1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nhiều sinh viên ra trường chỉ có thể chạy xe ôm

Đó là lo ngại của TS Đinh Công Khải, trường ĐH Kinh tế TP.HCM tại hội thảo Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp diễn ra ngày 10-1 tại TP.HCM.

TS Khải cho biết hiện có khoảng 60% SV ra trường làm trái ngành, thậm chí nhiều SV còn làm lắp ráp linh kiện điện tử, công nhân may ở các khu công nghiệp. "Phổ biến nhất hiện nay là SV chạy xe ôm công nghệ, công việc không đòi hỏi phải có trình độ ĐH", TS Khả nói.

Lý giải tình trạng này, theo TS Khải có rất nhiều nguyên nhân. "Đó chính là sự  thụ động trong tìm kiếm việc làm, thiếu linh hoạt, nhạy bén khi đi tìm việc, thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp. Ngoài ra các kỹ năng như quản lý thời gian, lập kế hoạch... cũng thiếu nốt", TS Khả nhận định.

Nhiều sinh viên ra trường chỉ có thể chạy xe ôm - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết năm 2018, tại TP.HCM có 58 trường ĐH, 50 trường Cao đẳng, 68 trường Trung cấp, 65 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 278 doanh nghiệp có đào tạo nghề và 59 cơ sở khác có dạy nghề. Năm 2014 - 2017, so sánh với giai đoạn trước năm 2010 thì số lượng nhân lực được đào tạo ĐH tăng trên 2 lần (70.000 người), trong khi nhu cầu nhân lực có trình độ ĐH chỉ khoảng 40.000 chỗ làm việc/năm.

Theo khảo sát của Trung tâm, trong 200.000 SV từ năm 2010 - 2016 có khoảng 80% sau khi tốt nghiệp là tìm được việc làm. 20% còn lại tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc, phải làm trái ngành hoặc làm những công việc thấp hơn trình độ đào tạo. Trong tổng số SV tìm được việc làm cũng chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt. Nửa còn lại vẫn phải làm việc trái ngành nghề, thu nhập thấp, việc làm chưa thật sự ổn định và có thể phải chuyển việc khác. 

Theo ông Tuấn, thị trường giáo dục hiện nay rất "rối". Số ngành đào tạo của các trường quá nhiều, chồng chéo nhau khiến công tác hướng nghiệp cho SV rất khó. TS Khải đề xuất nhà trường cần xem việc liên kết với doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đào tạo. Các trường cũng phải đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng khâu hướng nghiệp hơn để học sinh lựa chọn ngành học phù hợp năng lực.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, cho biết giải quyết việc làm cho người lao động đã trở thành một chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Bình quân mỗi năm TP.HCM giải quyết trên 300.000 việc làm, tạo thêm 135.000 việc làm mới và giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,8%.

Tuy nhiên, cũng theo ông Phong, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là SV sau tốt nghiệp vẫn còn nhiều thách thức. Một trong những hạn chế chủ yếu là do chưa có thị trường lao động hoàn chỉnh. Sự biến đổi, vận hành không ngừng của nền kinh tế thị trường dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi. Cạnh đó vẫn còn khoảng cách khá xa giữa kỹ năng được đào tạo và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp…

"TP cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm hoàn chỉnh thị trường lao động, hỗ trợ các điều kiện để tăng cường kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp. Từ đó giảm đến mức thấp nhất khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu của doanh nghiệp", ông Phong nhấn mạnh.

Theo Phạm Anh/PLO.VN