Đắk Nông:

Nhà tạm lánh của người mẹ trẻ từng “đứt ruột” khi mất con

Dương Phong

(Dân trí) - “Con trai em mất vì ăn nhầm phải bả chó, em nhận được 25 triệu tiền bảo hiểm hỗ trợ. Cầm số tiền trên tay, em nghĩ phải dùng số tiền cho có ích, nên tặng hết cho những hoàn cảnh khó khăn khác…”

Chị Phạm Thị Thoa (SN 1990, trú thôn 4, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút) mở đầu câu chuyện kể về lý do đến với con đường thiện nguyện, xây dựng căn nhà tạm lánh dành cho những số phận bất hạnh.

“Nhà tạm lánh” của người mẹ mất con

Tại “Nhà lánh nạn”, chúng tôi đã gặp lúc chị Thoa đang ẵm cháu nhỏ chưa đầy 1 tháng tuổi. Cháu được chị cưu mang từ lúc mẹ chưa sinh.

Căn nhà mà chị đang ở hiện có 4 cô gái trẻ tới “lánh nạn” để sinh nở. Ngoài cháu bé gần 1 tháng tuổi, còn có 1 cháu 4 tháng tuổi và 2 người mẹ đang mang bầu 6 tháng và 8 tháng.

Nhà tạm lánh của người mẹ trẻ từng “đứt ruột” khi mất con - 1

Thoa và cháu nhỏ chưa đầy 1 tháng tuổi, được chị cưu mang từ lúc mẹ chưa sinh

Theo chị Phạm Thị Thoa, tất cả những người mẹ trẻ này đều có hoàn cảnh rất éo le. Người bị người tình ruồng rẫy, người bị chồng đánh đập, người bị gia đình ghẻ lạnh…Chị Thoa cũng không nhớ rõ đến nay đã cưu mang bao nhiêu thai phụ.

Những thai phụ tìm đến chị Thoa đều rất khó khăn, gần như không có tiền bạc gì, ngoài đứa con trong bụng chờ ngày chào đời. Ngoài chuyện nuôi nấng, ăn ở hàng ngày, đến ngày sinh, chị Thoa đều lo tiền viện phí thuốc thang và chăm sóc cho đến khi các cháu cứng cáp.

"Trong thời gian mẹ cháu ở đây, em cùng cán bộ địa phương sẽ làm tư tưởng cho mẹ và người nhà cháu bé. Có trường hợp, mẹ bé sinh xong, được gia đình lên nhận về. Có những trường hợp ở xa, hoàn cảnh khó khăn, em còn trả cả tiền xe cho họ để trở về gia đình", chị Thoa kể lại.

Chia sẻ về căn nhà tạm lánh của mình, chị Thoa cho biết, thời gian đầu, khi nhà còn chật chội, chị làm cầu nối cho các thai phụ liên hệ với những “mái ấm” ở Bảo Lộc, Bình Dương hay mãi tận Nam Định để họ tìm tới.

Đến cuối năm 2019, vợ chồng chị Thoa xây dựng một căn nhà mới, dành nhiều phòng trống để cưu mang những thai phụ.

Nhà tạm lánh của người mẹ trẻ từng “đứt ruột” khi mất con - 2

Cơ duyên đưa chị Thoa đến với việc thiện nguyện xuất phát từ một biến cố gia đình

Người phụ nữ 30 tuổi trải lòng, năm 2014 chị có đứa con mới 22 tháng tuổi. Trong lúc cháu tự chơi ngoài sân nhặt nhầm bả chó để ăn nên tử vong. Sau khi con mất, chị Thoa được bảo hiểm nhân thọ hỗ trợ 25 triệu đồng.

“Đứt ruột sau biến cố này, em nghĩ phải dùng số tiền làm một việc gì đó có ích. Em dùng số tiền đó giúp đỡ 1 cháu nhỏ tại địa bàn chữa bệnh ung thư máu và những hoàn cảnh khó khăn khác trên địa bàn. Từ ngày mất con, em càng thấm thía, sinh mạng con người là rất quý nên thường khuyên những người mẹ trẻ, những cô gái đã “trót dại” không nên phá thai và cưu mang họ”, chị Thoa tâm sự.

Mất con nhưng... cứu được những đứa trẻ khác

Bốn tháng trước có một người còn bỏ trước cửa nhà 1 cháu nhỏ đỏ hỏn, vợ chồng chị Thoa đã nuôi nấng như con ruột của mình. Thời điểm phát hiện, cháu bé mới khoảng hơn 10 ngày tuổi nằm bên lề đường, trước của quán ăn của gia đình chị Thoa.

Đáng chú ý trên người cháu bé có một tờ giấy có ghi  nội dung: "Mong chị cưu mang giúp con em với. Con sinh ngày 10 tháng 5 năm 2020. Em cám ơn chị".

Nhà tạm lánh của người mẹ trẻ từng “đứt ruột” khi mất con - 3
Đứa trẻ cùng tờ giấy nhắn nhủ được bỏ trước cửa hàng ăn của chị Thoa

Chị Thoa cho biết: “Chắc do mẹ của đứa bé không đủ điều kiện chăm sóc con nên mới phải bỏ lại con. Em không trách họ, chỉ thương cho đứa bé nên dành hết tình yêu của mình cho con, mong có thể bù đắp được những thiếu thốn khi thiếu đi một gia đình thực thụ”.

Không chỉ cưu mang thai phụ, từ năm 2014 đến nay, chị Thoa đã kết nối với nhiều nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ xây dựng được 10 căn nhà cho những người khó khăn, neo đơn tại địa bàn huyện Cư Jút.

Mới đây, chị Thoa xin phép chính quyền địa phương cho phép nuôi nấng các thai phụ theo đúng quy định. Đồng thời, trong các căn phòng dành cho các thai phụ, chị đóng thêm nhiều giường, tủ để mọi người sinh hoạt thuận tiện hơn.

Theo chủ nhân căn nhà tạm lánh, bên cạnh những yếu tố tích cực của đời sống hiện tại,  nhiều bạn trẻ vẫn có những lối sống, suy nghĩ “thoáng”. Điều này gây nên tình trạng mang thai ngoài ý muốn ngày càng nhiều.

Nhiều bạn trẻ không ý thức được việc làm cha mẹ, bảo vệ tính mạng của con cái nên quyết định phá thai. Vì vậy, chị muốn xây dựng “Nhà tạm lánh” này để giúp đỡ các bạn nữ lâm vào hoàn cảnh ấy, thêm yêu quý, trân trọng những sinh linh bé nhỏ.

Cũng theo chị Thoa, thời gian đầu, chồng chị không ủng hộ việc này nhưng dần dà lại góp sức vào. Thêm nữa, nhiều người còn nghĩ chị làm việc này là tiếp tay cho những cô gái trẻ. Gạt bỏ mọi thị phi, với tấm lòng nhân hậu, chị Thoa đã duy trì cho đến nay.

"Gia đình em may mắn có một quán ăn hoạt động hiệu quả, đủ kinh phí để trang trải, giúp đỡ cho khoảng 5-6 bà mẹ trẻ cùng một lúc. Trong thời gian qua, nhận thấy hiệu quả, ý nghĩa của nhà tạm lánh, nhiều mạnh thường quân cũng góp sức, ủng hộ công việc của vợ chồng em", chị Thoa cho biết thêm.

Ông Trần Thế Quang, chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, huyện Cư  Jút đánh giá, việc xây dựng nhà tạm lánh là hết sức ý nghĩa và nhân văn. 

"Chúng tôi cũng đã hướng dẫn chị Thoa đăng ký hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng lợi dụng, trục lợi từ hoạt động nhân đạo ý nghìa này. Ngoài ra, địa phương cũng cắt cử hội phụ nữ, đoàn thanh niên, cán bộ lao động xã hội tăng cường thăm hỏi, động viện để đảm bảo quyền lợi cho các cháu”, ông Trần Thế Quang, cho hay

Theo bà Trần Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Nông, chị Phạm Thị Thoa là một người rất tích cực, nhiệt tình với công tác từ thiện xã hội. Những năm qua, chị Thoa đã kết nối được với rất nhiều nhà hảo tâm, nhóm từ thiện trong và ngoài tỉnh tặng quà cho người  nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.