1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nhọc nhằn 20 năm "bám" nghề bị ném đá, rủa xả, rác đổ trúng đầu

Hoàng Giang

(Dân trí) - Bất kể ngày mưa hay nắng, bao tủi nhục phải chịu, những công nhân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn làm việc miệt mài giữ gìn sự trong, sạch của dòng kênh.

Năm 2012, tuyến kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hoàn thành sau gần 10 năm thực hiện dự án cải tạo. Từ dòng nước đen, ô nhiễm, con kênh trở thành hình mẫu cho các dự án cải tạo kênh rạch, chỉnh trang đô thị của TPHCM với thay đổi ngoạn mục, lột xác về cảnh quan cả mặt nước lẫn 2 bên bờ.

Xuyên suốt quãng thời gian chuyển mình của dòng kênh, những người công nhân vệ sinh môi trường đã gắn bó nhiều thập kỷ, nỗ lực thanh lọc dòng nước đen, bảo vệ hiệu quả cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Khó khăn, khắc nghiệt hay sự nhìn nhận, đánh giá của những người khác về nghề nghiệp không làm nản lòng các thế hệ công nhân Công ty Môi trường đô thị TPHCM.

Nhọc nhằn 20 năm bám nghề bị ném đá, rủa xả, rác đổ trúng đầu - 1

Một ngày làm việc của công nhân vớt rác bắt đầu từ 6h sáng đến 4h30 chiều (Ảnh: Phương Nhi)

Lý do chọn nghề

Là người lớn tuổi nhất trong những thành viên của "biệt đội giữ màu xanh cho dòng kênh", anh Nguyễn Xuân Sơn (51 tuổi, sinh sống tại Quận 4) chia sẻ về 20 năm gắn bó với nghề nhọc nhằn này. Trước khi được phân công về tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, anh Sơn đã có quãng thời gian dài làm lao động công ích, quét rác dọc các tuyến đường của TPHCM.

Nói lý do lựa chọn, gắn bó với nghề, anh chỉ cười đáp "do duyên số, nghề chọn người". Từ "duyên số" anh Sơn nhấn mạnh vì theo anh, ngoài vấn đề mưu sinh, làm công nhân vớt rác còn là cách anh chọn để thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng.

"Vớt rác là công việc vất vả. Tôi nghĩ không phải ai cũng thích làm, nhưng nghề đã chọn người, làm lâu rồi cũng thấy quen và gắn bó", anh Sơn trải lòng.

Nhọc nhằn 20 năm bám nghề bị ném đá, rủa xả, rác đổ trúng đầu - 2

Gần 20 năm, anh Sơn gắn bó với công việc giữ gìn màu xanh cho dòng kênh, cho thành phố (Ảnh: Phương Nhi)

Dưới cái nắng oi ả của mùa khô đất phương Nam, hơi nước, mùi rác, nước thải bốc lên thách thức khả năng chịu đựng của bất kỳ người nào. Anh Sơn lau dòng mồ hôi nhễ nhại, vớt lên từng khối rác trôi nổi, những đám lục bình lớn bỏ vào thùng chứa phía sau thuyền. Những nếp nhăn trên khuôn mặt người công nhân giãn dần ra trên mỗi lượt qua lại, gom rác.

"Hôm nay là ngày may mắn, tôi không phải gặp những trận mưa đá xua đuổi từ những người câu cá, hay hứng đồ đạc, chất thải từ người dân xả xuống từ trên cầu", anh Sơn tâm sự.

Ngoài nhiệm vụ chính là vớt rác cho dòng kênh, đôi khi, đội vệ sinh môi trường phải kiêm thêm công việc bất đắc dĩ, chẳng ai mong muốn là vớt... xác người. Các công nhân kể rằng, mỗi năm vài lần lại bị gọi ra vớt thi thể người không may bỏ mạng trên dòng kênh. Dù rất ám ảnh, nhưng đó vẫn là một phần trong số các nhiệm vụ, không thể chối bỏ.

"Con à, ba là công nhân vệ sinh môi trường!"

Một ngày làm việc của anh Sơn kéo dài gần 10 giờ. Công việc vất vả nhưng thu nhập hàng tháng chỉ rơi vào mức 4-5 triệu đồng. Đối với một gia đình 4 người, mức thu nhập ấy tại TPHCM, cuộc sống thực sự chật vật. 

Trong đôi mắt nhìn xa xăm của người đàn ông này chứa đựng nỗi trăn trở chữ "nghề". "Ba làm công nhân vệ sinh môi trường" - anh kể về cảm giác gượng gạo khi trả lời câu hỏi của con về công việc của mình. Để nói ra những lời đó, lúc ấy anh thấy nghẹn lại, ký ức xót xa, tủi phận về những năm tháng làm nghề khơi lại. 

"Bản thân làm việc cực khổ, người làm cha như tôi không muốn các con nhìn thấy cảnh mồ hôi nhễ nhại, cơ thể bốc mùi của mình", anh Sơn trăn trở.

Giờ các con đều đã lớn, khá trưởng thành, đã hiểu được phần nào công việc của cha mình, nhưng vì thương con, tự ti, anh Sơn rất hiếm lần chia sẻ với các con về công việc ấy. 

Nhọc nhằn 20 năm bám nghề bị ném đá, rủa xả, rác đổ trúng đầu - 3

Những tâm tư hằn rõ trên khuôn mặt anh Sơn (Ảnh: Phương Nhi)

Mặt trời đã đứng bóng, anh Sơn quay trở lại bến thuyền, kết thúc buổi sáng làm việc với thành quả là chiếc thuyền chất đầy rác. Thấm mệt, anh rửa tay và mang túi "hành trang" vỏn vẹn một bình nước và hộp cơm chuẩn bị sẵn từ nhà, tìm một chỗ có bóng mát ngồi ăn trưa.

Tranh thủ ăn xong bữa cơm, anh ngả lưng trên chiếc võng quen thuộc. "Giờ nghỉ trưa, anh em chúng tôi mắc võng ở những cây cau gần bãi tập kết, thỉnh thoảng có chuyện thì kể nhau nghe", anh Sơn chia sẻ.

Nhọc nhằn 20 năm bám nghề bị ném đá, rủa xả, rác đổ trúng đầu - 4

Anh Sơn tranh thủ nghỉ trưa, chuẩn bị cho ca làm việc buổi chiều (Ảnh: Phương Nhi)

Gắn bó từ những ngày đầu con kênh bốc mùi hôi thối, nước đen kịt, sau nhiều năm chứng kiến sự thay đổi dần dần, cho đến khi khoác lên diện mạo mới, với người làm nghề như anh Sơn, đó chính là động lực để cố gắng bám trụ. Chứng kiến thành quả từ công sức nhỏ bé của mình, theo anh, là hạnh phúc của những công nhân trong đội. 

"Phải "thấm", phải yêu nghề mới có thể theo đuổi công việc như này suốt 20 năm nay. Nhìn thấy dòng kênh sạch chúng tôi thích lắm, mong sao người dân tự giác, có ý thức hơn chứ chúng tôi nhắc nhở mãi cũng nản lắm", anh Sơn bộc bạch.

Cử nhân trẻ trên dòng kênh đã hồi sinh 

Trương Huỳnh Quốc Huy là một trong những người trẻ tuổi hiếm hoi chọn cái nghề cả ngày tiếp xúc với rác thải này. Vào nghề năm 2015, Huy khi ấy mới 19 tuổi, theo cha là ông Trương Văn Hổ đi vớt rác. Chàng trai ấy mang theo nhiều nhiệt huyết, sức trẻ, mong muốn cống hiến cho công việc. 

Đến nay đã gần 7 năm gắn bó với nghề vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Huy thừa nhận chuyện "duyên nghiệp", nghề chọn người. "Sau khi học xong cấp 3, tôi quyết định vừa học vừa làm, vào đây phụ giúp ba", anh Huy nói.

Nhọc nhằn 20 năm bám nghề bị ném đá, rủa xả, rác đổ trúng đầu - 5

Anh Trương Huỳnh Quốc Huy lái thuyền chở rác về bến dưới cái nắng thiêu đốt giữa cao điểm mùa khô (Ảnh: Phương Nhi).

Sau khi tốt nghiệp Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, Huy dùng kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được trong những năm tháng làm việc sớm, tiếp tục cống hiến sức trẻ cho nghề, ở một cương vị khác. 

7 năm vừa học vừa làm, hiểu được nỗi vất vả, tủi khổ của công nhân vớt rác, anh Huy ý thức được về những hành động, thói quen hủy hoại môi trường sống của con người. Một thanh niên của thế hệ trẻ 9X, với lòng nhiệt huyết và sức trẻ, khát khao cống hiến, để giữ màu xanh cho dòng sông, cho thành phố. Những kế hoạch và tương lai được ấp ủ trong tâm trí chàng trai trẻ ấy, chờ ngày thành hiện thực.