Những gánh hàng đêm thời Covid-19

(Dân trí) - Bươn chải mưu sinh để kiếm từng đồng tiền cho gia đình, nhiều lao động tự do làm nghề bán hàng đêm ở Hà Nội còn phải "gồng" lên để vượt qua những tác động của dịch Covid-19.

Mưu sinh nơi vỉa hè

Vợ chồng chị Lê Thị Thùy (quê ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội) lập nghiệp đã 4 năm nay với nghề bán đồ ăn đêm. Phương tiện hành nghề của vợ chồng chị là chiếc xe đẩy đi lại trên tuyến phố Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân, Hà Nội).

“Mỗi ngày, hai vợ chồng tôi đi bán từ 21 h đến khoảng 3 - 4 h hôm sau. Thu nhập mỗi đêm của cả hai người được 400.000 - 500.000 đồng” - Chị Thùy cho biết.

Đợt giãn cách xã hội tháng 4/2020, vợ chồng chị Thùy đã khăn gói về quê. Mới quay trở lại trung tâm Hà Nội bán hàng được hơn 1 tháng, chị lại nghe có tin về ca nhiễm mới. Điều này khiến vợ chồng chị không khỏi lo lắng.

Những gánh hàng đêm thời Covid-19 - 1

Chị Thùy cùng con gái lớn đang bán hàng trên phố Vũ Tông Phan

Lần này lên Hà Nội, đúng đợt nghỉ hè nên chị Thùy đem theo 2 đứa con đang học trung học. Đứa lớn đi bán hàng phụ mẹ, đứa bé đi theo phụ bố.

“4 năm nay cứ dịp nghỉ hè, hai cháu lại theo tôi lên đây phụ giúp bố mẹ bán hàng. Mấy hôm nay dịch bệnh Covid-19 lại xuất hiện, tôi đang giục chúng về quê với ông bà nhưng chưa đứa nào chịu về”- Chị Thùy nói.

Theo chị Thùy, mặt hàng của chị là xôi, bán mì, nên chỉ bán được nhiều vào ban đêm. Đi bán hàng đêm, chị Thùy đối mặt với nhiều mối nguy hiểm, từ khi có dịch lại càng thêm rủi ro.

Những gánh hàng đêm thời Covid-19 - 2

Chị Thùy bươn chải với gánh hàng đêm mùa dịch Covid-19

“Mỗi ngày tôi tiếp xúc hàng chục người, họ đến mua hàng rồi đi cũng chẳng biết ai, nhỡ chẳng may có nhiễm Covid-19 cũng không biết. Bây giờ hai vợ chồng tôi nghỉ về quê thì cũng chẳng làm gì ra tiền, lại sắp vào năm học mới, hai đứa đi học cũng mất khoản khá khá” - chị Thùy tâm sự.

Giống với chị Thùy, chị Nguyễn Ngọc Loan 40 tuổi (Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội) hàng ngày vẫn miệt mài bên gánh hàng phở cùng dăm ba chiếc ghế nhựa đầu ngõ 100 phố Tây Sơn.

“Vì chưa có điều kiện mở quán, tôi tận dụng vỉa hè vào ban đêm để bán hàng. Bán phở vỉa hè thì chỉ bán ban đêm, ban ngày phường người ta không cho bán” - chị Loan nói.

Trước khi đến với nghề bán phở trên vỉa hè, chị Loan cũng đã làm nhiều nghề như công nhân, bán quần áo,... thế nhưng nghề bán phở đêm lại đem lại cho chị thu nhập cao nhất. Có đêm, chị Loan thu nhập 500.000 đồng.

“Nhiều hôm rét căn cắt tôi vẫn phải ngồi bán, rồi những hôm mưa rào ập đến chạy không kịp. Dịch bệnh tôi cũng sợ lắm chứ, nhưng không đi bán hàng thì chết đói” -  Chị Loan tâm sự.

Chấp hành chống dịch

Thật khó thống kê có bao nhiêu người mưu sinh hè phố Hà Nội với cả nghìn hình thức. Bám vỉa hè phố mưu sinh đã trở thành chuyện "thường ngày" của những người dân nghèo, người thôn quê thiếu việc làm.
Mới đây, UBND TP Hà Nội cấm tất cả các quán bar, karaoke, hàng quán vỉa hè, lễ hội tập trung đông người phải tạm dừng hoạt động từ 0 giờ ngày 1-8. Đặc biệt các quán nước vỉa hè có nguy cơ lây lan dịch Covid-19 rất cao.

Những gánh hàng đêm thời Covid-19 - 3

Quán trà đá của bà Phong đủ để nuôi 3 cháu nhỏ

Chấp hành Chỉ thị, bà Nguyễn Thị Phong quê ở Việt Yên, Bắc Giang năm nay đã ngoài 60 tuổi, đang tính dừng công việc bán hàng trà đá hơn chục năm trước cổng chợ đêm Long Biên.

Bà Phong cho biết: “Hàng ngày, tôi bán trà đá để nuôi 3 cháu nhỏ, bố mẹ chúng đều bỏ đi cả. Đứa lớn thì ở quê với ông để đi học, 2 đứa nhỏ ở dưới Hà Nội với tôi”.

Ban ngày, bà Phong bán trà đá trước cửa ngôi nhà thuê ở phường Phú Xá, quận Ba Đình để vừa bán hàng, vừa trông cháu. Đêm đến, khi 2 đứa cháu ngủ, bà Phong đẩy xe nước ra cổng chợ Long Biên, nơi có nhiều thương lái qua lại.

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại, khiến quán nước của bà Phong trở nên vắng khách hơn, thu nhập cũng từ ấy mà giảm đi. 

Những gánh hàng đêm thời Covid-19 - 4

Một lượng lớn lao động sử dụng vỉa hè Hà Nội làm chốn mưu sinh 

Bà Phong chia sẻ: “Dịch bệnh thế này, thu nhập từ quán trà đá cũng chẳng được bao nhiêu, các cháu cũng sắp đi học. Tôi định mấy hôm nữa về quê sống để tiện chăm lo cho gia đình rồi tìm một nghề khác ở quê để làm”.

Hàng quán vỉa hè như của chị Thùy, chị Loan, bà Phong hay nhiều người lao động khác thường là những nơi tụ tập đông người, dễ lây lan dịch bệnh. Khi bệnh Covid-19 xuất hiện trong nhóm đối tượng này, tình hình sẽ rất khó kiểm soát.

Việc mưu sinh của của rất nhiều người từ vỉa hè là vấn đề quan trọng. Nhưng để đảm bảo sức khoẻ cho toàn xã hội, việc dừng bán hàng một thời gian là điều cần chấp hành.