Nhiều trường tư có thể đóng cửa, hàng nghìn giáo viên mất việc vì Covid-19

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 41.000 giáo viên, nhân viên bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương hoặc bị chấm dứt hợp đồng và các cơ sở giáo dục ngoài công lập đối mặt nguy cơ phải đóng cửa trường.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 41.000 giáo viên, nhân viên bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương hoặc bị chấm dứt hợp đồng và các cơ sở giáo dục ngoài công lập đối mặt nguy cơ phải đóng cửa trường. 

Sở GD-ĐT TPHCM vừa báo cáo UBND TPHCM về đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19, trong đó đề cập đến nhiều khó khăn trong ngành giáo dục do tác động của Covid-19, đặc biệt là đời sống của các giáo viên. 

Hàng chục ngàn giáo viên, nhân viên nghề giáo bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Trong thời gian nghỉ học phòng dịch, có tới 80% giáo viên ở TPHCM bị ảnh hưởng việc làm, đặc biệt đối với đội ngũ làm việc tại các cơ sở mầm non ngoài công lập.

Nhiều trường tư có thể đóng cửa, hàng nghìn giáo viên mất việc vì Covid-19 - 1

Các cô giáo tại một trường mầm non ngoài công lập tại quận 12 (TPHCM) không có việc làm trong dịch Covid-19 phải bán cam. Ảnh: Thanh Chân

Trên địa bàn, có 39.000 giáo viên thuộc diện bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương. Trong đó, 29.700 giáo viên mầm non ở các trường, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục; 1.500 người ở trường mầm non công; còn lại là giáo viên, nhân viên cấp tiểu học, trung học.

Hơn 2.000 giáo viên khác bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hơn 400 người có giao kết hợp đồng nhưng mất việc tại các cơ sở giáo dục khác.

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục ngoài công lập. Nguồn thu của các cơ sở giáo dục bị sụt giảm hoặc không có nguồn thu. Trong khi các đơn vị vẫn phát sinh chi phí để duy trì hoạt động, cụ thể như chi phí thuê mặt bằng, trả lương cán bộ, giáo viên, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…

Đối với một số đơn vị mới thành lập, do phải vay vốn ngân hàng để hoạt động nên hàng tháng nhà trường vẫn phải chi trả tiền lãi suất; trả lương ngừng việc cho giáo viên…

Từ những khó khăn trên, Sở GD-ĐT đề xuất UBND TPHCM hỗ trợ những giáo viên, nhân viên hợp đồng tại các trường mầm non công lập; cấp ngân sách trả lương khoán cho những người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công.

Nhiều trường ngoài công lập đối mặt nguy cơ đóng cửa 

Không chỉ các giáo viên, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM cũng "lao đao" vì Covid-19.

Thống kê cho thấy, thành phố có tới 879 cơ sở giáo dục mầm non với hơn 23.464 cán bộ quản lý, giáo viên, và nhân viên bị ảnh hưởng về các khoản lương, bảo hiểm theo quy định. Vì vậy, nguy cơ đóng cửa trường là rất cao nếu tình hình dịch kéo dài.

Các cơ sở giáo dục công lập cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, do không có nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và không được bố trí dự toán từ nguồn ngân sách để chi trả lương khoán nên người làm việc theo chế độ hợp đồng các cơ sở này cũng không được trả lương.

Cụ thể, nghỉ học kéo dài nhiều tháng liền khiến nguồn thu các cơ sở giáo dục mầm non, trường phổ thông tư thục, các trung tâm ngoại ngữ - tin học, bồi dưỡng văn hóa, kỹ năng sống bị sụt giảm hoặc bằng không.

Ngược lại, cơ sở này vẫn tốn chi phí duy trì hoạt động gồm: chi phí mặt bằng, lương giáo viên cơ hữu, nộp các loại bảo hiểm cho giáo viên, sửa chữa máy móc, thiết bị... Nếu Covid-19 tiếp tục kéo dài, nhiều trường có nguy cơ đóng cửa do không còn kinh phí hoạt động.  

Từ đó, Sở GD-ĐT kiến nghị cần có chính sách miễn, giảm các loại phí, giãn thời gian nộp thuế, hỗ trợ vay không lãi suất đối với cơ sở ngoài công lập có nhu cầu duy trì hoạt động.

Theo Tâm An/Báo Lao động