đầu tư máy đúc ống thủy tinh hay cặm cụi bên bễ lò, đèn khò thủ công...
Làng "ống tiêm philatop"
Xã Thống Nhất nằm ven đê sông Hồng, có lịch sử phát triển lâu đời. Trước đây, nghề chính của người dân là làm nông với những dải đất màu mỡ phù sa ven đê. Năm 1969, do nhu cầu sử dụng ống tiêm philatop, nhiều người trong xã đi làm công nhân ở nhà máy thổi ống tiêm thủy tinh. Từ đó, những người thợ đã học hỏi nghề và mang về quê hương, sáng tạo cách làm thủ công, thổi ống tiêm từ nguồn nguyên liệu là bóng đèn huỳnh quang đã qua sử dụng.
Nghề phát triển ở tất cả các làng trong xã như Giáp Long, Hoàng Xá, Thượng Giáp, Bộ Đầu. Thậm chí sau đó, tại địa phương có cả hợp tác xã thổi thủy tinh, trở thành ngành sản xuất mũi nhọn tại đây những năm 80 - 90 của thế kỷ trước.
Đến thôn Giáp Long, nơi trước đây có nhiều hộ thổi thủy tinh nhất vùng, giờ không dễ để tìm đến xưởng làm của nhà ông Tạ Văn Hùng. Đây là một trong 3 xưởng còn duy trì nghề thổi ống tiêm. Xưởng nhà ông Hùng là xưởng công nghiệp, chỉ chuyên làm ống tiêm philatop.
Ông cho biết, năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch nên hàng hóa chậm, giờ công việc mới dần khôi phục, xưởng hoạt động đều hơn.
"Xưởng nhà tôi có 2 máy thổi cắt thủy tinh công nghiệp trị giá 600 triệu đồng, chạy bằng khí gas và oxy, có 4 thợ làm công. Nguyên liệu chủ yếu là thủy tinh ống nhập ngoại. Năng suất của 2 máy kéo công nghiệp này bằng khoảng 70 - 80 công nhân làm thủ công", ông Hùng chia sẻ.
Làm công cho xưởng ông Hùng, bà Hồ Thị Nguyệt cho biết, trước đây làm nghề này khó khăn, vất vả vì thổi thủy tinh phải đạp bễ, chịu nóng nực nhưng khi đó sản phẩm có đầu ra nên nhà ai cũng làm. Đến nay, khi có máy móc hiện đại, thợ làm nhàn hơn hẳn thì nhân công lại bỏ dần vì lời lãi chẳng được bao nhiêu.
"Tôi làm công ở đây mỗi ngày được từ 80.000 - 100.000 đồng, nhưng làm thời vụ trong năm thôi chứ không có việc thường xuyên", bà Nguyệt nói.
Ký ức nghề "độc"
Không như nhiều làng nghề khác, người dân xã Thống Nhất không thể ngờ nghề thổi thủy tinh thoái trào nhanh đến vậy, nghề được du nhập, phất lên rồi cũng lụi khó kìm giữ. Thời điểm phát triển nhất, có đến quá nửa số hộ trong xã Thống Nhất làm nghề mà nay số hộ làm chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Được biết, trong thôn Giáp Long, hiện chỉ còn ông Hồ Văn Gừng (72 tuổi) vẫn thổi thủy tinh theo phương pháp thủ công. Ông cũng là người gắn bó với nghề này lâu nhất. Ông Gừng ở trong một ngôi nhà cấp bốn ven đê. Ông cho biết, đồ gia dụng thủy tinh có lợi thế là sáng, đẹp nhưng lại dễ vỡ mà giá thành so với đồ nhựa, đồ sứ không kém hơn.
Đối với sản xuất ống philatop, ngoài máy làm thì vẫn phải có khâu người thợ làm thủ công khiến năng suất không bằng được so với các nhà máy sử dụng 100% kỹ thuật công nghiệp.
"Với lớp người già như chúng tôi, nghề thổi thủy tinh đang dần đi vào ký ức. Sau này, chúng tôi không biết còn ai nhớ đến không nữa!", ông Gừng nói.
Ông Lê Văn Tiến (thôn Hoàng Xá, xã Thống Nhất) có hơn 20 năm gắn bó với nghề thổi thủy tinh. Thuở thiếu niên, vì say mê các con giống bằng thủy tinh nên ông đã học hỏi cách làm từ những người đi trước trong làng, nghề cũng mang lại thu nhập ổn nên ông theo đuổi đến nay.
Tuy đã mở được xưởng, làm "ông chủ" nhiều năm nhưng ông Tiến cho biết, làm nghề này khó giàu được, chủ yếu lấy công làm lãi. Một thợ lành nghề như ông làm cả ngày thu nhập cũng chỉ từ 200.000 - 250.000 đồng mà đầu ra sản phẩm lại không ổn định.
Nhìn những người thợ thổi thủy tinh cặm cụi bên đèn khò cả nghìn độ C mới thấy được sự vất vả và mức tập trung cao độ của họ. Để thổi ra một chiếc bóng đèn, người thợ phải xác định được loại thủy tinh, mức nhiệt, khi thổi phải đều hơi, đều tay, chỉ cần sơ suất là bóng đèn sẽ méo và phải bỏ đi.
Ngoài các đồ thủy tinh gia dụng như bóng đèn, ly nước, nắp phích, người thợ còn có thể thổi ra đồ mỹ nghệ như con hươu, rùa, cò, cây thông... hết sức sinh động, như điêu khắc bằng hơi trên thủy tinh. Tuy vậy, khác với chất liệu gỗ, sứ, nhựa, thạch cao... những con giống bằng thủy tinh rất khó bán và tỉ lệ vỡ rất cao.
Nghề thổi thủy tinh ngoài vất vả còn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người thợ như hại mắt do phải nhìn lửa lâu, đau lưng do phải cúi nhiều. Làm thủ công hoàn toàn như ông Gừng còn phải hít mùi dầu, nghe tiếng mô-tơ, quạt gió ù ù cả ngày tới ê ẩm đầu óc.
Tuy vậy, những người như ông Gừng, ông Tiến vẫn rất say nghề, giữ nghề, coi những xưởng thổi thủy tinh như một nét văn hóa của xã Thống Nhất, cái nghề từng một thời làm nên tên tuổi của "làng ống tiêm".
Văn Công