Nhân sự Gen Z "khát làm lãnh đạo", đứng núi này trông núi nọ
(Dân trí) - Có rất nhiều lợi thế, đặc biệt là trong xu thế số hóa nhưng bên cạnh đó, nhân sự Gen Z cũng làm các nhà quản lý đau đầu vì tâm lý "đứng núi này trông núi nọ".
Kỹ năng của người lao động, đặc biệt người trẻ cần gì để thích nghi với bối cảnh mới được ra tại hội thảo trực tuyến về chủ đề này do chương trình phát triển tài năng trẻ Ready To Lead tổ chức.
Chưa hiểu mình đã nóng lòng... lãnh đạo người khác
Anh Huỳnh Công Thắng, CEO Ready To Lead chia sẻ thông tin, một chương trình của dự án Give It Back có hơn 80% bạn trẻ đăng ký không biết mình muốn làm cái gì, mình là ai, làm sao để làm việc tiếp.
Có dịp làm việc với nhiều doanh nghiệp, gần đây anh Thắng hỏi: "Các anh chị cần các bạn trẻ như thế nào?".
Câu hỏi đó đã thành một khảo sát nhỏ với kết quả: Nhân sự trẻ hiện nay có rất nhiều thế mạnh như kỹ năng ổn, khả năng thông tin nhanh, giao tiếp online thành thạo hơn thế hệ trước.
Tuy nhiên, việc nhận thức về bản thân của bạn nhân sự Gen Z là một hạn chế. Họ không nhận ra giá trị cốt lõi của mình là gì nên dễ "đứng núi này trông núi nọ".
"Nhiều bạn quên mất uy tín nằm ở những việc chúng ta cam kết, từ những hành vi nhất quán theo thời gian chứ không phải là những lời hay ho chúng ta nói ra nhưng không thực hiện hóa được", anh Thắng chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến này, chị Thi Anh Đào, Giám đốc Điều hành Isobar Vietnam chia sẻ, các bạn trẻ hiện nay giỏi hơn thế hệ trước rất nhiều. Kiến thức rộng hơn, vấn đề các bạn yêu thích các bạn sẽ biết sâu hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn tâm lý tuổi 20 - 25 cái thời mà ai cũng muốn trở thành leader, lãnh đạo. Các bạn chỉ mới nhìn leader là lãnh đạo, giao việc, ra lệnh cho người khác mà quên nhìn vào chính mình.
Trong khi, nữ CEO gương mặt "30 Under 30" 2015 của Forbes nhấn mạnh nếu mình không thể lãnh đạo được mình thì không lãnh đạo được ai hết. Đặc biệt là trong giai đoạn thay đổi có quá nhiều xu hướng lớn như hiện nay, việc phải định hình được mình là ai, mình mang tới giá trị gì cho thế giới để xác định được vai trò, giá trị của bản thân là điều đầu tiên mỗi người phải làm.
Dịch bệnh Covid-19, sống chậm nhưng lại phải đi nhanh!
Chị Thi Anh Đào cho biết, lần đầu đọc báo cáo The Future of Jobs Report 2020 về top 10 kỹ năng cần có của người lao động trong giai đoạn 2020-2025 của Diễn đàn kinh tế thế giới, chị cũng... cảm thấy sợ.
Danh sách đòi hỏi kỹ năng của người lao động nói trên cần hết 10 kỹ năng ở một người lãnh đạo như: Khả năng giao tiếp, diễn đạt, khơi gợi cảm hứng cho đội ngũ; Kỹ năng đàm phán; Kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp...
Có thể nói, dịch Covid-19 làm cho chúng ta cảm giác cuộc sống chậm hơn nhưng đang tạo ra sức ép bắt buộc phải đi nhanh hơn, đòi hỏi nhân sự phải thay đổi về mặt tư duy và kỹ năng.
Các chuyên gia tại tọa đàm lưu ý, Covid-19 đã tạo ra những xu thế mới trong công việc như làm việc tại nhà, số hóa, di cư ngược... đặt áp lực phải thay đổi với doanh nghiệp và với từng người lao động.
Bà Lê Thị Đoan Trinh, Giám đốc Nhân sự Scommerce Group chia sẻ, hiện nay nhu cầu chiêu mộ tuyển dụng nhân tài của các doanh nghiệp rất lớn. Từ nhiều vị trí lớn nhỏ khách nhau, từ những vị trí quản lý cho đến các bạn mặc màu áo shiper đi giao hàng ngoài kia.
Các "chiến binh đường phố" cũng đòi hỏi rất nhiều kỹ năng như phải biết sử dụng công cụ điện tử để làm việc đúng quy trình, biết tương tác với khách hàng để tăng tỉ lệ giao hàng thành công.
Để làm việc hiệu quả thì bất kỳ ai, một bạn trẻ mới ra trường hay đã làm lãnh đạo đều, theo bà Trinh, doanh nghiệp đều đòi hỏi ở nhân sự phải có tư duy phát triển. Đó là chúng ta có sẵn sàng tìm hiểu những điều mới mẻ không? Chủ động nghiên cứu những thứ mình chưa biết không?
Ngoài ra, hai yếu tố không thể thiếu của nhân sự là năng lực học tập, tư duy lẫn kỹ năng xử lý số liệu, số hóa, phân tích dữ liệu.
Chuyên gia nhân sự này nêu ra ví dụ, khi được giao bài tập, nhiều người tìm mọi cách để làm nhưng nhiều bạn sẽ "Ủa, sao giao bài khó quá vậy, sao làm khó em vậy. Em không biết làm, thôi em bỏ qua".
Khi các bạn có khả năng học tập kém, các bạn sẽ khó có khả năng thích nghi với những tiêu chuẩn mới, cách làm việc mới, thế giới mới.