Nhật Bản "bật đèn xanh" cho tuần làm việc 4 ngày

Các nhà lập pháp Nhật Bản đang tranh luận về việc liệu các công ty có nên cho nhân viên chọn làm việc 4 ngày/tuần nhằm giảm nguy cơ mắc chứng "karoshi" hay tử vong do làm việc quá sức.

Nhân viên Nhật Bản nổi tiếng với việc làm việc nhiều giờ liền và từ chối nghỉ tất cả các ngày nghỉ hàng năm vì sợ làm phiền các đồng nghiệp. Nhưng những thay đổi đang trở nên rõ ràng trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Áp lực của nền kinh tế

Các nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản tuần trước đã thảo luận về một đề xuất do ông Kuniko Inoguchi, một thành viên của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, đưa ra, cho phép người lao động chọn một tuần làm việc 4 ngày thay vì 5 ngày như truyền thống. Một số công ty Nhật Bản đã thiết lập các hệ thống làm việc linh hoạt, nhưng những thay đổi do Covid-19 gây ra đã đẩy nhanh cuộc tranh luận về vấn đề này.

Nhật Bản bật đèn xanh cho tuần làm việc 4 ngày - 1
Mỗi năm Nhật Bản có hàng trăm người tử vong vì đau tim, đột quỵ và bệnh liên quan đến làm việc quá sức

Ông Teruo Sakurada, Giáo sư tại Đại học Hannan của Osaka chia sẻ: "Tôi muốn nói rằng thay vì trở thành một khả năng, tuần làm việc 4 ngày là một điều cần thiết. Hệ thống kinh tế của Nhật Bản đang chịu rất nhiều áp lực, ngày càng nghiêm trọng hơn bởi đại dịch. Chúng ta cần phải thay đổi để đảm bảo rằng nó đủ sức chống chịu và có thể đáp ứng nhu cầu của các công ty trong tương lai", Giáo sư Teruo Sakurada nói.

Trong những thập kỷ gần đây, Nhật Bản đã chuyển từ một nền kinh tế dựa trên sản xuất sang một nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào khu vực dịch vụ và dịch vụ tài chính. Xu hướng đó sẽ tiếp tục khi dân số của quốc gia này tiếp tục giảm từ 126,5 triệu người hiện tại xuống còn 83 triệu người vào cuối thế kỷ này.

"Những thay đổi này có nghĩa là Nhật Bản phải hoạt động hiệu quả hơn nhiều trong tương lai và chúng ta cần tìm cách cải thiện cả điều kiện làm việc cho người dân và lượng thời gian giải trí mà họ có thể tận hưởng", ông Sakurada nói thêm.

Sự lựa chọn hứa hẹn nhiều lợi ích

Một luật mới có hiệu lực vào tháng 4-2019 giới hạn thời gian làm việc của người lao động ở mức 100 giờ/tháng và phạt tiền đối với các công ty vi phạm quy tắc. Các nhà phê bình chỉ ra rằng luật vẫn có những kẽ hở mà việc giảm ngày làm việc trong tuần mới khắc phục được.

Nghị sĩ Kuniko Inoguchi cho biết, đại dịch đã cho thấy Nhật Bản "tiềm ẩn khả năng tạo ra môi trường làm việc và phong cách làm việc linh hoạt".

Vì thế, việc cho phép người lao động chọn có 3 ngày cuối tuần sẽ mang lại cho họ nhiều cơ hội hơn để dành thời gian cho con cái hoặc người thân cao tuổi, theo đuổi các cơ hội giáo dục, xem xét khả năng của các dự án kinh doanh khác và đóng góp cho nền kinh tế quốc gia bằng cách tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nhiều khả năng các cặp vợ chồng muốn sinh thêm con nhưng sợ không có thời gian để nuôi dạy con có thể thay đổi ý định. Điều đó sẽ giúp đảo ngược vấn đề giảm dân số.

Hạn chế lớn nhất đã được xác định là mức lương thấp hơn do người lao động làm ít hơn, nhưng nói chung các công ty đều đưa ra những biện pháp lựa chọn hợp lý. Cả Microsoft Nhật Bản và Tập đoàn tài chính Mizuho đều đã giới thiệu các kế hoạch mà theo đó nhân viên có thể chọn cắt bớt 1 ngày làm việc trong tuần trong khi Fast Retailing, công ty đứng sau chuỗi cửa hàng quần áo Uniqlo đã áp dụng chính sách này lần đầu tiên năm 2015.

"Chúng tôi đã đưa ra một loạt các thay đổi nhằm tạo ra môi trường làm việc tốt hơn cho nhân viên, chủ yếu vì chúng tôi muốn giữ lại những tài năng tốt nhất của mình", Pei-chi Tung, phát ngôn viên của công ty Fast Retailing cho biết.

Bà Pei-chi Tung cho biết, mặc dù phần lớn mọi người vẫn thích làm việc theo tuần 5 ngày truyền thống, nhưng họ đồng ý rằng đó là một lựa chọn tốt nếu đột nhiên một thành viên trong gia đình bị ốm hoặc nếu họ cần thêm thời gian nghỉ ngơi.

Theo đề xuất mới, chính phủ sẽ hỗ trợ tài chính trong giai đoạn đầu cho các công ty áp dụng giảm số ngày làm việc trong tuần. Tuy nhiên, việc khó chấp nhận ngay chính sách này chính là những nhân viên cấp quản lý lớn tuổi và có tư tưởng truyền thống, những người đã dành nhiều giờ để xây dựng Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế như ngày nay. Họ có thể sẽ khó chịu khi thấy một thế hệ nhân viên mới không thể hiện sự cam kết hoàn toàn với công ty và quốc gia.

Một nghiên cứu của chính phủ năm 2016 đã xác định rằng 1/5 người lao động Nhật Bản có nguy cơ mắc karoshi, với gần 1/4 số công ty yêu cầu nhân viên làm thêm giờ mỗi tháng và thường không được trả lương. Kết quả là, hàng trăm người chết mỗi năm vì đau tim, đột quỵ hoặc các vấn đề y tế khác do làm việc quá sức, với xu hướng tự tử ngày càng nhiều.