Nhiều "chiêu trò" lừa đảo xin việc làm
Vì muốn có công ăn việc làm ổn định, nhiều người lao động (NLĐ) đã mắc bẫy những kẻ lừa đảo môi giới xin việc làm. Mới đây, cơ quan CSĐT - CAQ Đống Đa (Hà Nội) phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PCTPSDCNC) CATP Hà Nội đã làm rõ hoạt động lừa đảo dưới hình thức xin việc vào một Tổng công ty viễn thông của một nhóm đối tượng ở tỉnh Hà Nam.
“Chiêu” lừa của cựu nhân viên chăm sóc khách hàng
Trịnh Hải Anh (SN 1985, ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) và người đồng hương Phạm Văn Khương (SN 1986) là các đối tượng đang bị cơ quan CSĐT - CAQ Đống Đa và Phòng Cảnh sát PCTPSDCNC - CATP Hà Nội điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới hình thức xin việc làm vào Tổng Công ty viễn thông V. (Tổng công ty V.).
Theo tài liệu của CAQ Đống Đa cung cấp, cơ quan này đã liên tiếp nhận được đơn tố cáo hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của Trịnh Hải Anh cùng đồng bọn của những NLĐ có nhu cầu được vào làm việc tại Tổng công ty V. Khi được triệu tập tới cơ quan điều tra, Trịnh Hải Anh khai từ tháng 1 đến tháng 11-2009, người phụ nữ này làm việc tại bộ phận điện thoại viên, trực thuộc Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng công ty V. Hải Anh làm việc tại đây nhưng không ký hợp đồng lao động với Tổng công ty V., mà ký hợp đồng lao động có thời hạn với một công ty cổ phần truyền thông là đơn vị cung cấp nhân sự cho Tổng công ty V.
Trong thời gian làm nhân viên chăm sóc khách hàng, Hải Anh hiểu rõ về bộ máy tổ chức, quy chế hoạt động của Tổng công ty V. Dù đã nghỉ việc tại đây, nhưng khi nói chuyện với nhiều người khác, Hải Anh vẫn tự nhận mình đang làm nhân viên cho Tổng công ty V. và có khả năng xin được chỉ tiêu tuyển dụng vào làm việc tại đây.
Trong quá trình điều tra, CAQ Đống Đa nắm được thủ đoạn lừa đảo của Hải Anh cùng đồng bọn khá tinh vi. Tháng 4-2016, thông qua mạng xã hội (Zalo), Hải Anh chủ động nhắn tin nói chuyện với anh Chu Huy N. (SN 1990, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội), là người quen và cho biết Tổng công ty V. đang có chỉ tiêu tuyển dụng lao động, nếu anh N. có nhu cầu thì a lô cho Hải Anh một tiếng là… ok.
Vài ngày sau, anh N. điện thoại cho Hải Anh hỏi có xin được việc làm cho người quen vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y không? Hải Anh trả lời ngay là Phòng Y tế của Tổng công ty V. đang cần nhân sự và chi phí xin việc khoảng 70 triệu đồng.
Theo thỏa thuận, anh N. giao cho Hải Anh 30 triệu đồng và nhận được 1 giấy tiếp nhận thử việc có dấu đỏ của Tổng công ty V. Sau đó, anh N. tiếp tục giao tổng cộng 2 lần, mỗi lần 20 triệu đồng cho Hải Anh. Chờ mãi không thấy người quen được Tổng công ty V. gọi đi thử việc, anh N. giục thì Hải Anh đưa ra nhiều lý do để khất hẹn…
Ngoài trường hợp trên, còn một số NLĐ khác cũng bị Hải Anh lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng thủ đoạn tương tự. Hải Anh khai nhận bản thân không có điều kiện, khả năng gì để xin việc cho mọi người vào làm tại Tổng công ty V. và khai ra đồng phạm là Phạm Văn Khương, bạn cùng học và ở cùng quê với nhau.
Khương có kiến thức về tin học, đã sử dụng phần mềm photoshop để bóc tách hình con dấu của Tổng công ty V., hình chữ ký của Tổng Giám đốc, tạo ra các văn bản, tài liệu như quyết định, thông báo tuyển dụng theo nội dung Hải Anh tự soạn thảo, nhằm mục đích lừa đảo dưới hình thức xin việc làm.
Đừng tin những lời hứa “ảo”
Đại tá Võ Hồng Phương, Trưởng CAQ Đống Đa cho biết: “Ngày 18-8-2016, sau khi biết cơ quan điều tra vào cuộc để làm rõ những kẻ lừa đảo xin việc làm vào Tổng công ty V., Hải Anh và Khương đã tới cơ quan công an đầu thú, khai rõ hành vi phạm tội. Hiện CAQ Đống Đa đang khẩn trương hoàn tất hồ sơ vụ việc để xử lý”. Những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức xin việc làm có thủ đoạn không mới, nhưng vẫn nhiều người mắc bẫy kẻ lừa đảo.
Theo Đại tá Võ Hồng Phương, tội phạm lợi dụng tâm lý NLĐ có nhu cầu việc làm ổn định, mức thu nhập đủ sống, nên muốn xin việc làm tại những công ty có thương hiệu và họ chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn cho người môi giới xin việc. Bên cạnh đó, tội phạm cũng thường nhằm vào những người quen, thân để dụ dỗ, mời chào và khi đã chiếm được lòng tin của họ, kẻ phạm tội đã thực hiện ý đồ xấu một cách không đắn đo và thực hiện đến cùng.
Trao đổi với các “chuyên gia” trong lĩnh vực PCTPSDCNC của CATP Hà Nội, phóng viên ANTĐ được biết ngoài hình thức lợi dụng lòng tin để lừa đảo xin việc làm, tội phạm còn đăng lên mạng internet hàng loạt lời giới thiệu hấp dẫn để dụ dỗ, lừa đảo NLĐ. Trên nhiều trang web rao vặt, giới thiệu việc làm thường xuyên xuất hiện những dòng quảng cáo việc làm nhẹ nhàng, nhưng mức lương ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/ tháng.
Khi NLĐ có nhu cầu sẽ liên hệ với người môi giới qua điện thoại, rồi được mời đến nơi giao dịch là các quán cà phê, thậm chí là quán nước vỉa hè… để thỏa thuận. Vì muốn sớm có việc làm, nhiều người đã đóng chi phí làm hồ sơ xin việc có giá từ 5 - 7 trăm nghìn đồng cho người môi giới rồi nhận được lời hứa hẹn qua mạng, nhưng cuối cùng cũng chẳng thấy việc làm ở đâu.
Không thể tin tưởng vào những lời hứa “ảo”, theo lực lượng công an khuyến cáo thì NLĐ nên tìm đến những Trung tâm giới thiệu việc làm có uy tín, trực thuộc các cấp có thẩm quyền như quận, huyện, Sở lao động thương binh và xã hội… quản lý, để được tư vấn kỹ các loại hình công việc tùy theo trí tuệ, sức lao động. Nhưng, quan trọng nhất vẫn là tránh rơi vào những cái bẫy của tội phạm lừa đảo xin việc làm, giăng mắc ở khắp mọi nơi trong xã hội.
Theo An ninh Thủ đô