Nhọc nhằn mưu sinh trên bãi rác lớn nhất Đắk Nông

Dương Phong

(Dân trí) - Bất kể nắng hay mưa, hàng chục người lầm lũi, bới móc trên đống rác lớn để kiếm tìm phế liệu, mưu sinh. Để kiếm được tiền ít ỏi những “mảnh đời” này đối diện với nhiều nguy cơ bệnh tật.

Bãi rác TP. Gia Nghĩa (thôn Cây Xoài, xã Đắk Nia, tỉnh Đắk Nông), nằm cách trung tâm thành phố khoảng hơn 10 km. Bãi rác này có diện tích khoảng 3 ha và được thành phố đưa vào hoạt động từ năm 2009 đến nay.

Bươn chải...

Cũng từng ấy năm, nơi đây có nhiều người làm nghề bới rác để mưu sinh. Hầu hết, ai cũng có hoàn cảnh khó khăn.

Nhọc nhằn mưu sinh trên bãi rác lớn nhất Đắk Nông - 1

Hàng chục con người tha hương chọn bãi rác ở thôn Cây Xoài để mưu sinh

Mỗi ngày, có gần 20 người gồm cả đàn ông, đàn bà lầm lũi nhặt rác tại đây. Từ xa có thể nhìn thấy, trên những đống rác chất cao như núi, đầy ruồi nhặng và mùi hôi thối.

Dù đã đeo khẩu trang nhưng khi tiến lại bãi rác mùi hôi từ những giữa trưa nắng đống rác càng nặng mùi hơn, khó thở. Thế nhưng, bất chấp mùi hôi, những người nhặt rác lúc nào cũng cắm mặt xuống những đống rác để bới.

Bà Nhích, một người có thâm niên làm nghề 5 năm tại đây. Cuộc sống ở quê nhà Quảng Ngãi khó khăn, ít đất sản xuất và đông con, bà đã quyết định cùng một số người vào đây làm nghề bới rác.

Nhọc nhằn mưu sinh trên bãi rác lớn nhất Đắk Nông - 2

Bà Nhích, người có thâm niên 5 năm làm nghề bới rác

“Bình quân mỗi tháng, tôi kiếm được khoảng 6 triệu đồng. Nhờ ăn uống tằn tiện, tôi cũng gửi về nhà được 4 triệu đồng/tháng. Số tiền đó cũng giúp gia đình trang trải được nhiều trong cuộc sống hằng ngày”, người phụ nữ ngoài 50 tuổi cho hay.

Chị Loan - một người phụ nữ ngoài 30 tuổi - hàng ngày cũng cần mẫn lượm lặt từng mảnh phế liệu từ đống rác khổng lồ này.

Một tay cầm bao tải để đựng những gì tìm được, một tay miệt mài nhặt rác, chị này vừa tâm sự: “Chồng tôi yếu không đi làm việc nặng. Sau mùa vụ, tôi theo mọi người vào đây bới rác. Con cái thì giao cho chồng chăm sóc”.

Dù bãi rác khá rộng, nhưng mọi người đều chia nhau ra từng khu vực để nhặt nhạnh. Phụ nữ thì nhặt phía dưới, đàn ông thì lên cao nhặt.

Cách vị trí chị Loan làm việc, một nhóm đàn ông leo lên tận đỉnh những đống rác cao dùng móc sắt để bới rác xuống, bên cạnh là những bao tải đựng đầy những gì đã thu gom được.

Nhọc nhằn mưu sinh trên bãi rác lớn nhất Đắk Nông - 3

Hầu hết những người đang mưu sinh tại bãi rác này đều là quê Quảng Ngãi

Ông Đinh Văn Lạc, chia sẻ: “Hầu hết những người đang mưu sinh tại bãi rác này đều là quê Quảng Ngãi. Từ một vài người đi ban đầu, rủ nhau theo nghề này. Bản thân tôi, nhà ít rẫy con đông nên tôi theo anh em lên đây kiếm tiền gửi về nhà nuôi con”.

Trung bình, mỗi người tìm kiếm rác ở đây kiếm được khoảng trên dưới 200.000 đồng. Tuy nhiên, để kiếm được số tiền ít ỏi đó mỗi người phải chịu khó làm việc từ 8 - 10 tiếng mỗi ngày.

Phế liệu thu được từ bãi rác chủ yếu gồm chai lọ nhựa, nhôm, đồ nhựa hư hỏng bị vứt bỏ, sắt vụn, dây điện, túi ni long…Sau khi thu gom được những người này được một người thu gom mua lại ngay tại bãi rác.

Đối diện hiểm nguy, bệnh tật

Ngoài mùi hôi thối, mưu sinh trên bãi rác những con người bới rác phải đối diện với nhiều hiểm nguy khác, do rác không được phân loại, nhất là chai vỡ, mảnh kính…Luôn phải tiếp xúc với nhiều mối nguy hiểm song ai cũng chỉ có đôi bao tay cao su, đi ủng và khẩu trang vải sơ sài.

Nhọc nhằn mưu sinh trên bãi rác lớn nhất Đắk Nông - 4

Những xe vận chuyển rác hàng ngày đem lại cho họ nhiều hy vọng

Chị Loan chia sẻ, nhiều lần bị đứt tay, đứt chân vì đụng phải mảnh chai, sắt vụn hay các vật sắc nhọn. Những lúc gặp tai nạn như vậy, chỉ dùng vải quấn lại rồi tiếp tục công việc.

“Thường xuyên tiếp xúc ở môi trường như vậy nên người tôi lúc nào cũng…bốc mùi, dù tắm với gì cũng không hết. Tôi cũng dự định làm một thời gian nữa rồi đi tìm công việc khác”, chị Loan nói về tương lai của mình.

Trong khi đó, ông Đinh Văn Lạc cũng thật lòng, làm cái nghề cơ cự này thường gặp vấn đề về đường hô hấp và nhiều bệnh khác. Tuy nhiên, lâu ngày cũng thành quen, do ai cũng ...bốc mùi như nhau.

“Cánh đàn ông chúng tôi chiều nào cũng làm vài ly rượu mới ngủ được, hơn nữa do suốt ngày tiếp tục với mùi hôi nên ai cũng chỉ ăn để lấy sức, không thấy ngon lành gì”, ông lão lạc quan.