Những chính sách tuyển dụng giáo viên trên thế giới

Do vai trò của giáo viên đang dần thay đổi để có thể đáp ứng sự mong đợi của xã hội, chính sách và quy trình tuyển dụng giáo giới tại các trường công lập cũng đang có sự thay đổi.

Châu Á: Hai thay đổi trong quy trình tuyển dụng

Ngày nay, giáo viên (GV) không chỉ đóng vai trò đơn giản là người truyền tải tri thức, thông tin tới các thế hệ sau. Thay vào đó, họ phải trở thành những người có thể tổng hợp thông tin, xác định và giải quyết vấn đề, tạo ra những đổi mới tiếp theo trong lĩnh vực nhất định của họ, làm việc theo nhóm và đóng góp tích cực cho xã hội dân sự.

Với những thực tế này, việc tuyển dụng GV tại các trường công lập trên thế giới đều có sự thay đổi. Tại một số quốc gia, việc tuyển dụng giáo giới đã không còn là trách nhiệm của Bộ Giáo dục, mà là của cấp tỉnh hoặc thành phố. Tuy nhiên, ở hầu hết quốc gia, chính phủ vẫn đưa ra các yêu cầu mà GV phải đáp ứng để có thể được lựa chọn.

Có hai thay đổi trong quy trình tuyển dụng và tuyển chọn GV: Một số quốc gia thực hiện chọn lọc bằng cách giới hạn số lượng người được chấp nhận vào chương trình đào tạo GV, trong khi các nước khác cho phép những HS giỏi được tham gia vào quá trình đào tạo để trở thành GV. Từ đó, dựa trên điểm kiểm tra, phỏng vấn và sau đó là bài thực hành giảng dạy, ứng cử viên xuất sắc nhất sẽ được lựa chọn.

Những chính sách tuyển dụng giáo viên trên thế giới - 1
Mỗi quốc gia lại có chính sách tuyển dụng GV khác nhau

Tại Hàn Quốc, chính phủ áp dụng bằng cách kết hợp cả hai cách thức trên, nhằm giới hạn số lượng GV được tuyển và cho phép HS giỏi có thể trở thành nhà giáo bậc tiểu học. Tuy nhiên, số lượng những người học muốn trở thành GV trung học sẽ không bị giới hạn.

Theo đó, mọi ứng viên đều có thể tham gia chương trình đào tạo và sẽ chỉ có 20% được chọn để trở thành GV trung học. Điều này cũng khiến HS đang học THCS thay đổi nguyện vọng nghề nghiệp trong tương lai thay vì ước mơ làm nhà giáo.

Việc hạn chế ứng cử viên tiếp cận với các chương trình đào tạo cũng là một hình thức tuyển dụng, bởi SV tìm cách tham gia các chương trình chọn lọc và uy tín hơn. Do các quận hoặc thành phố thực hiện tuyển dụng, SV sau tốt nghiệp sẽ được bảo đảm một công việc, nhưng không phải là một vị trí trong một trường cố định, cụ thể.

Ở nhiều nước phương Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore, cứ sau 5 - 7 năm, GV sẽ được luân chuyển đến các trường khác nhau, do đó, được làm việc tại một trường cụ thể không còn là một vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, mặt trái là có rất ít cạnh tranh giữa các ứng cử viên vào một công việc. Tại Hàn Quốc, các trường tiểu học hầu như không có nhiều thí sinh ứng tuyển.

Đối với những hệ thống nơi nguồn cung GV lớn hơn nhiều so với nhu cầu như Nhật Bản và các trường THCS Hàn Quốc, vấn đề tuyển chọn thường quan trọng hơn tuyển dụng. Quá trình tuyển dụng ở nước này cũng bao gồm các cuộc phỏng vấn và thực hành giảng dạy. Tuy nhiên, không ít người chỉ trích về bản chất của việc tuyển dụng do số lượng lớn ứng cử viên được chọn cho mỗi vị trí.

Tại Nhật Bản, Bộ GD, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ yêu cầu các hội đồng GD cấp tỉnh chú trọng vào quá trình phỏng vấn bên cạnh việc đánh giá bài luận của thí sinh. Biện pháp này nhằm bảo đảm, giáo giới sẽ thể hiện được các khía cạnh của tính cách và những yếu tố quan trọng khác để giảng dạy hiệu quả.

Phương Tây: Khó khăn trong tuyển dụng

Tuy nhiên, các nước phương Tây lại phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng giáo giới, bởi GV thường không được coi trọng như ở các quốc gia phương Đông. Các chương trình đào tạo GV chỉ thu hút chưa tới 1/3 HS, SV so với các ngành nghề khác. Trong khi số lượng HS trên thế giới ngày càng nhiều, ứng cử viên ngành GD lại ngược lại. Đây được coi là lý do khiến chính sách tuyển dụng giữa các quốc gia khác nhau.

Tại New South Wales (Australia), GV toán học, khoa học và công nghệ tương lai có thể nhận được học bổng trị giá 10.000 AUD vào năm học cuối để cam kết dạy trong 2 năm ở một vùng xa xôi. Ở Tây Australia, Ủy ban GD Công giáo tích cực tuyển dụng các ứng viên với lời kêu gọi họ chấp nhận dạy trẻ em ở vùng sâu vùng xa.

Ở Đan Mạch, giáo giới được nhận các khoản phụ cấp đặc biệt, bao gồm chỗ ở miễn phí và máy tính riêng. Chính sách này được coi là nhằm khuyến khích họ giảng dạy ở các vùng hẻo lánh.

Tại Pháp, Bộ GD đưa ra các vị trí công việc đặc biệt cho những GV đầu tiên tham gia các khóa học chuyên ngành về cải tiến trường học để giảng dạy SV có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế.

Tại Vương quốc Anh, các GV tương lai có thể được hỗ trợ tới 5.000 bảng để giảng dạy những môn học thiếu người dạy. Ngoài ra, những người mới cũng nhận được trợ cấp mang tên “Golden Hello” trị giá 4.000 bảng sau khi hoàn thành tốt công việc trong năm đầu tiên.

Tại Mỹ, chính phủ liên bang sẽ miễn nợ cho khoản vay lên tới 17.500 USD đối với những GV trong các lĩnh vực toán học, khoa học, GD đặc biệt. Tuy nhiên, số tiền này vẫn không thể thu hút SV từ các trường ĐH hàng đầu. Nhiều khu học chánh đưa ra mức lương khuyến khích trong quy định tuyển dụng GV ở các lĩnh vực toán học, khoa học, GD đặc biệt. Đáng buồn là, chúng đều không mang lại hiệu quả cao.

Một chiến lược khác là, các tiểu bang tại Mỹ đã phát triển các chương trình chứng nhận thay thế (ACP), cho phép SV theo đuổi chuyên ngành trong một lĩnh vực, chủ đề cụ thể và tham gia vào ACP sau khi tốt nghiệp. Các chương trình này cung cấp một khóa học hè và sau đó là đào tạo tại chỗ trong 2 năm đầu tiên giảng dạy.

GV sẽ được chứng nhận vào cuối năm thứ 2. Nhờ chiến lược này, các khu học chánh không chỉ tuyển dụng được những người có sự chuẩn bị học tập tốt hơn, mà còn khuyến khích những người muốn thay đổi nghề nghiệp tham gia giảng dạy. Một chương trình như vậy được áp dụng ở thành phố New York đã giúp giảm đáng kể vấn đề về tuyển dụng trong các trường nội thành.

Theo Vân Huyền/Giáo dục Thời đại, Asia Society