Nhức nhối vấn đề đào tạo nghề

(Dân trí) - Việc Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015” cho thấy vấn đề đào tạo nghề đang rất nhức nhối. Trong bảng xếp hạng châu Á về chất lượng nguồn nhân lực mới đây, Việt Nam đứng trước nguy cơ áp cuối.

Theo thống kê, hiện Việt Nam có trên 40 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng tỉ lệ thất nghiệp không giảm do thiếu hụt nguồn nhân lực từ kỹ thuật cao đến từ lao động phổ thông. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 35,4%, trong đó đào tạo nghề là 24,7%.

Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả những lao động qua đào tạo đều đáp ứng yêu cầu của trong nước. Bên cạnh đó, lao động Việt Nam còn mang thói quen, tập quán sản xuất nhỏ, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp kém…

Ông Phan Chính Thức, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề cho biết: Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là do cơ chế, chính sách và đầu tư cho lĩnh vực dạy nghề chưa thỏa đáng. Từ đó dẫn đến hệ thống dạynghề không đáp ứng yêu cầu cả về chuyên môn, ngoại ngữ lẫn tác phong công nghiệp.

Bằng chứng là năm 2007, ngân sách Nhà nước đầu tư phân bổ cho giáo dục là 70.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 20% ngân sách) nhưng phân bổ kinh phí cho đào tạo nghề chỉ chiếm 6%. Ở các nước, tỷ lê này là 50%.

Do đó, việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015” với kinh phí khoảng 10.000 tỷ đồng vào thời điểm này rất có ý nghĩa. Mục đích của dự án là nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 50% vào năm 2010 và 75% vào năm 2015.

Tuy nhiên để dự án này đem lại hiệu quả thiết thực không chỉ cần có sự điều phối tốt của các ban ngành, đoàn thể mà còn là sự tham gia của cả cộng động. Chúng ta đang hướng tới xây dựng một cơ chế “đào tạo theo nhu cầu thị trường”.

Lan Hương