TPHCM:
Nhiều nghề “hot” đang dư nguồn cung
(Dân trí) - Những ngành kỹ thuật, quản trị, kinh tế… vốn thu hút lao động mấy năm nay ở TPHCM đang có dấu hiệu cung vượt cầu.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM đã tiến hành khảo sát thông tin nhu cầu tuyển dụng của 10.069 doanh nghiệp dự kiến thu hút lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh năm 2011. Từ khảo sát trên, trung tâm dự báo trong 6 tháng cuối năm 2011, các doanh nghiệp trên địa bàn TP cần tuyển thêm 135.000 lao động.
Trong số 135.000 chỗ làm trên, nhu cầu tuyển dụng lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp TP là 28.000 lao động. Về cơ cấu trình độ chuyên môn nghề bao gồm: lao động phổ thông trên 40%, trình độ đại học - cao đẳng khoảng 25%, lao động có trình độ từ sơ cấp nghề đến trung cấp là 35%.
Tuy nhiên, trung tâm nhận định: “Một số ngành nghề nguồn cung nhân lực tiếp tục tăng nhanh so với nguồn cầu nhân lực trong năm 2011 như quản lý điều hành, tài chính - kế toán - ngân hàng, hành chánh văn phòng, kho bãi - vật tư - xuất nhập khẩu, tin học, quản trị kinh doanh và một số ngành kỹ thuật như điện, điện tử, cơ khí, hóa chất...”.
Do nguồn cung tăng nhanh hơn cầu nên những ngành nghề trên tiếp tục mất cân đối trong năm 2011. Ngoài ra, những tháng cuối năm nguồn cung của TP sẽ tăng mạnh do sinh viên học sinh tốt nghiệp ra trường nên càng mất cân đối hơn.
Tại các khu chế xuất – khu công nghiệp của TP, nhu cầu tuyển dụng tập trung các ngành như: điện tử trên 38%; cơ khí 15%; thực phẩm, dịch vụ từ 12-15%; dệt may và các ngành nghề khác chỉ chiếm 8-11%.
Riêng quý III/2011, trung tâm dự kiến nhu cầu nhân lực là 60.000 chỗ làm việc. Thị trường lao động công việc thời vụ trong quý III/2011 có thể sẽ không còn sôi động như các năm trước. Nguồn nhân lực thời vụ chủ yếu sẽ được thu hút mạnh vào cuối năm và thời gian Tết 2012.
Những ngành nghề thâm dụng lao động như da giày, dệt may và nhu cầu lao động phổ thông trong quý III/2011 sẽ giảm so thời gian trước; tỷ lệ chiếm khoảng 40% nhu cầu tuyển dụng; 60% còn lại là nhu cầu công nhân kỹ thuật, trung cấp, cao đẳng, đại học và trên đại học.
Tùng Nguyên