1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Những băn khoăn của người lao động

(Dân trí) - Trong quá trình tìm việc và làm việc, bạn có vô vàn khúc mắc, mối quan tâm, băn khoăn cần được chia sẻ, giải quyết. Dưới đây là một vài băn khoăn thường gặp nhất.

Câu hỏi 1:

Công ty nơi tôi làm việc tuyên bố phá sản, sếp lại nài nỉ tôi ở lại giúp ông ấy vượt qua khó khăn. Tôi như mắc vào đống rắc rối không gỡ ra được. Tôi nên làm gì bây giờ?

 

Đừng quá thất vọng, trước hết hãy chia sẻ nỗi buồn với sếp. Hãy hiểu rằng sếp đang thật sự cần bạn và năng lực của bạn đang được chứng minh. Tuy nhiên, cứ cân nhắc cho kỹ, đi hay ở phụ thuộc vào bạn. Hơn nữa, bạn cần tự đánh giá tình hình tài chính của mình. Vì nếu bạn ở lại, rất có thể bạn sẽ phải chấp nhận làm nhiều tháng không lương.

 

Câu hỏi 2:

Tốt nghiệp đại học, nhưng tôi chỉ có những kinh nghiệm không thuộc chuyên môn của mình. Khi đi xin việc, tôi có nên ghi những kinh nghiệm đó vào sơ yếu lý lịch không?

 

Bất kỳ kinh nghiệm nào bạn đã có được khi làm việc, dù không phải chuyên môn của mình, cũng hữu ích cho bạn. Bạn hãy mô tả công việc bạn làm trước đây thật cụ thể, chi tiết và nêu bật lợi ích của những kinh nghiệm bạn học hỏi được trong khoảng thời gian đó. Ví dụ: Hãy nhấn mạnh rằng bạn đã đi làm trong một môi trường đòi hỏi tính năng động trong công việc, cạnh tranh cao nhưng bạn rất tự tin để vượt qua. Cũng đừng quên trình bày những gì bạn trải qua, học hỏi trong 5 năm học trong trường. Kỹ năng cá nhân hay những hoài bão thời sinh viên đều không thừa.

 

Câu hỏi 3:

Tôi vừa trải qua cuộc phỏng vấn vào một vị trí khá tuyệt. Có vẻ như tôi đã thành công. Làm thế nào để tạo được ấn tượng tốt hơn với nhà tuyển dụng ngay sau đó?

 

Sau cuộc phỏng vấn, bạn có thể liên lạc với nhà tuyển dụng qua email, điện thoại, thư… nhưng tốt nhất là bạn hãy xin số điện thoại và gọi trực tiếp cho họ. Hãy nói rằng bạn muốn cảm ơn họ đã dành thời gian để nghe bạn nói, cảm ơn họ đã cho bạn cơ hội được thi tuyển. Nói thêm rằng bạn rất yêu công việc dự tuyển và mong sớm được cống hiến cho công ty của họ.

 

Câu hỏi 4:

Tôi thấy năng lực của mình đang “thừa” so với vị trí hiện tại, tôi muốn sếp cất nhắc lên những vị trí cao hơn nhưng làm cách nào đây?

 

Nỗ lực để làm việc luôn ở mức cao nhất, nhưng bạn luôn phải đầy ắp những ý tưởng , sáng kiến cho công việc. Rèn luyện không ngừng, bạn cũng nên tham gia các lớp đào tạo nâng cao chuyên môn. Luôn học hỏi và báo điều đó cho sếp biết; đồng thời hoàn thành tốt vai trò hiện tại của mình. Bạn cũng có thể xin được nhận thêm việc, ngầm báo với sếp rằng bạn đang có thừa khả năng để tiến xa.

 

Câu hỏi 5:

Làm việc cật lực 3 năm trời, trong khi giá cả leo thang từng ngày thì lương của tôi “nguyễn y vân”. Tôi phải làm sao để có thể cải thiện tiền lương của mình?

 

Bạn đã đóng góp được thành tích gì cho công ty chưa? Nếu chưa, đừng vội nản chí, buồn lòng mà hãy tiếp tục cống hiến đi. Có thể bạn luôn hoàn thành nhiệm vụ nhưng bạn lại chưa từng tỏ ra xuất sắc vượt trội.

 

Nếu bạn là nhân viên giỏi trong công ty, nên chọn thời điểm thích hợp để bày tỏ ý kiến của mình với cấp trên. Hãy trình bày với cấp trên tình hình giá cả hiện nay đã gây ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của bạn như thế nào. Bạn hãy thử nói: “Tôi muốn có thêm lương để không phải lo lắng gì cả về tiền bạc, chỉ chuyên tâm vào công việc mà thôi”.

            

Phú Quý