1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nhân lực được lựa chọn là ưu tiên trong cộng đồng văn hóa xã hội Asean

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - "ASEAN luôn xác định con người là trung tâm của sự phát triển. Chính vì vậy, phát triển nguồn nhân lực được lựa chọn là ưu tiên trong cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN…”.

Nhân lực được lựa chọn là ưu tiên trong cộng đồng văn hóa xã hội Asean - 1

Cuộc họp báo do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiều 15/9 tại Hà Nội (Ảnh: Giáp Tống)

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi họp báo chiều 15/6 tại Hà Nội, nhằm giới thiệu về “Hội nghị cấp cao về Phát triển Nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay” được tổ chức trực tuyến từ 15-16/9.

Trong đó, Phiên họp đặc biệt của các Bộ trưởng Lao động ASEAN và Bộ trưởng Giáo dục ASEAN được tổ chức vào ngày mai (16/9). Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT.

Chọn chủ đề phát triển nguồn nhân lực

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đều nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, các quốc gia coi đó là yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm đạt được năng suất lao động và khả năng cạnh tranh cao hơn trong khu vực.

Nhân lực được lựa chọn là ưu tiên trong cộng đồng văn hóa xã hội Asean - 2

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu tại cuộc Họp báo. (Ảnh: Giáp Tống)

Vì vậy, việc phát triển nguồn nhân lực được xác định là ưu tiên số một của các quốc gia thành viên ASEAN và là một trong ba mục tiêu của ASEAN trong Hiến chương ASEAN, gồm: Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển bền vững và tăng cường khả năng phục hồi của khu vực.

“Cũng chính bởi lý do này, Việt Nam đã lựa chọn phát triển nguồn nhân lực là một trong các ưu tiên của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, góp phần vào sự phát triển của Cộng đồng Kinh tế và thúc đẩy một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng như chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2020” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết.

Lập Hội đồng giáo dục nghề nghiệp ASEAN

Thông tin tại cuộc họp báo, ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những cơ hội cũng như nhiều thách thức liên quan đến phát triển kinh tế, phát triển việc làm và vấn đề về giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

Nhân lực được lựa chọn là ưu tiên trong cộng đồng văn hóa xã hội Asean - 3

Ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) - chia sẻ tại cuộc họp báo. (Ảnh: Giáp Tống)

Hội nghị sẽ được diễn ra với 4 phiên thảo luận chủ đề bao gồm: Quan hệ đối tác cho phát triển nguồn nhân lực; phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên hậu đại dịch; vai trò lãnh đạo của khu vực tư nhân với việc phát triển nguồn nhân lực; các hệ thống giáo dục và đào tạo sẵn sàng cho tương lai để thúc đẩy các kỹ năng của Thế kỷ 21.

Các nước ASEAN đều đánh giá cao vai trò của chuyển đổi số và đã thống nhất đưa ra chương trình phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay.

Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến hội nhập dịch chuyển tự do lao động có kỹ năng trong ASEAN, điều phối các chương trình hợp tác về phát triển nhân lực. Bên cạnh đó, việc phát triển giáo dục nghề nghiệp trong ASEAN cũng có những thách thức nhất định vì mỗi nước có một cơ quan giúp việc khác nhau để quản lý lĩnh vực này.

Theo ông Trương Anh Dũng, trong chương trình Tuyên bố chung của các nước ASEAN cấp cao về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang thay đổi đã đặt ra nội dung thành lập Hội đồng giáo dục nghề nghiệp trong ASEAN. Một trong những nội dung chính đó là xây dựng lộ trình để duy trì, phát triển nguồn nhân lực.

Nhân lực được lựa chọn là ưu tiên trong cộng đồng văn hóa xã hội Asean - 4

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) trả lời câu hỏi các nhà báo. (Ảnh: Giáp Tống)

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) - nhấn mạnh: Phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 điểm đột phá của Việt Nam. Cùng với thể chế, cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực luôn là ưu tiên của Đảng trong các chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Đảng cũng như trong các văn bản chỉ đạo của Chính phủ. Đây cũng là chủ đề xuyên suốt trong quá trình phát triển của Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Cường giải thích thêm: “Chủ đề phát triển nguồn nhân lực không bao giờ cũ, nhất là trong bối cảnh thế giới việc làm đang thay đổi với những tác động của yếu tố bên ngoài, như: Thay đổi của cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra những yêu cầu mới, thách thức mới về những kỹ năng mới, hình thức làm việc mới; tác động già hóa dân số; thay đổi khí hậu; dịch bệnh Covid-19…”.

Trong bối cảnh bản thân phát triển nguồn nhân lực đã quan trọng nay trong bối cảnh thế giới có sự đổi thay lại càng quan trọng hơn bao giờ hết, nên khi Việt Nam đưa ra sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ từ các nước trong ASEAN ở cả 2 kênh giáo dục - lao động. Sự ủng hộ không chỉ trong nội khối ASEAN mà còn của các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế.

Hội nghị kết nối 70 điểm cầu trên thế giới

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Hội nghị sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự trực tuyến có khoảng 150 đại biểu ở 70 điểm cầu bao gồm các Bộ trưởng Lao động ASEAN, các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN, Tổng thư ký ASEAN, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế, các đối tác đối thoại của ASEAN trong và ngoài khu vực, các đại diện thuộc Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN.

Tham gia trực tiếp tại Hà Nội, về phía Việt Nam có 150 đại biểu với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Lãnh đạo một số Bộ, ngành, viện nghiên cứu, Đại sứ các nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tại Việt Nam, một số trường đại học, trường nghề, các hiệp hội và các doanh nghiệp.

Mục tiêu của Hội nghị nhằm thúc đẩy hợp tác ASEAN về phát triển nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển của công nghệ, yêu cầu của người lao động và người sử dụng lao động, cùng kiến tạo tương lai của một ASEAN thống nhất, gắn kết chặt chẽ; tăng cường quan hệ đối tác giữa ASEAN và các nước đối thoại, các nhà tài trợ trong phát triển nguồn nhân lực; đóng góp các kết quả cụ thể để đưa vào Hội nghị Cấp cao ASEAN tháng 11/2020.