Những áp lực vô hình nơi công sở

Sáng nào thức dậy, Hải Anh cũng cảm thấy uể oải khi chuẩn bị đến cơ quan làm việc. Cô làm tại một công ty xuất nhập khẩu với mức lương 500 USD/tháng. Vậy mà lúc nào Hải Anh cũng muốn nộp đơn xin nghỉ.

Cô tâm sự: “Hãi quá cậu ơi. Tớ mà làm việc ở đó lâu thì không thành cáo cũng thành sói. Đồng nghiệp gì mà cứ tìm cách “thịt” nhau. Tớ cảm thấy mình như bị bóp nghẹt…”

 

Không chỉ Hải Anh, nhiều người cũng đang bức bối với những áp lực vô hình trong môi trường làm việc.

 

Điều này đặt ra nhu cầu bức thiết cho các nhà quản lý và lãnh đạo. Họ phải kịp thời nhận dạng chúng, đồng thời có biện pháp chấn chỉnh. Nếu không, doanh nghiệp có thể sẽ khốn đốn vì tình trạng “chảy máu chất xám” hoặc “nổi loạn”.

 

Cuộc chiến đấu của các phe phái: Thật khó xử cho các nhân viên làm việc trong các công ty có nhiều “đảng phái”. Họ buộc phải theo một phe bởi nếu đứng giữa, họ sẽ thường xuyên phải chứng kiến các đồng nghiệp nói xấu, hạ gục nhau. Không khéo, họ lại thành bia đỡ đạn.

 

Thiếu sự đáng giá và khích lệ: Nhân viên đã nỗ lực, dốc hết sức để đáp ứng những yêu cầu của ban lãnh đạo đưa ra. Nhưng họ chẳng bao giờ nhận được bất cứ một phản hồi nào, dù là chê, từ phía cấp trên. Điều này khiến nhân viên không còn lửa để phấn đấu. Lâu ngày họ sẽ cảm thấy ức chế, khó chịu và muốn tìm lối thoát cho mình.

 

Ý tưởng luôn bị lãng quên: Khi nhân viên đề xuất ý tưởng để nâng cao chất lượng công việc, sếp lại gạt phăng ý tưởng đó sang một bên và còn mắng họ là tào lao. Thậm chí, sếp còn buộc mọi người tuân theo những ý tưởng khuôn mẫu và lạc hậu của mình. Hành động này sẽ làm tàn lụi bầu nhiệt huyết và “đóng băng” ý tưởng sáng tạo của nhân viên.

 

Búp bê trong tủ kính: Một số nhân viên, đặc biệt là các cô gái trẻ xinh đẹp, được tuyển dụng vào những vị trí nghe rất kêu, lương cao nhưng công việc lại quá nhàn hạ. Họ ngày càng béo ra và lười đi, vì họ chẳng có việc gì để động não. Dần dần, nhân viên cảm thấy mình sống như búp bê, chỉ làm đẹp cho bộ mặt công ty. Những người thực có tài sẽ chẳng muốn ngồi đây lâu.

 

Không đam mê, không cảm hứng: Nhiều nhân viên có năng lực, thế mạnh trong lĩnh vực này. Vậy mà sếp lại giao cho họ công việc trái với chuyên môn, việc họ muốn làm thì lại giao cho người khác. Điều này khiến nhân viên cảm thấy mất cảm hứng và căng thẳng khi đảm trách công việc không đúng sở trường.

 

Chán ngán thái độ “hành” nhau: Công việc không nhàm chán nhưng chính cơ chế, con người khiến các nhân viên mệt mỏi. Thay vì làm việc trên tinh thần tương trợ lẫn nhau, một số đồng nghiệp, phòng ban lại hạnh họe, bắt chẹt nhau với thái độ kẻ cả. Thái độ này khiến công việc bị đình trệ. Tiêu cực hơn, nó còn tạo ra bầu không khí căng thẳng và làn sóng chiến tranh ngầm trong công ty.

 

Theo Vân Điển

Tiếp thị & Gia đình