Nhận diện một công ty biết quý trọng nhân viên

(Dân trí) - Một số công ty luôn miệng nói là quý trọng nhân viên, nhưng những gì họ làm khác xa với những gì họ nói. Những doanh nghiệp thông minh có những cách làm riêng để thể hiện sự quý trọng đó.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Văn hóa doanh nghiệp được coi là một tài sản vô hình quý giá của các công ty. Quý trọng nhân tài là một phần của văn hóa doanh nghiệp. Các công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới chính là những công ty biết đề cao văn hóa doanh nghiệp, trong đó có vấn đề quý trọng nhân viên, đặc biệt là những người tài giỏi.

Dưới đây là những đặc điểm của một công ty biết quý trọng nhân viên của mình:

1. Sự khác biệt cá nhân được nuôi dưỡng

Nhân viên cần cảm thấy, khi ở công ty họ có thể thể hiện mình giống như con người của họ ở nhà. Họ cũng thích làm việc trong những nhóm với những người có kiến thức, quan điểm khác nhau, có những niềm đam mê khác nhau, cho dù điều đó có thể gây ra những xung đột.

2. Thông tin không bị ém nhẹm hay bóp méo

Văn hóa công ty được hưởng lợi nhiều từ sự minh bạch, cho dù thông tin có xấu tới mức nào hay đi theo hướng nào. Các công ty minh bạch có sự giao tiếp cởi mở. Những công ty như vậy cũng cho rằng, việc công bố những thông tin tiêu cực chỉ là một phần của quy trình đạt tới mục tiêu chung.

3. Công ty gia tăng giá trị cho nhân viên

Hầu như chẳng có nhân viên nào muốn ở lại với công ty vắt kiệt sức lao động của họ. Văn hóa của một công ty được đánh giá cao khi nhân viên mới được chỉ bảo, những điều yếu được hướng dẫn cách khắc phục, còn sức mạnh và thành tựu của các cá nhân được công nhận. Những công ty tốt nhất đem đến các cơ hội đào tạo, nâng cao tay nghề cho nhân viên để mở ra những cơ hội mới trong sự nghiệp, cho dù bằng con đường chính thức hay phi chính thức.  Ở những công ty như thế, nhân viên được khuyến khích tham gia vào các dự án, trải nghiệm và khóa học mới để đưa sự nghiệp phát triển lên nấc cao hơn.

4. Công ty đại diện cho điều gì đó giàu ý nghĩa

Không phải nhân viên nào cũng chỉ xem tiền là động lực. Các công ty phát triển khi nhân viên của họ có sứ mệnh rõ ràng và “khớp” được vai trò của riêng mình vào tầm nhìn của nhóm, của công ty. Nhân viên nên cảm thấy tự hào khi nói với mọi người về công ty của mình.

5. Công việc ra công việc

Mặc dù có thể có một vài nhiệm vụ bị coi là “lặt vặt”, phần lớn công việc của mỗi nhân viên trong công ty nên tạo ra thử thách và niềm đam mê cho họ. Các nhân viên cũng nên được cảm thấy như họ đang làm việc vì một sự nghiệp chung.

6. Không có những quy định ngớ ngẩn

Những công ty tốt nhất đề cao giá trị thay vì các quy trình và quy tắc. Nếu có sự tôn trọng thực sự giữa cấp trên và cấp dưới, những quy tắc sẽ gần như trở nên vô nghĩa. Trong những công ty tốt, sẽ không có kiểu quản lý từng ly từng tí và nhân viên cảm thấy cấp trên tin tưởng khi giao việc cho họ. Ở những công ty như vậy, các quy tắc nếu có sẽ được áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người.

Nhìn chung, văn hóa công ty tốt thường là kết quả của sự lãnh đạo tài giỏi, điều không phải là phổ biến. Văn hóa công ty tốt sẽ đem đến lợi nhuận cao và giúp tạo ra một môi trường khiến nhân viên cảm thấy tự do để sáng tạo và theo đuổi đam mê. Nói tóm lại, nhân viên trung thành với môi trường mà chính họ tạo ra, chứ không phải là chủ sử dụng lao động.

Vậy khi bạn chưa ở trong một công ty, làm thế nào để biết công ty đó có đề cao giá trị của nhân viên hay không? Sau đây là những dấu hiệu của một công ty có văn hóa tốt:

- Họ không có quy định cụ thể về thời gian nhân viên được nghỉ mỗi năm. Thay vào đó, họ có thể cho phép nhân viên nghỉ không giới hạn.
- Họ công khai những giá trị cốt lõi của mình.
- Họ cho phép bạn thử trải nghiệm về công ty trước khi gia nhập.
- Tuyên bố sứ mệnh của họ rõ ràng.
- Họ cho nhân viên quyền được làm chủ thời gian, công việc.
- Tốc độ thay nhân viên ở mức thấp.
- Họ trả bạn mức lương xứng đáng.

Phương Anh
Theo Brazen Careerist