Nhân lực ngành tài chính - ngân hàng và rủi ro đạo đức
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và các tổ chức về việc làm, nhu cầu đào tạo mới nhân lực ngành tài chính giai đoạn 2016 – 2020 của Việt Nam là trên 1,6 triệu người và đến năm 2020, tổng số nhân lực làm việc trong ngành ngân hàng khoảng 300.000 người.
Số liệu khảo sát của Tập đoàn HayGroup và Viện Nhân lực ngân hàng – tài chính cho thấy, lượng sinh viên tài chính - ngân hàng ra trường đang ngày càng tăng: năm 2012 khoảng 29.000 người, năm 2013 khoảng 32.000 người và năm 2016 khoảng 61.000 người. Tuy nhiên, số sinh viên được các tổ chức tín dụng tuyển chọn chỉ vào khoảng 15.000 – 20.000 người vào năm 2012 - 2013.
Tại hội thảo khoa học “Chất lượng nguồn nhân lực tài chính – ngân hàng trong quá trình hội nhập” do Trường ĐH Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức, TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc trường Đào tạo BIDV cho biết, nguồn nhân lực tài chính - ngân hàng đang "thừa thì vẫn thừa, thiếu thì vẫn thiếu". Cụ thể, số lượng giao dịch viên, cán bộ, chuyên viên bán hàng trong ngành này đang rất lớn, ngược lại, đội ngũ chuyên gia, lãnh đạo cấp trung và cấp cao thì lại rất hiếm.
TS. Cấn Văn Lực tại hội thảo "Chất lượng nguồn nhân lực tài chính - ngân hàng trong quá trình hội nhập" Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, đến năm 2020, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ngành tài chính ngân hàng sẽ là 120.900 người, tăng gấp đôi so với năm 2016. TS. Lý Lan Yên (Khoa Kế toán, Học viện Tài chính) nhận định, xét về số lượng, thời gian qua các trường đại học Việt Nam đã đáp ứng nhu cầu đề ra, nhưng chất lượng là điều cần phải xem xét lại. Chương trình giảng dạy, đào tạo tại các trường đại học đều khẳng định chất lượng đào tạo sinh viên rất tốt, nhưng trên thực tế, các ngân hàng đều chưa tin tưởng về các kỹ năng của sinh viên mới ra trường, nhiều ngân hàng phải tiến hành đào tạo lại thì nhân sự mới mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.
Nói về những tố chất không thể thiếu của nguồn nhân lực chất lượng cao, TS. Nguyễn Sơn - Chủ tịch Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam nhấn mạnh các yếu tố sau: có trình độ chuyên môn cao, có kỹ năng xử lý linh hoạt các tình huống phát sinh, khả năng thích ứng công nghệ mới và sử dụng tốt ngoại ngữ, khả năng sáng tạo, và đặc biệt là phải có đạo đức nghề nghiệp.
Một thực trạng đáng chú ý của nguồn nhân lực ngành tài chính - ngân hàng là bất cập về trình độ, kỹ năng, đặc biệt là khó kiểm soát rủi ro đạo đức. TS. Cấn Văn Lực cho biết, thời gian gần đây, nhiều vụ việc công an bắt giữ, khởi tố có liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và cả bảo hiểm, cho thấy đạo đức đang là vấn đề rất đáng quan tâm đối với chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Đồng quan điểm, TS. Lý Lan Yên cũng khẳng định, tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của nhân viên ngành tài chính ngân hàng phải được quan tâm hàng đầu trong quá trình đào tạo vì đây là lĩnh vực rất nhạy cảm. Nếu đạo đức nghề nghiệp không được sinh viên hiểu và thực hiện tốt sau khi ra trường thì sẽ rất dễ sa ngã khi bước chân vào nghề.
"Rủi ro đạo đức có thể xảy ra ở bất kỳ khâu nào trong ngành ngân hàng, nhưng xuất hiện nhiều ở nghiệp vụ liên quan đến tín dụng, bảo lãnh, tiền gửi và ngân quỹ. Bởi vậy, bên cạnh những yêu cầu về trình độ chuyên môn thì đạo đức nghề nghiệp và bề dày kinh nghiệm luôn là một trong những yếu tố quan trọng được đặt lên hàng đầu trong khâu đào tạo và sau này sẽ là tiêu chuẩn tuyển dụng, quy hoạch và bổ nhiệm của các ngân hàng", TS. Lý Lan Yên chia sẻ.
Kết quả khảo sát của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng đối với 30 vụ án xảy ra trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng thời gian vừa qua cho thấy, trong 10 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được coi như “đại án” của Việt Nam trong thời gian gần đây, có tới 7/10 vụ án xảy ra trực tiếp tại các tổ chức tín dụng, 3/10 vụ án còn lại tuy không xảy ra tại tổ chức tín dụng nhưng vẫn có sự góp phần không nhỏ của các nhân viên ngân hàng khi tiếp tay cho các hành vi phạm tội.
Nổi lên trong 6 tháng đầu năm nay là các sai phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, trong đó, Bộ Công an đã chỉ đạo khởi tố 7 vụ, 21 bị can, gây thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng, trong đó có 17 bị can là lãnh đạo, nhân viên ngành ngân hàng.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Th.S Nguyễn Thị Đan Quế (Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan là sự buông lỏng chất lượng tuyển dụng, đào tạo và giám sát nhân viên ngân hàng làm phát sinh rủi ro, còn có cả những nguyên nhân khách quan như áp lực về lãi suất và điều kiện tiếp cận khoản vay, áp lực vay và trả nợ vay và đôi khi là từ chính những quy định pháp lý chưa rõ ràng trong hệ thống pháp luật.
Mức độ phong phú của dịch vụ ngân hàng mang lại lợi ích cho xã hội và cộng đồng, đồng thời cũng là cơ hội phát sinh nhiều rủi ro hơn cho nhân viên ngân hàng.
Để hạn chế khó khăn và phòng tránh rủi ro đạo đức cho nhân sự ngành ngân hàng, Th.S Nguyễn Thị Đan Quế đề xuất: về phía nhân viên ngân hàng, cần phải tự tích lũy kinh nghiệm, cập nhật kiến thức, đặc biệt là kiến thức pháp luật; về phía ngân hàng, phải liên tục nâng cấp, hoàn thiện những yêu cầu và quy trình nghiệp vụ cụ thể, chi tiết; làm rõ quyền hạn và trách nhiệm của từng bộ phận, tăng cường hoạt động nghiệp vụ giám sát, thanh tra, kiểm tra nội bộ và toàn hệ thống…; về phía cơ quan quản lý, cần hoàn thiện cơ chế chính sách, thể chế pháp luật đồng bộ để tránh tạo các “khoảng trống pháp lý” và tránh luật hóa các quy định nội bộ của ngân hàng.
Theo Bích Trâm/Doanh nhân Sài gòn