Nhật Bản đau đầu với tình trạng chết do công việc - karoshi

Văn hóa Nhật Bản vốn từ lâu rất coi trọng việc làm thêm giờ và dường như đây là một chuẩn mực cho bất cứ nhân viên của cơ quan hay công ty nào hướng tới.

Tuy nhiên, đó lại là một vấn nạn mà quốc gia này đang phải đau đầu đối phó. Tình trạng tinh thần sụt giảm, gây nên các rối loạn tâm thần, trầm cảm dẫn đến tự tử hay còn gọi là chết do công việc (karoshi) trong khi hiệu suất do làm thêm giờ lại chưa chắc đạt được hiệu quả mong muốn ngày càng tăng.

Nhật Bản đau đầu với tình trạng chết do công việc - karoshi - 1

Mới đây, báo cáo của chính quyền Tokyo cho thấy, 1/4 số lao động của các công ty Nhật Bản phải làm thêm hơn 80 giờ/tháng và 12% số lao động phải làm thêm 100 giờ/tháng. Nghiên cứu này của Chính phủ Nhật Bản chỉ nhận được phản hồi của chưa đến 1/5 trong số 10.000 doanh nghiệp. Đây là tỷ lệ thường thấy trong các khảo sát, nhưng điều đáng lưu ý là những công ty dính líu đến nhiều vụ bóc lột sức lao động nhất lại không mấy quan tâm đến vấn đề này.

Theo nhiều chuyên gia, tình trạng trên đã khiến số trường hợp đã và định tự tử do làm việc quá sức 3 tháng năm 2015 tại Nhật Bản lên tới 93 người. Con số trên là những trường hợp chính thức được chính quyền xác nhận và cho rằng, gia đình các nạn nhân xứng đáng được hưởng bồi thường từ phía công ty.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội khẳng định, con số thực tế lớn hơn rất nhiều khi có vô vàn trường hợp tử vong khác đang trong quá trình kiện cáo hoặc không được đưa ra ánh sáng. Trường hợp mới đây nhất là một phụ nữ 24 tuổi, cô Matsuri Takahashi làm cho Hãng Dentsu đã tự tử vào tháng 12-2015 và cảnh sát chỉ thừa nhận nguyên nhân làm việc quá tải khi áp lực dư luận cũng như truyền thông lên cao.

Mặc dù xã hội Nhật Bản đã có những cải tiến trong những năm gần đây với người lao động như trả thêm tiền làm việc quá giờ, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để ngăn chặn tình trạng karoshi. Luật ban hành để giảm karoshi đã chính thức có hiệu lực vào tháng 11-2014. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa được cải thiện mà thậm chí ở một số ngành nghề còn có sự khác biệt lớn về số người có các dấu hiệu trầm cảm, mệt mỏi vì công việc.

Thống kê so sánh giữa các ngành nghề tại xứ sở Mặt trời mọc cho thấy, những người làm việc trong ngành công nghệ thông tin (IT) chịu áp lực công việc nặng nề nhất. Với 44,4% công ty IT cho biết, nhân viên của họ làm thêm giờ đến hơn 80 giờ/tháng. Những người làm công việc nghiên cứu và kỹ thuật cũng phải làm thêm giờ rất nhiều. Gần 40% người làm việc trong ngành giao thông - vận tải và bưu chính khẳng định rất mệt mỏi với làm thêm giờ.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã từng tuyên bố thay đổi phong cách làm việc tại nước này là một trong những ưu tiên hàng đầu của kế hoạch cải tổ lao động sẽ được đệ trình vào năm tới. Trong khi đó, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike đang lên kế hoạch cân bằng lại cuộc sống cho người dân, khởi đầu bằng việc cấm nhân viên Văn phòng thị trưởng ở lại sau 20h.

Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, mục tiêu cải tổ văn hóa làm việc tại Nhật Bản sẽ còn gặp nhiều khó khăn do tinh thần trọng danh dự, trung thành cũng như văn hóa truyền thống của nước này đã tồn tại quá lâu. Một nhân viên IT 42 tuổi nói: “Các công ty Nhật Bản như một tập thể. Nếu tôi rời công ty sớm, ai đó sẽ phải làm thay phần việc của tôi và điều đó khiến tôi cảm thấy tội lỗi”.

Trên thực tế, việc thiếu nhân lực do dân số già và tỷ lệ sinh thấp cũng là một nguyên nhân dẫn đến "văn hóa" làm việc quá sức. Thế nhưng, việc giải quyết cả hai vấn đề này đang khiến Chính phủ Nhật Bản đau đầu và đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chính sách.

Theo Quang Huy/Hà Nội Mới