Nuôi "vệ sĩ" diệt sâu cho bưởi, anh nông dân kiếm bộn tiền

Thanh Tùng

(Dân trí) - Nuôi kiến vàng diệt sâu bệnh cho vườn bưởi, anh Mão ở Thanh Hóa tiết kiệm khoảng 30 triệu đồng mỗi vụ. Cách trồng cây độc đáo này còn giúp chàng nông dân nhẹ nhàng kiếm hơn trăm triệu đồng mỗi năm.

Cuối tháng 11, vườn bưởi Diễn rộng hơn 1,5ha của gia đình anh Trịnh Đình Mão (SN 1987), thôn Trịnh Xá 1, xã Yên Ninh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đang vào độ chín rộ. Anh Mão ước tính vụ bưởi năm nay thu về hơn 100 triệu đồng.

Anh Mão cho biết, vườn bưởi với hơn 300 gốc của gia đình anh được trồng từ năm 2005. Trước đây, cũng như bao hộ trồng bưởi khác, anh chủ yếu sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu để chăm sóc cây khỏi sâu bệnh hại, nhưng hiệu quả mang lại không cao.

Nuôi vệ sĩ diệt sâu cho bưởi, anh nông dân kiếm bộn tiền - 1

Anh Trịnh Đình Mão bên vườn bưởi trĩu quả, không sử dụng thuốc trừ sâu (Ảnh: Thanh Tùng).

Cách đây 1 năm, nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi kiến vàng thay thế thuốc trừ sâu, vườn bưởi trĩu quả và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

"Từ khi nuôi kiến vàng, tôi không phải bỏ tiền mua thuốc trừ sâu, tiết kiệm được 30 triệu đồng/vụ. Không chỉ vậy, những quả bưởi được sản xuất hoàn toàn hữu cơ, đảm bảo tiêu chí bưởi sạch nên cũng bán được giá", anh Mão nói.

Anh Mão kể, ban đầu khi tiếp cận mô hình nuôi kiến vàng thay thuốc trừ sâu, anh khá bất ngờ và không tin. Nhưng sau khi được các cán bộ Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng IV (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, anh đã quyết định thử nghiệm.

Ban đầu, để gây dựng mô hình, anh Mão dùng chai nhựa chứa tép và ruột gà để dẫn dụ đàn kiến về làm tổ. Trên thân cây, anh căng dây cước để đàn kiến di chuyển dễ dàng. Chỉ sau vài tuần, hàng vạn con kiến vàng rủ nhau về làm tổ trên vườn bưởi.

Nuôi vệ sĩ diệt sâu cho bưởi, anh nông dân kiếm bộn tiền - 2

Đàn kiến vàng di chuyển trên thân cây, giúp bảo vệ cây khỏi các loài sâu bệnh (Ảnh: Thanh Tùng).

Sau khi đàn kiến về làm tổ, anh Mão theo dõi và phát hiện không còn tình trạng lá cây bị sâu vẽ bùa phá hoại, hoa và quả không còn tình trạng ong đốt. Lúc bấy giờ anh mới tin mình đã đi đúng hướng và tiếp tục nhân rộng đàn kiến sang các vườn bưởi khác trong trang trại.

Theo anh Mão, mặc dù việc chăm sóc kiến vàng không khó nhưng phải hiểu được tập tính của loài này.

"Tôi vẫn thường hay gọi chúng là những vệ sĩ bảo vệ vườn bưởi. Đây là loài kiến ăn thịt, nếu cho ăn quá no, chúng sẽ lười săn mồi. Tuy nhiên, nếu không bổ sung thức ăn đầy đủ thì kiến sẽ bỏ đi và người nuôi mất thời gian để tái đàn", anh Mão chia sẻ.

Ngoài ra, khi chăn kiến, tuyệt đối không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật để tránh hao hụt đàn và ảnh hưởng tới sức khỏe của kiến vàng.

Ông chủ vườn bưởi cũng cho biết, ngoài việc tiêu diệt sâu bệnh hại, kiến vàng còn giúp ích trong việc phát hiện cây trồng thiếu nước.

"Thông thường, kiến sẽ uống nước trên thân cây. Vậy nên, thấy kiến bò xuống đất đi tìm nước uống, thì khi đó báo hiệu cây đang thiếu nước nghiêm trọng, cần phải bổ sung kịp thời", anh Mão nói.

Nuôi vệ sĩ diệt sâu cho bưởi, anh nông dân kiếm bộn tiền - 3

Nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi kiến diệt sâu bệnh, vườn bưởi của gia đình anh Mão đạt năng suất cao (Ảnh: Thanh Tùng).

Anh Mão cho biết, việc nuôi kiến vàng có nhiều ưu điểm nhưng cũng gặp không ít bất tiện trong thời điểm thu hoạch. Do kiến sinh sống trên cây, khi thu hoạch, để tránh bị kiến đốt, người nông dân phải chú ý tưới nước vào tổ mới có thể hái quả được.

Ngoài việc thành công nhờ trồng bưởi Diễn, vợ chồng anh Mão còn sở hữu hơn 10ha lúa, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Ông Trịnh Xuân Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định, cho biết, toàn huyện có hơn 300ha cam và bưởi, chủ yếu phân bổ ở các xã Yên Ninh, Yên Phong, Yên Lâm. Việc đưa phương pháp nuôi kiến vàng thay thế thuốc trừ sâu được địa phương áp dụng đã 2 năm, đem lại hiệu quả cao.

Theo ông Quý, kiến vàng là loại thiên địch lợi hại, rất phù hợp với các mô hình trồng cây có múi như bưởi, chanh, cam. Không chỉ giúp diệt sạch sâu bệnh, bà con nông dân còn tiết kiệm chi phí và giảm thiểu nhiều thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo tiêu chí sản phẩm sạch. 

"Thời gian tới, địa phương sẽ nhân rộng mô hình này hơn nữa tại các vùng trồng bưởi trên địa bàn", ông Quý nói.