1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nhân lực cho ngành CNTT: Bài toán chưa có lời giải

(Dân trí) - CNTT được đánh giá là một trong những ngành mũi nhọn của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Tuy nhiên, trên thực thế, nhân lực cho ngành “mũi nhọn” này vẫn làm đau đầu những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. "Vừa thiếu, vừa yếu” là vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng cho đến nay đáp án cho bài toán này dường như vẫn chưa có lời giải.

Thiếu, yếu - vấn đề “muôn thuở” 

Theo ông Lê Mạnh Hà, GĐ Sở Bưu chính - viễn thông TPHCM, thì với 225 cơ sở đào tạo chính quy về CNTT ở trình độ đại học và cao đẳng hiện có trong cả nước, số sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ xấp xỉ 4000 - 4500 người/năm. Và với con số này, lượng sinh viên được đào tạo luôn lớn hơn số lượng mà các công ty cần tuyển dụng. Tuy nhiên, các công ty lại luôn rất thiếu nhân lực, việc tuyển dụng rất khó và tốn thời gian. Câu trả lời đã có từ rất  lâu: Cung và cầu không khớp nhau.

Vậy không khớp nhau ở điểm nào? ông Nguyễn Khắc Thành, Giám đốc Trung tâm đào tạo FPT Aptech đưa ra nhận định của mình về hai điểm yếu được đánh giá là “cơ bản” của sinh viên sau khi ra trường hiện nay là tính kỷ luật và khả năng sử dụng ngoại ngữ. “Nói đến ngành công nghiệp là nói đến hàng chục ngàn người, làm việc theo nhóm. Người VN chưa quen quy trình sản xuất, không có kỷ luật (làm đúng, làm đủ, đúng thời hạn, đúng phần việc, không có lỗi, làm việc theo nhóm...). Thứ hai là ngoại ngữ, ngành này có tính toàn cầu hoá khá cao, một lập trình viên hay kỹ thuật viên phải giao tiếp tìm hiểu, lấy yêu cầu của khách hàng để biến thành ngôn ngữ CNTT nên đòi hỏi trình độ tiếng Anh cao, trong khi khả năng ngoại ngữ của sinh viên nói chung và ngành CNTT nói riêng hiện nay rất yếu”, ông Thành nhận xét. Và để chứng minh cho nhận định của mình, ông Thành đưa ra ví dụ: “Vì sao người Nhật có thể làm được những sản phẩm tốt nhất thế giới? đó là vì họ có kỷ luật”

Khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng bao giờ cũng có. Tuy nhiên, theo ông Thành, ở VN hiện nay, khoảng cách này là rất xa. “Các trường thì đào tạo hàn lâm quá, trong khi nhu cầu thực tế thì đòi hỏi không chỉ kiến thức mà còn cần cả kỹ năng làm việc”. 

Cũng trăn trở về thực trạng yếu kém của sinh viên ngành CNTT hiện nay, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch hội tin học TPHCM đã đề xuất 5 biện pháp nhằm hạn chế dần và tiến tới xóa bỏ sự khập khiễng giữa chương trình đào tạo và công việc thực tế. “ Xã hội hoá giáo dục; dạy bằng tiếng Anh trong nhà trường; triển khai mô hình đào tạo mới, năm đầu học tiếng Anh, 3 năm tiếp theo học chuyên môn và theo giáo trình của nước ngoài; dạy tin học cho SV tốt nghiệp đại học các ngành không thuộc CNTT (đào tạo khoảng 1 năm); cuối cùng là phân biệt rõ đầu mối quản lý tập trung: Bộ ngành nào chịu trách nhiệm chính về việc phát triển CNTT”, đó là những điểm chính trong bản đề xuất của Hội tin học TPHCM.

Biện pháp đã được đưa ra, nhưng từ văn bản đi đến hiện thực thì có lẽ vẫn là một quãng đường rất dài và không ít gian nan.

Một khó khăn nữa mà việc đào tạo nhân lực cho ngành này phải đối mặt đó là  thiếu đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm thực tế; cơ sở phòng thí nghiệm, thiết bị cho đào tạo thực hành còn sơ sài. Điều này khiến cho nhiều sinh viên tốt nghiệp còn thiếu hoặc yếu cả về kiến thức chuyên môn lẫn kĩ năng giao tiếp, làm việc trong môi trường công nghiệp.

Bùng nổ trong lo lắng

Theo dự báo của Vietnamwork, thì nhu cầu tuyển dụng nhân lực CNTT của các công ty trong năm 2006 sẽ có thể lên tới 30%. Điều này cho thấy ngành CNTT Việt Nam thực sự đang đứng trước môt cơ hộ lớn để có thể tăng tốc phát triển, nhưng cũng là một thách thức khi giải quyết ổn thoả bài toán nhân lực.

Kết quả khảo sát trên website về việc làm VietNamworks  cho thấy,  nhu cầu tuyển dụng nhân lực CNTT hiện đang ở mức cao nhất (chiếm 12%) trong số gần 40 nhóm ngành nghề được đăng tuyển dụng. Cũng theo đánh giá của ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch hội tin học TPHCM thì  hiện nay, một số công ty phần mềm lớn như FPT, TMA, PSV, Global Cybersoft… có nhu cầu tăng trưởng rất lớn về nhân  lực. Số lao động phần mềm của các công ty này sắp đạt tới ngưỡng 1000 người. Dự đoán đến năm 2008, có công ty cần tuyển dụng tới… 5000 lập trình viên phần mềm. Nhu cầu là như vậy, nhưng trên thực tế, để tuyển được khoảng 100 lập trình viên chất lượng tốt là điều gần như không tưởng đối với đa số các doanh nghiệp phần mềm hiện nay.

Khi nói đến điều này thì cũng không thể bỏ qua một thực tế là sợi dây liên kết giữa doanh nghiệp - nhà trường - sinh viên khá lỏng lẻo, đó cũng chính là một phần nguyên nhân không nhỏ dẫn đến thực trạng, trường cứ dạy theo kiểu của trường, doanh nghiệp tuyển theo kiểu của doanh nghiệp và sinh viên tốt nghiệp đại học buộc phải bồi dưỡng thêm nếu muốn có việc làm tốt.

Theo một số chuyên gia ngành CNTT thì trong vài năm tới sẽ “bùng nổ” nhu cầu về chuyên gia ngành CNTT. Tuy nhiên, đứng trước sự bùng nổ này, các doanh nghiệp vẫn đang đau đầu về bài toán nhân sự ngay trước mắt chứ chưa nói đến lâu dài.

Lời giải nào cho bài toán nhân lực?

Nắm bắt được sự thiếu hụt các kỹ năng của nhân lực ngành CNTT, một số cơ sở đào tạo ngoài công lập đã vào cuộc như Aptech, NIIT, HaNoiCTT... Với một chương trình đào tạo được cập nhật, toàn diện và chuyên nghiệp, các trung tâm này đang ngày một thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ yêu CNTT.

Ông Đinh Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế Aprotrain-Aptech khẳng định: “Chương trình đào tạo của chúng tôi không chạy theo công nghệ mà luôn đón đầu công nghệ. 80% chương trình học của chúng tôi là rèn kỹ năng, và cũng có tới 70% số học viên tham dự khóa học lập trình viên  quốc tế tại đây là sinh viên các trường đại học”.

Với chương trình đào tạo phong phú, đáp ứng nhu cầu thị trường và nhu cầu của người học, các trung tâm này đã thu hút một lượng lớn sinh viên tham gia. Theo điều tra của hệ thống các trung tâm Aptech thì có đến trên 95% học viên của Aptech ra trường có việc làm. Các khóa học về lập trình viên tại các cơ sở đào tạo khác cũng được các doanh nghiệp ngành CNTT chấp nhận bởi đã khắc phục được những điểm yếu của sinh viên ngành CNTT lâu nay.

Mặc dù các trung tâm đào tạo ngoài công lập đã có những đóng góp to lớn vào phát triển nhân lực ngành CNTT nhưng với sự phát triển như vũ bão của ngành này, nhân lực vẫn là bài toán nan giải.

Hoa Nguyên