1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Gia Lai:

Những "bông hồng thép" chung lời thề giữ rừng

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Tốt nghiệp đại học, những cô gái đang tuổi thanh xuân đã chọn theo ngành lâm nghiệp. Nhiều lần đối mặt lâm tặc, tai nạn giữa rừng nhưng các chị vẫn kiên cường với lời thề giữ rừng.

Thanh xuân giữa rừng xanh

Chị Phan Thị Kiều Hạnh - Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch (37 tuổi, trú tại huyện Chư Prông, Gia Lai) được mệnh danh là "bông hồng thép" giữ rừng vùng biên. Dấu chân của chị đã đi qua mọi đường rừng, đỉnh núi nơi đây.

Những bông hồng thép chung lời thề giữ rừng - 1

Gần 15 năm nay, chị Hạnh cùng đồng nghiệp ngày đêm bảo vệ rừng, đối mặt với nhiều nguy hiểm (Ảnh: Phạm Hoàng).

Gần 15 năm nay, chị Hạnh luôn cùng anh em đồng nghiệp tuần tra giữ rừng, liên tục đối diện với lâm tặc hung hãn, tinh vi. Trải qua bao nhiêu lần "ăn rừng, ở rú", chị Hạnh càng gắn với cái nghề vất vả, gian lao này.

Chị Hạnh tốt nghiệp đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh vào năm 2009. Ra trường, chị xin việc ổn định tại Văn phòng UBND huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.

Vì mong ước được làm việc ở nơi mình sinh sống và làm đúng ngành nghề nên chị đã nộp hồ sơ xin vào Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai. Sau nhiều tuần chờ đợi, chị được nhận và phân công làm nhân viên bảo vệ rừng tại địa bàn xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông, Gia Lai), cách nhà gần 50km.

Những bông hồng thép chung lời thề giữ rừng - 2

Nghề bảo vệ rừng là mong ước của chị Hạnh (Ảnh: Phạm Hoàng).

Đã lường trước khó khăn khi chọn nghề lâm nghiệp, chị vẫn Hạnh không ít lần rơi nước mắt. Chị Hạnh bộc bạch: "Mình chọn nghề lâm nghiệp có lẽ là cái duyên, đặc biệt khi là con gái. Nhiều lúc, ngồi khóc ở giữa rừng một mình vì tủi thân, nhớ nhà".

Thay vì mang đôi giày cao gót, chị Hạnh lại chọn đôi dép rọ, băng băng trên mọi cánh rừng. Công việc bảo vệ rừng đối với một phụ nữ như chị Hạnh là thách thức không hề nhỏ.

"Nhiều lần băng rừng trong đêm tối, tôi hay bị lạc vì đi chậm hơn so với các anh em. Lúc đó, tôi đều phải mò mẫm trong đêm tối, vừa đi vừa sợ. Còn trượt chân khi đi rừng, băng suối thì thường xuyên", chị Hạnh nhớ lại.

Theo nghề, chị Hạnh cũng kết duyên với người bạn đời là một nhân viên bảo vệ rừng. Suốt 15 năm, hai vợ chồng vẫn mỗi tháng một đôi lần cùng về nhà.

"Hai vợ chồng cùng dành trọn thời gian cho công việc giữ rừng. Thu nhập eo hẹp nên hơn chục năm nay, vẫn chưa thể mua được một mảnh đất, xây nhà. Ngay cả việc sinh thêm con thứ hai, vợ chồng cũng không dám. Cả hai luôn động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao", chị Hạnh tâm sự.

"Nghề bạc nhưng lỡ vướng nghiệp này"

Cùng cơ quan với chị Hạnh, chị Nguyễn Thị Hoa (36 tuổi, nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch) cũng đã dành hết thanh xuân cống hiến cho nghề lâm nghiệp. Vào nghề từ năm 2009, chị Hoa đã luân chuyển qua nhiều đơn vị. Thuận lợi hơn chị Hạnh, chị Hoa luôn có hậu phương vững chắc là người chồng.

Những bông hồng thép chung lời thề giữ rừng - 3

Chị Thảo trên hành trình đi tuần tra cánh rừng vùng biên (Ảnh: Phạm Hoàng).

"Anh ấy làm nghề tự do nên ở nhà, lo ăn học cho 2 con nhỏ. Tôi thì ở rừng,  7-10 ngày mới được về nhà một lần. Con khóc, con ốm đều một tay chồng ở nhà lo lắng. Nhiều lúc con ốm đau, chồng cũng đưa đi viện, không dám nói vì sợ tôi lo", chị Hoa nói, nước mắt rưng rưng.

Mỗi lúc về nhà thấy con gái đòi theo mẹ đi làm, muốn mẹ chở đi học là chị thấy cay nơi khóe mắt. Thấy tuổi thơ của con chịu nhiều thiệt thòi, thiếu sự chăm bẵm, yêu thương trọn vẹn của cha mẹ, chị cảm thấy xót xa.

Những bông hồng thép chung lời thề giữ rừng - 4

Không ít lần chị Thảo, chị Hạnh đối mặt với nguy hiểm, gian nan trong khi thực hiện nhiệm vụ (Ảnh: Phạm Hoàng).

Những năm gần đây, tình hình trong ngành lâm nghiệp nóng bỏng khi giá trị lâm sản tăng lên. Lâm tặc ngày càng liều lĩnh, manh động và bất chấp để vào rừng khai thác gỗ trái phép.

Những người phụ nữ trong ngành lâm nghiệp như chị Hoa, chị Hạnh gặp muôn phần khó khăn. Hai chị vừa gắng chu toàn thiên chức của người phụ nữ, vừa đối mặt với không ít hiểm nguy, sự hung hãn của lâm tặc trong công việc bảo vệ rừng.

Những bông hồng thép chung lời thề giữ rừng - 5

Khó khăn nhưng hai chị vẫn luôn mỉm cười để cùng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao (Ảnh: Phạm Hoàng).

Chia sẻ tâm tư, chị Hoa thẳng thắn: "Dẫu biết nghề vất vả, nguy hiểm, thu nhập thấp nhưng chúng tôi đã bền bỉ sống cùng với nghề rồi. Tôi mong cơ quan chức năng có những chính sách đặc thù để nhân viên giữ rừng như chúng tôi yên tâm thực hiện nhiệm vụ và lo cho gia đình phía sau".

Ông Nguyễn Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai chia sẻ, việc thiếu hụt nhân lực đang khiến nhiệm vụ giữ rừng gặp nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ chân lực lượng bảo vệ rừng nhưng các chế độ chủ yếu vẫn mang tính động viên và tình thế.

Trong ngành lâm nghiệp đang còn nhiều cán bộ nữ yêu nghề, bám trụ với công tác quản lý bảo vệ rừng là điều rất đáng trân trọng. "Chúng tôi thấu hiểu khó khăn này nên cũng hết sức tạo điều kiện trong việc luân chuyển, để cán bộ công tác ở vùng xa về gần hơn với gia đình, giúp họ yên tâm công tác, chăm lo con cái học hành", ông Hoan nói.

Cũng theo ông Hoan, Sở đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kiến nghị sửa đổi chính sách, tăng thêm phụ cấp, thu nhập cho đội ngũ bảo vệ rừng chuyên trách. Chỉ có thay đổi chính sách thì mới thu hút được đội ngũ nhân lực bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.