1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nhân tài phải toả sáng như… đèn “compact”

Ông Đoàn Duy Thành, Chủ tịch Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam đã ví như vậy xung quanh câu chuyện về phát triển nguồn nhân lực và nhân tài.

Theo ông, thế nào là nhân tài?

 

Nhân tài là người không chỉ có trí tuệ, khả năng làm việc hiệu quả cao mà còn phải có đức, có cốt cách làm người, biết cư xử đúng mực với những người xung quanh và xã hội. Nhân tài phải toả sáng như ánh đèn “compact”, vừa sáng trong, vừa tiết kiệm điện.

 

Thưa ông, năm 2005, Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam mới được thành lập và đến nay mới chính thức đi vào hoạt động. Như vậy liệu có quá muộn?

 

Hội ra đời trong bối cảnh Việt Nam bước vào lộ trình hội nhập AFTA và WTO. Cục diện thế giới và trong nước đang mở ra vận hội mới, thách thức mới. Thế giới đang đi vào toàn cầu hoá, kinh tế tri thức, kỹ thuật số đang phổ cập tới mọi quốc gia và khu vực, làm cho việc phát triển và sử dụng nhân tài trên khắp thế giới trở thành yếu tố hàng đầu để xây dựng sức cạnh tranh của mỗi quốc gia. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi Việt Nam đang phấn đấu để đến năm 2020 là một nước công nghiệp hiện đại.

 

Hiện nay, nạn chạy chức, chạy quyền vẫn tồn tại khiến nhân tài bị ém lại làm cho nguyên khí quốc gia không toả sáng. Trong khi nhiều doanh nghiệp rất khát nhân tài nhưng lại có nhiều người tài do không có điều kiện, không có vốn, không có cơ sở, tổ chức nào hỗ trợ nên không phát huy được khả năng của mình.

 

Điều đó dẫn đến tình trạng lãng phí và chảy máu chất xám. Xuất phát từ thực tiễn đó, những nhà khoa học, nhà quản lý có tâm huyết với vấn đề này tập hợp nhau lại trong một tổ chức để cùng nhau phát hiện, hỗ trợ, đề xuất cơ chế sử dụng nhân tài cho Đảng, Chính phủ và cho các doanh nghiệp... Qua đây nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao của thị trường lao động và nâng cao khả năng cạnh tranh về nguồn nhân lực cho đất nước.

 

Hội đã đề ra những mục tiêu hoạt động cụ thể thế nào để góp phần “phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam”?

 

Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, xác định nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài là cùng các cơ quan đào tạo thiết lập mối quan hệ chặt chẽ để tổ chức các hình thức đào tạo. Hội có nhiệm vụ tư vấn cho Nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội, văn hoá về đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng và thu hút nhân lực, nhân tài khi được yêu cầu; tham gia phản biện, thẩm định các đề tài khoa học, dự án phát triển nguồn nhân lực, nhân tài theo yêu cầu của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội; tổ chức trao đổi thông tin về khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài trong nước theo quy định của pháp luật...

 

Hội đã làm được những gì trong thời gian qua và sẽ làm gì trong thời gian tới?

 

Trung ương Hội đã và đang thành lập một số tổ chức chuyên ngành như: Công ty cổ phần tư vấn phát triển nhân lực nhân tài Việt Nam, Viện khoa học phát triển nhân lực và tài năng tại TPHCM.

 

Ngoài ra, hội cũng đang hợp tác với các nhà đầu tư xây trụ sở Trung ương Hội và Trường dạy nghề dịch vụ kỹ thuật Việt Hưng... Hiện nay, hội đang huy động trí tuệ tập thể, dân chủ thảo luận, đề xuất bước đi, mục đích, nhiệm vụ và biện pháp thực hiện chương trình công tác của kế hoạch 2006-2010 và chiến lược phát triển đến năm 2020.

 

Trong đó, chúng tôi tập trung vào các hoạt động cụ thể như: thành lập Ban khoa học và đào tạo để tiến hành nghiên cứu về tư duy, phát triển trí tuệ của người Việt; tổ chức hội thảo về thực trạng nhân tài, cách hỗ trợ nhân tài, cách sử dụng nhân tài, (từ học sinh cho đến các nhà khoa học cao tuổi), cách cống hiến của người tài... Đồng thời xây dựng phương thức đào tạo nhân tài, phối hợp với các doanh nghiệp trong vấn đề nghiên cứu, phát hiện và cung ứng nhân tài...

 

Hội hoạt động với cơ chế tự nguyện và tự trang trải toàn bộ kinh phí từ nguồn tài trợ của các hội viên mà chủ yếu là các doanh nghiệp; như vậy sẽ không loại trừ trường hợp có doanh nghiệp dựa vào hội để làm kinh tế chứ không nhằm mục đích hỗ trợ nhân tài?

Mục đích của hội là tập hợp, đoàn kết các nhà khoa học, nhà quản lý có tâm huyết với sự nghiệp khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài ở Việt Nam, cùng nhau trao đổi học tập nhằm phát triển sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hoạt động của hội không nhằm mục đích lợi nhuận.

 

Đến nay, hội đã kết nạp chính thức được 476 hội viên. Hội cũng thành lập văn phòng thứ 2 tại TPHCM để theo dõi và phát triển hội viên ở các tỉnh phía Nam. Tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập các Ban vận động, tiến tới Đại hội để thành lập các tỉnh, thành hội, các chi hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam tại địa phương, dự kiến đến hết năm 2006, tổng số hội viên sẽ có trên 1.000 người.

 

Tôi không phủ nhận cũng có cá nhân, tập thể muốn lợi dụng danh nghĩa hội để khai thác kinh tế. Tuy nhiên hội kết nạp hội viên có chọn lọc. Chúng tôi chỉ kết nạp những người luôn biết trăn trở làm gì cho đất nước, cho thế hệ mai sau. Họ là những người thực sự lo cho tương lai đất nước. Họ là những công dân, những doanh nhân thừa dư dật và không vụ lợi.

 

Theo Huyền Ngân
Vneconomy