Nhiều trường cao đẳng đặt chất lượng lên trên số lượng
(Dân trí) - Một số ngành nghề có lượng hồ sơ tăng vọt, nhiều trường cao đẳng dừng tuyển sinh để đảm bảo chất lượng đào tạo và công việc sau khi tốt nghiệp cho sinh viên.
Quá tải hồ sơ
Trao đổi với phóng viên Dân Trí, ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết: “Một vài năm trở lại đây, những ngành như công nghệ ô tô, điện lạnh, cắt gọt kim loại luôn thừa hồ sơ đăng ký học so với chỉ tiêu đề ra”.
Theo ông Ngọc, mỗi năm riêng ngành công nghệ ô tô trường trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội có khoảng 300 đến 400 sinh viên theo học. Ngành điện lạnh và cắt gọt kim loại nhà trường đào tạo trung bình gần 200 sinh viên và luôn trong tình trạng vượt chỉ tiêu.
Cũng theo ông Ngọc, do sự phát triển của xã hội, nhu cầu sử dụng phương tiện ô tô hay đồ dùng điện lạnh của người dân tăng cao. Cùng với đó, nhiều nhà máy mọc lên, nhu cầu lao động có trình độ và tay nghề tăng khiến việc sinh viên lựa chọn các ngành này trở nên đông đảo.
Cùng chung tình trạng trên, ngành công nghệ ô tô và kỹ thuật máy lạnh của trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng cũng đứng đầu trong danh sách tuyển sinh.
Ông Hồ Viết Hà – Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết: “Năm nay, riêng ngành công nghệ ô tô chúng tôi đã nhận được gần 1000 hồ sơ đăng ký học. 3 năm trở lại đây, ngành công nghệ ô tô và kỹ thuật máy lạnh trở nên đông sinh viên vì nhu cầu của xã hội, gần như 100% sinh viên ra trường có việc làm ngay”.
Bên cạnh đó, ông Hà cho rằng đây là 2 ngành mà sinh viên sau khi ra trường rất rễ khởi nghiệp và tạo cho mình một cơ ngơi riêng như gara ô tô hay cửa hàng sửa chữa điện lạnh.
Tại trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc TP Hà Nội, đứng đầu số lượng sinh viên theo học là ngành cắt gọt kim loại sau đó là công nghệ ô tô.
Ông Nguyễn Công Truyền – Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc TP Hà Nội cho biết: “Do trường nằm tại khu vực có nhiều nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp lớn như KCN Bắc Thăng Long, KCN Quang Minh và các tỉnh lân cận có nền công nghiệp phát triển như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc nên nhu cầu tuyển dụng đông, việc nhiều sinh viên theo học các ngành này không có gì là lạ”.
Lo lắng chất lượng đào tạo
Trước tình trạng quá tải sinh viên theo học các ngành như công nghệ ô tô, điện lạnh, cắt gọt kim loại, nhiều trường lo lắng cho chất lượng đào tạo và đầu ra cho sinh viên.
Ông Hồ Viết Hà Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng chia sẻ: “Hiện nay lượng hồ sơ của ngành công nghệ ô tô cao gấp 3 lần chỉ tiêu đề ra, chúng tôi đang tích cực tư vấn sinh viên nộp hồ sơ theo học những ngành nhiều cơ hội việc làm khác như cơ khí, lắp đặt, thiết kế điện nước,…”
Theo ông Hà, sinh viên theo học quá nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của trường vì cơ sở vật chất không đủ để đáp ứng nhu cầu thực hành của sinh viên.
“Những ngành đang thu hút nhiều sinh viên theo học là do nhu cầu thật của xã hội và cơ hội việc làm sau khi ra trường nhưng việc đào tạo ồ ạt, không những ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo mà còn dẫn đến tình trạng thừa nhân lực sau này”.
Cũng theo ông Hà, để đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như nhu cầu lao động của xã hội sát với lượng sinh viên ra trường cần nghiên cứu kỹ, dự đoán trước tình hình phát triển của xã hội trong tương lai.
Ông Đồng văn Ngọc - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội chia sẻ: “Trường đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và nhu cầu của xã hội. Khi tuyển sinh đủ các ngành này chúng tôi đành phải dừng nhận hồ sơ, hướng sinh viên sinh viên lựa chọn những ngành nghề khác để đảm bảo chất lượng đào tạo”.
Theo ông Ngọc, vì lý do đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu và cam kết việc làm sau khi ra trường cho sinh viên nên việc thừa sinh viên theo học các ngành như công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại, điện lạnh kiến nhà trường rất đau đầu.
“Ngoài ra, việc quá nhiều sinh viên theo học một ngành sẽ xảy ra tình trạng đào tạo không cân bằng, về lâu dài sẽ thiếu việc làm cho sinh viên khi ra trường. chúng tôi hướng tới sự phát triển lâu dài trường chỉ đào tạo đủ sinh viên đặt chất lượng lên trên số lượng” – ông Ngọc cho biết thêm.
Phạm Công