Những lão nông cược mạng, ngậm ngải tìm trầm: Mánh khóe của "phu trầm"

Đoàn người "ngậm ngải tìm trầm" xuyên quốc gia đã đào tận gốc, trốc tận rễ các giá trị rừng quý, vượt qua các cuộc rượt đuổi và bắn hạ, qua các án tù và số tiền chuộc đắt đỏ. Vậy, tại sao hàng cấm họ có được, lại "vượt biên" về Việt Nam được?

Xé lẻ thành từng nhóm, lén lút rình mò khổ sở

Những ngôi nhà, công xưởng chúng tôi chứng kiến với cơ man nào là cây gió bầu chứa trầm, với thiên la địa võng "trầm mỹ nghệ" đắt đỏ, rồi các bộ phận của hổ, gấu, kì đà, trăn gấm, tay khỉ vượn sấy khô…

Chúng là bằng chứng về việc, các mánh lới "tuyển quân", đưa hàng trăm người sang các quốc gia tìm lâm sản trái phép của nhiều đối tượng đã thành công. Đâu là mánh lới tinh vi để họ vượt qua được các cửa ải?

Chúng tôi có mặt ở thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Qua cổng làng vắng vẻ mùa dịch Covid-19, đường thôn lác đác vài cái máy trộn bê tông chắn lối, kè đường, rãnh nước đang được thi công nhớp nháp.

Những lão nông cược mạng, ngậm ngải tìm trầm: Mánh khóe của phu trầm - 1

Cổng làng Trúc Ly, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ảnh chụp tháng 11/2021: Dân Việt

Lối vào nhà các trùm dẫn quân đi tìm trầm xuyên quốc gia rồi thu mua đại trà bị ngập đến đầu gối người đi bộ. Vì tắc đường, nên một người bạn, nhiều năm làm cán bộ xã Võ Ninh của tôi đành phải rủ vào chỗ quen biết để "giết thời gian".

Một cái sân rộng, la liệt các khúc gỗ lớn nhỏ, các dụng cụ sắc lẻm sáng choang, có cái bé và dài như đầu đũa, có cái to bằng bàn tay. Chủ nhà, ông Ph, hồ hởi: "Soi trầm nhọc lắm".

Họ gọt từng phay gỗ mỏng, làm ngày nọ qua ngày kia, để chạm được tới lớp trầm nâu, đen, thơm lựng trong cây gió bầu hoang dã được mang từ bên kia biên giới về. "Nó có cả mồ hôi và máu của phu trầm, có khi của cả tôi nữa", ông Ph vừa đốt trầm ngào ngạt khói thơm, vừa nói.

Trong nhà ông, bạt ngàn các "bức nghệ thuật" bằng gió bầu, với mùi thơm thoang thoảng, với màu nâu đen quý phái của cái mà ông Ph và người dẫn đường thề thốt "nó là tinh túy, là báu vật của trời đất, là vật linh thiêng phù mệnh cho con người".

Vì thế nên nó đắt. Ông dựng tủ kính trong suốt để bảo quản các khúc gỗ chứa trầm cao tới 2m, cầu kì như một tổ ong được đục lỗ và tạo tác đầy mỹ cảm. Gỗ trầm làm tượng phật, làm vòng đeo tay, đeo cổ, thành tác phẩm điêu khắc tinh xảo và ngát hương. "Chúng là khúc trầm tự nhiên, chưa được chế tác, nó khá nhẹ và đắt gấp 20 lần loại đã được "soi", nên tôi phải cất vào tủ kính, khóa cẩn thận", ông Ph nói.

Những lão nông cược mạng, ngậm ngải tìm trầm: Mánh khóe của phu trầm - 2

Ông Ph, thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình từng nhiều lần đi Malaysia tìm trầm bên những thành quả sau các chuyến đi. Ảnh chụp tháng 11/2021: Dân Việt

Ông Ph bảo: "Hơn 40 năm nay làm nghề trầm, tôi vẫn chưa hiểu, ngoài tác dụng làm nước hoa siêu đắt, phục vụ cho y học, thì kỳ nam, rồi trầm, nó có thật là làm thứ để phục vụ nền công nghệ tên lửa vũ trụ thật không (?). Nhưng tôi nghĩ, chỉ có như thế thì nó mới đắt khủng khiếp, toàn là tiền tỷ như vậy chớ. Và đắt thế thì người ta mới bằng mọi giá để có được nó chứ".

Và, câu chuyện của ông Ph. lại hướng về những gian khó, dọc rừng thiêng nước độc ở Thái Lan, Lào, Malayisa, Indonesia, có khi sang Trung Quốc, khi đi dọc cả các cánh rừng ven sông Hằng của Ấn Độ xa xôi. Muốn thế phải có các mánh khóe, họ làm hộ chiếu, giả đò đi du lịch. Các nước trong ASEAN thì có hộ chiếu là đi du hí ở xứ họ được khoảng 30 ngày.

Sau thời gian đó là lưu trú trái phép, sống lẩn lút, ngày ngủ vùi, đêm hoạt động. Vào rừng rồi cũng lặng lẽ như con thú hoang mà sống. 

Những lão nông cược mạng, ngậm ngải tìm trầm: Mánh khóe của phu trầm - 3

Thông tin về kích cỡ và giá trầm tại nhà ông Ph ở thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh, huyện Quảng ninh, tỉnh Quảng Bình. Ảnh chụp tháng 11/2021: Dân Việt

"Đi trầm như đi chiến trận, chết nhiều, bị bắn nhiều lắm. Mình đi liên tục, đi nước ngoài như đi chợ, bên quản lý hải quan của họ cũng nghi ngờ đấy. Họ ra quy định: đi du lịch thì trong túi phải có ít nhất 200 USD (khoảng 4,5 triệu đồng), nếu không thì không cho nhập cảnh. Có lần, tôi phải gọi người (chủ) mang tiền ra để tôi "thông quan" được.

Lúc khó quá, chúng tôi đi đường bộ. Nhập cảnh vào Lào, đi qua cửa khẩu quốc tế đường bộ sang Thái Lan, lại đi tiếp sang Malaysia. Cứ là hành trình đủ 20 ngày long đong lận đận. Đến đó, có người đón, thuê xe là vào rừng thôi.

Vào rừng thì cũng vào từ từ. Gùi đồ ăn thức uống, đeo dụng cụ tìm trầm. Lập một cái lều lán ở cách đường ô tô vài ngày đường, ở đó tìm ít ngày rồi lại đi tiếp, lập lều lán xa hơn. Cứ thế nhảy cóc, "cuốn chiếu" vào dần trong rừng sâu, bẫy bắt giết mổ thú hoang, thấy gì họ chiếm đoạt cái đó theo luật rừng" - ông Ph tuôn lời kể.

Và cướp bóc, sát hại cũng diễn ra theo luật rừng. "Lắm lúc nghĩ, con người mình cũng độc ác quá", ông Ph thở dài.

Ra nước ngoài tìm trầm là cả một sự tủi hờn khổ sở. Ở nhà thì nói dối là đi du lịch. Ra sân bay, nhập cảnh thì bị nghi ngờ, lẩn lút, xé lẻ các toán phu trầm để chờ người đón. Về chỗ tụ bạ thì đêm hôm rón rén như mèo, ngày thì túm tụm chật trội, có khi lên nóc các khách sạn rẻ tiền nằm cho kín đáo.

Đi ăn uống, mua sắm đều lén lút, rình mò. Giấy tờ phải giấu kĩ, tránh để họ bắt và tịch thu. Khi vào rừng, chỉ đi người không, hộ chiếu giấu tiệt. Thế nên khi bị bắt, bị đi ở tù, cơ quan chức năng nước bạn khá vất vả gửi công văn, giấy tờ, báo các cơ quan đại diện ngoại giao để xác minh.

Những lão nông cược mạng, ngậm ngải tìm trầm: Mánh khóe của phu trầm - 4

Ông H.V.C., xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và những cuốn hộ chiếu du lịch làm bình phong để ông ra nước ngoài du lịch tìm trầm và săn bắt ĐVHD. Ảnh: Dân Việt

Ông H.V.C. mô tả, thoát khỏi các toán cướp, trong 2-3 tháng ở trong rừng mà vô tình gặp cơ quan bảo vệ rừng, thì có khi thông qua phiên dịch "thương lượng" được, với số tiền "bôi trơn" kha khá. Bị bắt, trục xuất về Việt Nam, sau đó lại đi tiếp. Đi hàng không mà khó thì đi đường bộ, có khi đi vòng qua vài nước mới đến quốc gia mình và ê kíp cần đến.

Các phu trầm phải rèn luyện cho mình độ "lỳ" trong chịu đựng. Đói khát, vất vả kiểu gì cũng sống sót. Có khi, họ bẫy thú rừng ăn không hết, mệt chẳng đi kiểm tra bẫy, thú chết thối um cả cánh rừng. Có khi cây đổ chết người, có khi rắn cắn, gấu tát, đưa bạn trầm ra viện, đưa thi thể họ về nước rồi lại đi tiếp.

Bí quyết đưa hàng trăm phu trầm ra nước ngoài "đào bới xới lộn"

Ông N.V. V. nhà ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, dẫn tôi vào một khu dinh cơ hoành tráng. Chất ngất các "tòa tháp" đẽo tạc làm bằng gỗ chứa trầm. Nhà cửa thơm ngát. Ông V. đeo cái răng hổ to đùng ở cổ. Ông mở đầu câu chuyện, ngay khi đang đốt trầm "đãi mùi" cho khách sộp:

"Các anh mua trầm của tôi thì khỏi lo. Năm tôi chưa cưới vợ, năm 1985, tôi đã đi làm trầm. Ở rừng rú, lúc đầu chỉ nấu cơm đun nước học việc với các chú các bác. Đến lúc tôi đem một chuyến 300 quân (phu trầm) sang Malaysia khai thác. Tôi từng đi tù ở bên đó.

Những lão nông cược mạng, ngậm ngải tìm trầm: Mánh khóe của phu trầm - 5

Những ngôi nhà khang trang của các chủ buôn trầm hương ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ảnh chụp tháng 11/2021: Dân Việt

Hồi đầu chúng tôi sang, làm lãi lắm, vì dân ở đó họ không biết gì về trầm, họ có làm và bán cho mình thì giá cũng rất rẻ. Giờ họ "khôn" hơn nhiều và người Việt Nam sang làm rất đông, trầm và lâm thổ sản cũng bắt đầu khan hiếm. Tôi tạm nghỉ, nhất là vì dịch bệnh Covid-19" - chủ nhà bắt đầu kể.

"Mỗi lần cần mở rộng địa bàn khai thác sang các nước khác nhau. Bao giờ chúng tôi cũng có bà con đi thám thính trước. Họ phải nhiệt tình, được hướng dẫn cách phát hiện ra "vựa trầm", đi bộ vào rừng là phải có tiền công. Thường họ lấy vợ lấy chồng ở nước đó, sinh sống lâu năm, am hiểu địa bàn.

Đi hàng tháng trong rừng, bị bắt, có chỗ chạy được, có chỗ không chạy được, phải đi ở tù. Có người bị họ bắn chết.

Tôi đi bên nước ngoài 6 năm liền. Có khi đem vài trăm người đi. Có lúc chở hàng tấn trầm (gỗ có chứa trầm) mang về bằng đường hàng không. Chở bằng tàu thủy chậm lắm. Nói chung hàng này bị kiểm soát khá bài bản.

Song chúng tôi vẫn có cửa hết. Có khi xin cả giấy phép để đem trầm người ta trồng cấy vi sinh về nước. Nhưng thật ra, danh nghĩa thế thôi, là mình mang trầm tự nhiên đấy" - ông N.V.V cho hay.

Những lão nông cược mạng, ngậm ngải tìm trầm: Mánh khóe của phu trầm - 6

Nanh, móng và xương bánh chè (mắt phượng) của hổ được người đi tìm trầm ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình mang về từ Malaysia sau các chuyến đi săn. Ảnh chụp tháng 11/2021: Dân Việt

Trong các kho gỗ trầm có khúc dài tới 4m, hàng tấn hàng, cũng dễ bỏ nhiều món liên quan đến hổ, gấu mang về, ông V. tiết lộ.

"Có người thận trọng, qua cửa hải quan là xóa trong điện thoại các bức ảnh chụp liên quan đến hổ, gấu và hàng phi pháp, vì sợ họ kiểm tra thì "lạy ông tôi ở bụi này", ông Hà Văn C. tỏ ra tinh ranh và thức thời hơn.

Ông V. ngồi giữa giàu sang, than thở: "Cái nghề này cần nhiều mánh, cũng đau khổ lắm. Tôi nghiệm ra, cứ 200 người đi tìm trầm, thì chỉ hơn 10 người là kiếm được vài đồng trở về. Còn lại chẳng ra gì đâu.

Có người bị bắt tù 14 tháng, có người bỏ tiền "chạy" qua cò mồi, cứ 50 triệu đồng được giảm nhẹ tội một tí. Bản thân tôi, bị bắt ở Trung Quốc, đi tù hẳn hoi, người ta khép vào tội buôn bán trầm. Tôi gửi hàng qua bưu điện và bị họ theo dõi. Thế là còn may, ở Lào, bọn "thổ phỉ" hay bắn chết người đi làm trầm, để cướp bóc".

Với đủ các mánh khóe thoát tội, lẩn lút trong rừng già, chiêu trò "qua mặt" cơ quan chức năng để tuồn hàng cấm về quê, trừ những người bị bắn chết hay bắt tù ở nước ngoài, một số phu trầm và ông chủ của họ đã rất ngoạn mục kiếm được của ăn của để.

Một cán bộ nhiều năm là lãnh đạo Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Bình cho biết: đơn vị hay nhận được các văn bản đề nghị xác minh nhân thân, thông tin về các phu trầm bị xử lý, bắt tù, xử phạt, trục xuất (hoặc không may trọng thương, bỏ mạng) từ các nước khác. Xuyên quốc gia xâm nhập rừng già "ngậm ngải tìm trầm" là một cái nghề đã nhiều năm tồn tại ở không ít làng xã trên địa bàn.

Chúng tôi tận mắt chứng kiến da hổ, tay gấu, các bộ phận thi thể không thể tách rời khỏi sự sống của động vật hoang dã quý hiếm được tuồn về các làng phu trầm đi bòn tìm lâm thổ sản xuyên quốc gia. Những đại gia trầm đều là "trùm" đưa quân ra nước ngoài, rồi thu gom bao tiêu sản phẩm.

Họ xây nhà cao cửa rộng, thuê hàng chục công nhân "soi" trầm ngoại tại sân, tại vườn, rồi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ, đồ thờ cúng, tâm linh bán trên mạng xã hội, đi các hội chợ danh tiếng cả nước. Những người buôn ngồi mát ăn bát vàng: họ không vào rừng, cũng chẳng bị bắn hạ hay vướng vào án tù ở nước ngoài.

Những lão nông cược mạng, ngậm ngải tìm trầm: Mánh khóe của phu trầm - 7

Một người đi tìm trầm ở nước ngoài hiện đang sinh sống ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đưa ra sản phẩm động vật hoang dã (da đầu hổ) cho biết đây là sản phẩm sau một thời gian buôn bán, tìm trầm ở nước ngoài. Ảnh chụp tháng 11/2021: Dân Việt

 

An cư lạc nghiệp tại quê nhà - một sự giác ngộ hợp thời

Bát cơm để cạnh bát máu, ăn của rừng rưng rưng nước mắt, là thảm cảnh của các phu trầm vai u thịt bắp sống như Rô bin sơn trong sơn lam chướng khí năm này qua năm khác mà thôi.

Những cỗ quan tài ướp lạnh với những phu trầm tắt thở bất toàn thây; những phần tro cốt còn sót tê tái được gửi về trong tiếng than rền rĩ của đông đảo thân nhân; các vụ thảm sát kiểu như 5 phu trầm ở biên giới Việt Lào cách đây chưa lâu… - tất cả đã khiến nhiều người tỉnh ngộ.

Lên rừng xuống biển, phá sơn lâm, đâm hà bá, tìm "sơn hào hải vị" kiểu ngậm ngải tìm trầm, bẫy hổ giết gấu như loạt bài này mô tả, nó không chỉ vất vả đến mức làm tàn lụi nhiều mảnh đời. 

Mà hơn thế, hoạt động phi pháp của các đường dây tìm trầm bẫy thú xuyên quốc gia đã trở thành một vấn đề tai tiếng, báo chí nước ngoài không ít lần đã đề cập một cách lẻ tẻ đến các vi phạm trên do người Việt gây ra, ít nhiều làm ảnh hưởng đến hình ảnh tốt đẹp của đất nước ta trong mắt bạn bè.

Những lão nông cược mạng, ngậm ngải tìm trầm: Mánh khóe của phu trầm - 8

Lao động đang chế tác trầm hương tại nhà một chủ buôn trầm ở thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ảnh chụp tháng 11/2021: Dân Việt

Sự tận diệt các giá trị cần bảo tồn của nhân loại kể trên đã đi ngược lại với các lý lẽ nhân văn mà chúng ta và nhân loại tiến bộ đang hướng tới.

Tâm sự của người dân, trùng với tiết lộ của cán bộ xã, cán bộ tỉnh khi trả lời phỏng vấn chúng tôi, rằng: gần đây, đời sống ở địa phương phát triển, nghề phụ giúp họ có một cuộc sống ổn định hơn nhiều.

Giá trầm giảm nghiêm trọng, dịch bệnh Covid-19 hành hoành khắp thế giới, chính sách hạn chế đi lại đã gây nhiều khó khăn, người dân ở các nước lân cận thấy được giá trị của trầm nên cũng tham gia tìm kiếm và cạnh tranh.

Từ những bài toán đó, với sự vận động của chính quyền địa phương và gia đình, nhiều phu trầm đã bỏ cái nghề xông pha ngàn dặm xa xôi, cô quạnh lẩn lút bên xứ người, đối mặt với họng súng và còng số 8, với những vụ cướp bóc kinh hoàng từ đạo tặc, để "an cư lạc nghiệp" tại quê nhà.

Ông Nguyễn Duy Tiễn, Chủ tịch UBND xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình:

Sở Ngoại vụ gửi danh sách những người xấu số, vi phạm (bị bắt giữ, bị phạt tù, cả người thiệt mạng) ở nước ngoài về xã. Tôi rất ám ảnh với hai trường hợp là ông Phạm Văn S., xóm 1 Trúc Ly, SN 1967, chết ở Malaysia; rồi ông Đoàn Văn T. (SN 1972) ở xóm 3 Trúc Ly; hai người đã chết khi khi đi tìm trầm. Họ đều được đem tro cốt về. Người bị thương cũng không ít; có người đem cả thịt thú quý hiếm, với tay khỉ sấy khô về làng. Để khỏi bị phát hiện khai thác trầm trái phép ở Lào, họ ẩn nấp kĩ. Ban ngày vào tìm, thấy cây có trầm là đánh dấu, đến tối hoặc rạng sáng mới lẻn vào làm.