Thanh Hóa:

Giải pháp nào cho nghề cá khi thiếu lao động đi biển?

Bình Minh

(Dân trí) - Thiếu hụt lao động trên các tàu đánh bắt xa bờ ở Thanh Hóa kéo theo nhiều hệ lụy: Từ việc vươn khơi bám biển nhằm khẳng định chủ quyền, đến việc tạo sinh kế cho ngư dân.

Ngư dân khó khăn, tàu lại nằm bờ

Được đánh giá là địa phương có tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế biển do có bờ biển dài, vùng biển Thanh Hóa là nơi trú ngụ, sinh sản và phát triển của đa số các loài thủy sản có tại Vịnh Bắc Bộ.

Nhưng vài năm qua, ngư dân Thanh Hóa đang gặp rất nhiều khó khăn, trực tiếp là người lao động không mặn mà thiết tha với nghề biển.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Lực (phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) cho biết, gia đình có 2 chiếc tàu nhưng phải đi lái thuê cho người ngoài. Còn hai tàu của gia đình đã không còn đi biển được nữa vì thiếu lao động đi biển.

Giải pháp nào cho nghề cá khi thiếu lao động đi biển? - 1

Anh Nguyễn Văn Lực (phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn) có 2 tàu nhưng vẫn phải đi lái thuê cho tàu khác.

Nguyên nhân còn do khi đầu tư đã vay ngân hàng và rơi vào nợ xấu, gia đình anh không có khả năng trả nợ, dẫn đến việc ngân hàng khởi kiện.

Theo anh Lực, những năm qua đi biển gặp nhiều khó khăn, nhiều chuyến ra khơi đều thua lỗ, không đủ tiền dầu mỡ. Đặc biệt, việc không tuyển được lao động khiến thời gian tàu nằm bờ nhiều hơn ra khơi. Chính điều đó là khiến cho ngư dân như gia đình anh Lực đã khó khăn lại càng lâm vào khó khăn, nợ nần nhiều hơn.

Cũng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH chế biến Hải sản Ngọc Sơn (phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn) cho biết: "Công ty hiện có 6 tàu lớn chuyên kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá".

Thời gian mỗi chuyến ra khơi từ 6 đến 10 ngày, mỗi tàu cần từ 12 đến 15 người, nhưng 2 năm gần đây, việc thuê lao động theo tàu gặp nhiều khó khăn. Để giữ lao động trong những ngày tàu nằm bờ, Công ty vẫn phải trả lương cho họ.

"Mỗi khi nằm  bờ không thể ra khơi, chúng tôi đứng ngồi không yên vì vừa lo trả nợ ngân hàng, vừa lo đời sống cho người lao động" - ông Long nói.

Giải pháp nào cho nghề cá khi thiếu lao động đi biển? - 2

Nhiều tàu cá dù không ra khơi nhưng vẫn phải trả lương cho lao động để giữ chân họ.

Cũng theo ông Long, thực trạng trên khiến nhiều ngư dân phải bỏ tàu, nợ ngân hàng chồng chất. Ông Long mong muốn Nhà nước có những chính sách, tạo cơ chế tài chính, hỗ trợ các khoản vay, lãi suất… để gỡ khó cho ngư dân trước những khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn) cho biết: "Hai năm trở lại đây, cảng Lạch Hới có lượng tàu ra vào giảm hẳn, so với trước đây thì cảng chúng tôi chỉ hoạt động bằng khoảng 35% công suất cảng. 

Nguyên nhân hàng đầu là do chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhân dân lao động truyền thống nghề biển chuyển sang làm dịch vụ, làm công nhân các khu công nghiệp, đi xuất khẩu lao động…. thu nhập ổn định hơn, lao động đỡ vất vả hơn rất nhiều so với lao động nghề cá…".

Loay hoay tìm giải pháp

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Cường, Chi Cục trưởng, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa thừa nhận, thiếu lao động tham gia các tàu đánh bắt xa bờ là tình trạng chung đang diễn ra ở khắp các địa phương ven biển tỉnh Thanh Hóa. 

Theo ông Cường có rất nhiều nguyên nhân tác động chéo gây nên tình trạng trên, mà trực tiếp tác động nhất đó là thu nhập không ổn định, trong khi đó lao động nghề cá là lao động nguy hiểm, vất vả so với các ngành nghề lao động khác.

Bên cạnh đó, những năm gần đây nguồn lợi thủy sản suy giảm, ngư trường khai thác truyền thống bị thu hẹp (do Hiệp định nghề cá Việt Nam-Trung Quốc hết hiệu lực từ ngày 30/6/2020). Do đó, hiệu quả đánh bắt thấp, dẫn đến thu nhập không ổn định nên nhiều lao động đi làm ở nơi khác và chuyển nghề. 

Giải pháp nào cho nghề cá khi thiếu lao động đi biển? - 3

Không có lao động khiến nhiều tàu phải nằm bờ.

Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, thời tiết (bão, áp thấp, thời tiết cực đoan), chi phí sản xuất trên biển tăng cao như xăng dầu, giá nhân công tăng, … dẫn đến hàng trăm tàu cá đánh bắt xa bờ không thể hoạt động được.

Một trong những giải pháp đang được tỉnh Thanh Hóa quan tâm khắc phục đó là khuyến khích các chủ tàu cá ứng dụng các trang thiết bị mới, hiện đại vào khai thác, như: Ứng dụng máy dò cá Sonar vào nghề lưới vây, nghề chụp; ứng dụng máy thu lưới trong nghề lưới rẻ, nghề câu, đồng thời đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu thả lưới, thu lưới nhằm tăng hiệu quả khai thác, giảm sức lao động, giảm số lao động trên tàu cá.

Tuy nhiên, trên thực tế kinh phí lớn khiến hầu hết ngư dân vẫn chưa thực hiện được. 

Bên cạnh đó, hướng dẫn ngư dân từng bước hiện đại hóa đội tàu khai thác, thay thế vỏ gỗ bằng vỏ thép, vật liệu mới; củng cố và phát triển các mô hình tổ đoàn kết đối với khai thác vùng biển khơi, sản xuất theo chuỗi nhằm nâng cao hiệu quả và giảm thất thoát sau thu hoạch. 

Cụ thể là phát triển mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, như: tàu khai thác hải sản tàu dịch vụ hậu cần - cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm khai thác, hiệu quả hoạt động và hỗ trợ, giúp đỡ  trong sản xuất nhất là  công tác phòng tránh thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển.

"Cùng với các chính sách mang tính chiến lược lâu dài, về trước mắt, chúng tôi đang tham mưu cho địa phương cần có các chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề để giải quyết vấn đề thu nhập, sinh kế cho ngư dân"- ông Cường cho biết thêm.  

Trong đó, Chi cục sẽ tiếp tục chú trọng để giảm áp lực đối với khai thác vùng lộng, vùng ven bờ, chuyển dịch một phần lao động khai thác vùng ven bờ, vùng lộng đã được đào tạo sang phục vụ khai thác vùng khơi để bù đắp thiếu hụt.