Nhiều bất cập trong sự gắn kết doanh nghiệp với trường nghề
Khó khăn về cơ chế, chính sách, sự thiếu tương đồng giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp tạo ra không ít rào cản giữa hai bên.
Trước thực trạng sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng tốt nhu cầu thực tế của thị trường lao động, vài năm trở lại đây, nhiều trường nghề đã chủ động tăng cường mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp trong đổi mới chương trình đào tạo. Sự gắn kết này bước đầu đã phát huy hiệu quả nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu như các bên mong muốn.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc gắn kết với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, từ 5 năm nay, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM đã chủ động tìm đến hơn 70 doanh nghiệp để cùng nhau cập nhật, đổi mới chương trình giảng dạy cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Kết quả thu về là ngày càng nhiều sinh viên của trường tìm được việc làm ngay khi chưa kết thúc học phần hoặc đang trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp. Tay nghề, kỹ năng và thái độ làm việc của sinh viên cũng cải thiện rõ rệt.
Mỗi năm, giảng viên của trường có tới 160 giờ làm việc tại doanh nghiệp nên kinh nghiệm thực tiễn đã được các thầy cô lồng ghép vào từng tiết dạy giúp sinh viên nắm kiến thức rõ hơn và thực hành chuẩn hơn.
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Huỳnh Thanh Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật TPHCM, để sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình đào tạo ngày càng chặt chẽ thì cần có thêm những chính sách, cơ chế hỗ trợ thiết thực hơn.
Hiện nay, Luật Giáo dục nghề nghiệp có đề cập các khoản hỗ trợ cho doanh nghiệp khi tham gia đào tạo cùng trường nghề như trừ thuế hay khấu hao vật tư nhưng mọi thứ chỉ ở mức chung chung chứ chưa có gì cụ thể. Điều này vô tình làm khó các trường.
Bà Huỳnh Thanh Ngân nói: “Luật thì có ghi nhưng để đi vào thực tiễn cuộc sống thì chưa, chỉ nói chung chung thôi. Cho nên trong quá trình gắn kết phía doanh nghiệp đặt vấn đề lại với nhà trường rằng họ được gì khi luật ghi như vậy thì rõ ràng chúng tôi không thể trả lời được chuyện đó.”
Sau nhiều năm chủ động tiếp cận và gắn kết, đến nay, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ 2 đã có mối quan hệ mật thiết hơn gần 100 doanh nghiệp. Trong đó có hơn 50 doanh nghiệp tham gia trực tiếp trong quá trình đào tạo với nhà trường theo nhiều hình thức khác nhau.
Mỗi năm, hàng ngàn sinh viên của trường được hưởng lợi từ mối gắn kết này như tăng thời lượng thực hành, thực tập, tăng cơ hội cọ sát thực tế để thích nghi với môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp.
Nhưng theo Tiến sĩ Trần Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường, vẫn cần thêm thời gian để khắc phục những tồn tại hiện có trong mối quan hệ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Các trường phải nâng chuẩn đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên, linh hoạt hơn trong việc thay đổi thời gian đào tạo, khung chương trình sao cho phù hợp với điều kiện thực tế cũng như yêu cầu từ phía doanh nghiệp.
Ngoài ra, các trường cũng cần chủ động kết nối, mở rộng mối quan hệ với các doanh nghiệp thay vì duy trì kiểu làm việc bao cấp kéo dài suốt thời gian qua. Để sinh viên hưởng lợi, để quá trình đào tạo đạt hiệu quả cao, các trường phải năng động hơn chứ không thể cứ… ngồi chờ doanh nghiệp.
Tiến sĩ Trần Thị Hằng phân tích: “Khi hợp tác đào tạo với doanh nghiệp thì đòi hỏi các trường phải linh hoạt trên cơ chế 2 bên cùng có lợi chứ nếu cứ nói chương trình đào tạo của trường tôi thế này, tiến độ đào tạo thế kia rồi tự động làm thì không thể được. Tôi nghĩ phải đảm bảo quyền lợi 2 bên và phía doanh nghiệp cũng phải được sản phẩm lao động có kỹ năng tốt và tốn chi phí ít thì họ mới đồng thuận để cùng các trường tham gia công tác đào tạo sinh viên.”
Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, nếu sớm có sự điều chỉnh về chính sách, cơ chế, mối quan hệ này sẽ phát huy tác dụng. Khi được tạo điều kiện thuận lợi, doanh nghiệp và hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ cùng phối hợp để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“Luật Giáo dục nghề nghiệp đã có một chương quy định về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp nhưng dường như các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc này. Vậy nên một mặt chúng ta phải đẩy mạnh truyền thông, định hướng nhưng một mặt chúng ta cũng phải có những hướng dẫn cụ thể hơn hay không? Đây là vấn đề cần đặt ra trong quá trình hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về thể chế và chỉ đạo đối với lĩnh vực này. Chúng ta cũng cần phải gỡ bỏ những rào cản về năng lực của đội ngũ này ở cả các cấp quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp", ông Dũng nói.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới đây đã chỉ đạo thành lập tổ công tác gắn kết hệ thống giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động.
Việc hoàn thiện hệ thống chính sách cũng đang được triển khai trên cơ sở tạo điều kiện tốt nhất cho các trường trong việc tự chủ chương trình đào tạo. Các trường nghề mong rằng trong lần đổi mới này, cơ quan chủ quản sẽ bổ sung thêm nhiều cơ chế nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả mối gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp.
Khi trường nghề đào tạo sát với yêu cầu của doanh nghiệp, tỷ lệ sinh viên thất nghiệp chắc chắn sẽ giảm, doanh nghiệp cũng bớt đi chi phí cho đào tạo lại như thời gian qua./.
Theo Mỹ Dung/VOV-TPHCM