Bình Dương:

Nhiều rủi ro khi cho người khác mượn hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội

(Dân trí) - Không chỉ người mượn hồ sơ, người cho mượn hồ sơ để xin việc cũng gặp nhiều hệ luỵ về lâu dài. Bởi doanh nghiệp sẽ căn cứ vào tên trong hồ sơ để làm các chế độ BHXH, BH thất nghiệp hay lương hưu.

Nhiều rủi ro khi cho người khác mượn hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội

Ngày 11/6, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương tiếp tục mời người lao động "mượn danh" người khác tham gia bảo hiểm xã hội lên để chỉnh sửa hồ sơ. Mọi công tác rà soát hồ sơ được kiểm tra khá chặt chẽ để không xảy ra sai sót.

Đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, để có thể chỉnh sửa hồ sơ, đơn vị này bắt buộc người mượn hồ sơ và người cho mượn đều phải có mặt.

Ngoài ra, cả hai người phải nộp đủ 6 loại giấy tờ sau: Đăng ký mẫu chỉnh sửa, sơ yếu lý lịch, xác nhận của đơn vị sử dụng lao động, cam kết tờ khai đúng pháp luật của người mượn và người cho mượn. 

Đến cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương từ sáng sớm 11/6, bạn Nguyễn Thị Diễm (ngụ tại tỉnh Đồng Tháp) mong muốn sớm được chỉnh sửa hồ sơ để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Nhiều rủi ro khi cho người khác mượn hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội - 1
Thứ 3, thứ 5 hàng tuần, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương sẽ tiến hành chỉnh sửa hồ sơ cho người lao động.

Khoảng 10 năm trước, hai chị em từ Đồng Tháp lên Bình Dương mưu sinh. Chị Nguyễn Thị Diễm lúc đó 19 tuổi nên có đầy đủ hồ sơ để xin vào công ty làm việc với mức lương khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Em gái chị Diễm khi đó mới 17 tuổi, không có hồ sơ nên phải đi xin làm các công việc tại quán ăn, quán cà phê với mức lương khá thấp.

"Thấy em đi làm ở ngoài khổ quá và bất tiện, mình đã cho em mượn hồ sơ để xin vào công ty làm. Hai chị em cố gắng làm công ty để gửi tiền về cho mẹ. Hai chị em cũng có khuôn mặt giống nhau", chị Diễm chia sẻ.

Năm 2019, chị Diễm về quê sinh con và muốn ra làm ăn riêng nên xin nghỉ làm và xin hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Khi lên bảo hiểm xã hội nộp hồ sơ, chị được thông báo bị trùng giấy tờ nên không thể nhận bảo hiểm. Gần một năm trời nay chị mới có thể hoàn thiện chỉnh sửa hồ sơ của mình và em gái.

Nhiều rủi ro khi cho người khác mượn hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội - 2
Hai chị em chị Diễm vất vả khi chỉnh sửa lại hồ sơ để nhận chế độ bảo hiểm.

Chị Nguyễn Thị Bích (em gái chị Diễm) cho biết cũng rất hối hận khi làm ảnh hưởng đến chị mình. Trong thời gian mượn hồ sơ của chị để đi làm, Bích cũng thấp thỏm lo sợ bị phát hiện, bị đuổi việc. 

"Giờ em mong chị gái sớm nhận được tiền để có chút vốn làm ăn ở quê. Hiện giờ khi đi làm ở công ty mới em cũng đã nộp hồ sơ thật của mình", Bích chia sẻ. 

Cũng giống như chị Diễm, anh Đỗ Thành Chung (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng khá vất vả để thay đổi hồ sơ cho chính mình. Khoảng 2 năm trước, anh Chung dù đang có công việc ở TPHCM nhưng vẫn xuống Bình Dương để xin làm tại công ty bất động sản. 

Nhiều rủi ro khi cho người khác mượn hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội - 3

Người mượn và người cho mượn hồ sơ đều phải cam kết đồng thuận chỉnh sửa để không xảy ra tranh chấp sau này.

Công nhân gian nan đi chỉnh sửa hồ sơ trùng bảo hiểm xã hội.

"Mình làm cho công ty khoảng 2 tháng thôi, giờ công ty cũng giải thể rồi. Công ty lúc đó đóng bảo hiểm cũng không thông báo cho mình nên mình không biết. Giờ mình xin xóa trùng mà cũng phức tạp quá.", anh Chung bộc bạch.

Công ty cũ đã giải thể, anh Chung không thể xin được xác nhận đã từng làm ở đó.

Do vậy, việc xin xóa trùng tên trong sổ bảo hiểm xã hội của anh Chung cũng gian nan hơn. Hồ sơ của anh Chung sẽ được giải quyết riêng nhằm đảm bảo đúng quy định của pháp luật. 

Nhiều rủi ro khi cho người khác mượn hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội - 4

Anh Chung không nghĩ việc trùng hồ sơ bảo hiểm lại gây nhiều phiền phức cho bản thân như vậy. 

Theo bà Lê Minh Lý - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương, trong số 213 hồ sơ trùng đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, nay đã chỉnh sửa xong 66 hồ sơ. 50 hồ sơ cũng đã cơ bản hoàn thiện việc chỉnh sửa.

Thứ 3, thứ 5 hàng tuần, cán bộ ngành bảo hiểm sẽ trực để chỉnh sửa hồ sơ cho người lao động.

Cũng theo bà Lý, người mượn và người cho mượn hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm đều vi phạm pháp luật. Cả hai sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều khi xét duyệt hưởng các quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

"Giả sử mình tên A nhưng mượn tên B để làm bảo hiểm. Khi A đi sinh đẻ thì phải dùng tên thật chứ không thể dùng tên B. Do vậy, khi giải quyết bảo hiểm thai sản sẽ không được. Giả sử trường hợp một người mất, một người còn sống thì cũng rất phức tạp khi giải quyết chế độ hưu trí...", bà Lý cho hay.

Theo ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, hiện Sở và Bảo hiểm xã hội đang gấp rút chỉnh sửa lại hồ sơ cho người lao động. Thời gian dự kiến chỉnh sửa xong 213 hồ sơ từ nay đến 31/12/2020. 

Xuân Hinh