Nhân sự trẻ 1.000 đồng trong túi không có, muối mặt xin tiền người đi đường

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Ra ngoài mà không đem tiền mặt, chỉ cầm theo điện thoại di động hoặc chiếc thẻ ngân hàng, nhiều người trẻ ung dung, tự hào với cách sống thời thượng kiểu "không tiền mặt".

Sống "không tiền mặt"

"Đôi lúc mua đồ ăn vặt chỉ vài nghìn đồng thôi, tôi cũng không có tiền mặt trả vì toàn bộ tiền để trong ví điện tử. Nhiều lúc điểm bán hàng rong không cho chuyển khoản, tôi chết nhọc tìm chỗ rút tiền hoặc vay bạn bè, thậm chí là xin người đi đường ít bạc lẻ", Ngọc Vy (21 tuổi, ngụ tại quận 10, TPHCM) kể về những tình huống cười như mếu.

Vy cho biết, là một Gen Z (người sinh từ năm 1997 đến năm 2015), cô muốn sống thật thời thượng giữa thời công nghệ tiên tiến mang lại bao nhiêu tiện ích.

"Đối với một người hay quên như tôi, thanh toán online (trực tuyến) rất tiện lợi. Bản thân cũng không sợ bị đưa dư tiền hay thối (trả lại) thiếu tiền", Vy bộc bạch.

Nhân sự trẻ 1.000 đồng trong túi không có, muối mặt xin tiền người đi đường - 1

Công nghệ phát triển, giới trẻ đã chuyển sang sống "không tiền mặt" ở mọi nơi (Ảnh minh họa, nguồn D.T).

Không riêng Vy, hầu hết bạn bè cùng trang lứa quanh cô cũng thường không mang tiền mặt trong người. Không ít lần có cảnh đến lúc thanh toán, cả nhóm đều ngơ ngác nhìn nhau, đùn đẩy xem ai là người mang tiền. 

Phan Kim Lài (24 tuổi, ngụ tại quận 7) cũng đã sống cuộc sống "không tiền mặt" lâu nay, ngay từ khi đến TPHCM học tập và làm việc. Bất cứ nơi đâu, dù là quán cà phê hay điểm bán hàng rong trên đường, Lài thường cố gắng trả bằng ví tiền online hết mức có thể.

Trong một nhóm bạn chơi chung, Lài chia sẻ thành viên nào không quen dùng ví trực tuyến sẽ luôn là người đại diện thanh toán. "Trả giúp, lát về tôi chuyển khoản lại nhé" là câu Lài và các bạn thường nói nhất.

"Nhóm bạn thường sẽ có một người đem nhiều tiền mặt nhất. Trong nhiều trường hợp, người đó được mặc định là "thanh toán viên", rồi về nhà gửi hóa đơn của buổi đi chơi để các bạn khác chuyển khoản lại", Lài nói.

Nhân sự trẻ 1.000 đồng trong túi không có, muối mặt xin tiền người đi đường - 2

Theo nhu cầu của rất đông khách hàng, các cửa hàng tại thành phố cũng đã chủ động trang bị phương thức thanh toán trực tuyến (Ảnh minh họa, nguồn D.T).

Bên cạnh sự tiện lợi, Nguyễn Thị Hồng Nhung (21 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức) cũng có nhiều khoảnh khắc dở khóc dở cười khi sống bằng... ví điện tử.

"Có lần tôi mua khá nhiều đồ ở cửa hàng tiện lợi. Đến lúc thanh toán thì ứng dụng bị lỗi, phía sau thì hàng dài người đang chờ thanh toán khiến tôi rất ngại. May mắn nhân viên bán hàng đã cho tôi nợ để đi rút tiền rồi quay lại trả bằng tiền mặt", Nhung kể.

Lê Minh Tuyết (21 tuổi) cũng từng "đứng hình" khi không có nổi 1.000 đồng trong người dù tài khoản ngân hàng còn khá nhiều tiền.

"Tôi đi gửi xe nhưng không có đồng nào trong người, tiền gửi chỉ vài nghìn đồng, xin chuyển khoản ắt sẽ bị… mắng. Trường hợp này, có bạn bè đi chung thì tôi sẽ xin họ trả giúp. Có lần đi một mình, tôi phải mượn tiền mặt của người lạ rồi xin phép chuyển khoản lại", cô gái nói về tình huống muối mặt của bản thân.

Sống "không tiền mặt" vì sợ bị cướp, rơi ví

Mặc dù có những kỷ niệm khó quên, 80% giao dịch của cô gái Hồng Nhung đều qua ứng dụng thanh toán trực tuyến. Bởi Nhung nhận thấy được sự tiện lợi khi không phải đi rút tiền ở máy ATM, những khoản tiền lẻ vài trăm đồng cũng có thể được thanh toán chính xác.

"Thanh toán qua ứng dụng còn nhận được nhiều ưu đãi. Việc đó giúp bảo vệ môi trường khi giảm thiểu được lượng tiền mặt. Ban đầu có một vài bước xác minh phức tạp, nhưng sau đó tôi cũng quen và thấy việc đó an toàn hơn cho người sử dụng", Nhung chia sẻ.

Nhân sự trẻ 1.000 đồng trong túi không có, muối mặt xin tiền người đi đường - 3

Người trẻ chọn thanh toán trực tuyến ngày càng nhiều, nhờ vào những lợi ích lớn lao phương thức này mang lại (Ảnh minh họa, nguồn D.T).

Theo Nguyễn Tấn Phước (21 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh), bản thân thường xuyên làm rơi ví nên việc sử dụng ví điện tử là hợp lý. Hầu hết các hàng quán khu vực Phước sống đều đã chấp nhận phương thức thanh toán trực tuyến.

Đó là chuyển biết tất yếu trên thị trường, theo nhu cầu của khách hàng. Thực tế, nhân sự thế hệ trẻ hiện tại thậm chí kén chọn cả điểm vui chơi, ẩm thực với điều kiện phải chấp nhận thanh toán trực tuyến.

Ngọc Vy kể rằng, trước đây cô thường xuyên để nhiều tiền mặt trong ví. Có lần bị giật mất ví tiền, Vy vừa khó khăn xoay xở chi tiêu tháng đó vừa phải đi làm lại giấy tờ.

Là một nhân sự trẻ nhanh chóng chiếm lĩnh, khai thác được những lợi ích mà thanh toán trực tuyến mang lại, Ngọc Vy cũng không quên cảnh giác những thủ đoạn lừa đảo qua các ứng dụng.

Nhân sự trẻ 1.000 đồng trong túi không có, muối mặt xin tiền người đi đường - 4

Không phủ nhận những ưu điểm của thanh toán trực tuyến nhưng người trẻ vẫn khá cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo lợi dụng phương thức này (Ảnh minh họa, nguồn D.T).

"Với thói quen thanh toán trực tuyến, thông tin ngân hàng dễ bị các đối tượng xấu mua bán qua lại, sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo cách thức tinh vi. Vì vậy, người trẻ cần cảnh giác nhiều hơn", Vy nói.

Cũng là một nhân sự trẻ, sinh những năm đầu thế kỷ XXI, nhưng Đặng Minh Khả Ái (24 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú) lại chuộng dùng tiền mặt. Ái cho hay, việc dùng thẻ ngân hàng, ví điện tử quá nhiều sẽ khó kiểm soát chi tiêu. Không những vậy, thói quen thanh toán trực tuyến dễ gây khó khăn cho những người bán hàng lớn tuổi, không rành công nghệ.

"Không thể phủ nhận lợi ích mà ví điện tử mang lại. Nhưng dù gì ra đường vẫn cần mang theo một ít tiền mặt, phòng những trường hợp bất khả kháng như điện thoại hết pin, địa điểm không cho thanh toán trực tuyến,…", Ái nêu kinh nghiệm bản thân.