Nguy cơ từ 'kiếm việc làm qua mạng'
Nhu cầu sinh viên giúp việc theo giờ ngày càng tăng, kéo theo nhiều nhóm 'môi giới' việc làm sinh viên giúp việc ra đời tự phát trên mạng. Nhiều tình huống bi hài đã xảy ra từ kiểu kiếm việc làm qua mạng này…
Tìm việc kiểu “hên xui”
Không biết từ bao giờ, dịch vụ “môi giới” việc làm cho sinh viên rồi thu phí nở rộ trên mạng internet. Theo tìm hiểu, mức giá “giúp” các sinh viên tìm được việc của các nhóm này đưa ra từ 20 - 35 nghìn đồng/giờ. Trong khi đó nếu tự tìm việc, sinh viên có thể có được mức lương 40 nghìn đồng/giờ những trường hợp này rất ít.
Thế nhưng, dù thu phí hay miễn phí “môi giới” thì sinh viên vẫn phải tự liên lạc với chủ nhà để thỏa thuận công việc, giá cả.
Nguyễn Bảo Liên - quản trị trang sinh viên giúp việc theo giờ cho biết: Khi đang là sinh viên, mình thu phí của các sinh viên tìm việc rồi mới cung cấp số điện thoại, địa chỉ, thông tin việc làm cho các bạn tự đến.
Sau khi ra trường, có công việc ổn định, Liên quyết định không thu phí của sinh viên nên đăng công khai toàn bộ thông tin các gia đình có nhu cầu giúp việc lên trang mình quản lý.
Nguyễn Thị Duyên – sinh viên một trường Đại học ở Hà Nội đã phải ra về khi đạp xe gần 10km số đến một gia đình ở Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vì quên không gọi điện hẹn chủ nhà trước nên một bạn đến sớm hơn đã nhận việc mất.
Bạn Ngô Thuỳ Linh (Học viện Tài chính) từng bị mất 400 nghìn đồng “môi giới” cho trung tâm gia sư khi chủ nhà mà Linh tới liên hệ trả lời không có nhu cầu tìm gia sư.
Theo bạn Nguyễn Văn Trường, một thành viên trong CLB giúp sinh viên tìm việc cho biết từng gặp một anh gọi điện cần một sinh viên giúp việc theo giờ, anh này nói sống cùng mẹ nhưng khi đến chỉ thấy anh ta và bạn gái. CLB của Trường đã thẳng thắn từ chối ngay khi đó.
Chủ nhà tự đảm bảo tài sản
Để đảm bảo độ tin cậy tối đa cho chủ nhà, các nhóm sinh viên ngoài việc “điều tra” sinh viên ứng tuyển trên facebook ra còn yêu cầu sinh viên mang thẻ sinh viên và chứng minh thư nhân dân bản gốc để chủ nhà chụp lại, đồng thời nộp kèm một bản photo. Đây cũng là yếu tố “cần” để gia chủ yên tâm nhận các bạn sinh viên vào làm.
Trao đổi với PetroTimes, bạn Nguyễn Văn Sơn chủ nhiệm “CLB sinh viên yêu thích công việc part time” tự nhận thấy câu lạc bộ của mình có trách nhiệm nhất trong các nhóm sinh viên “môi giới” giúp việc hiện nay vì quy trình chặt chẽ. Cụ thể, CLB của Sơn sẽ lọc thông tin, điều tra facebook, kiểm tra giấy tờ tuỳ thân và trực tiếp đưa sinh viên đi để hạn chế tối đa rủi ro xảy ra.
Tuy nhiên, về vấn đề trách nhiệm của CLB với chủ nhà khi xảy ra trộm cắp, Sơn cho biết: “Bên mình không có trách nhiệm gì vì bên mình chỉ là cầu nối và không thu một đồng phí nào của chủ nhà”.
Theo Sơn, CLB chỉ có trách nhiệm hỗ trợ thông tin cho chủ nhà vì khi đưa đến, việc nhận hay không nhận sinh viên là quyết định của chủ nhà và CLB không can thiệp.
Sinh viên giúp việc theo giờ là việc bán thời gian hấp dẫn sinh viên
Trong quá trình câu lạc bộ hoạt động, Sơn đã từng gặp trường hợp chủ nhà nghi sinh viên lấy trộm điện thoại Iphone. Sơn giải quyết bằng cách nêu phương án cho chủ nhà đưa vụ việc ra pháp luật. “Cũng may là sau một thời gian không thấy vấn đề gì xảy ra cả”, Sơn thở phào.
Vợ chồng ông Bùi Tuấn Anh và bà Đinh Loan Phượng (Kim Ngưu, Hà Nội) đã tìm được 2 bạn sinh viên đều tên Trang giúp việc nhà theo giờ thông qua CLB của Sơn. Khi được hỏi lý do tại sao không tìm đến các trung tâm môi giới có giấy phép, bà Phượng cho rằng “Cái thực tế là người thực, việc thực mà cô liên hệ với các bạn ấy, tôi đã tìm được người ưng ý”.
Nhắc đến rủi ro có thể gặp phải, ông Bùi Tuấn Anh khẳng định: “Những người đến đây bắt buộc phải có giấy tờ tuỳ thân đầy đủ. Khi có thông tin đấy rồi mà có việc gì xảy ra đã có pháp luật giải quyết và nhóm (môi giới) đấy là nhóm gì cũng không quan trọng”.
Anh Bùi Huy Tuấn (Trần Hưng Đạo, Hà Nội), người có nhu cầu tìm sinh viên giúp việc 3 giờ mỗi ngày. Anh tự nhận mình là người tâm lý khi có thể linh động cho sinh viên về giờ giấc làm việc. Nhưng “về vấn đề hồ sơ thì vẫn phải chuẩn” và anh khẳng định sẽ không nhận nếu không có giấy tờ tuỳ thân. Dù vậy, anh cũng thừa nhận đó chỉ là phương án tạm yên tâm.
“Lòng người khó đoán. Nếu chủ định thì mình tránh không được”, anh Tuấn cho biết.
“Môi giới giúp việc qua mạng là vi phạm pháp luật”
Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật lao động hiện hành, thì tổ chức dịch vụ việc làm bao gồm trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.
Trung tâm dịch vụ việc làm được thành lập, hoạt động theo quy định của Chính phủ tại nghị định số 196/2013/NĐ-CP. Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp và phải có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh cấp.
Ngoài hai loại hình trên thì các chủ thể khác tiến hành các dịch vụ việc làm có đều là trái pháp luật.
Nếu các nhóm này không phải là một trong hai loại hình là Trung tâm giới thiệu việc làm hoặc doanh nghiệp thực hiện dịch vụ việc làm được cấp phép hợp pháp theo phân tích ở trên, cũng như việc thu phí tùy tiện, khi giới thiệu việc làm xong thì cũng kết thúc trách nhiệm của bên giới thiệu việc làm là trái với quy định của pháp luật về hoạt động dịch vụ việc làm, về quyền và nghĩa vụ của bên thực hiện dịch vụ việc làm.
Tức là hoạt động trái pháp luật. Việc này dẫn đến rủi ro là người có nhu cầu nhận việc, đặc biệt là các bạn sinh viên muốn làm thêm để trang trải thu nhập có thể sẽ bị lừa đảo chiếm đoạt phí giới thiệu việc làm; chất lượng việc làm không như mong muốn; dễ bị đối tượng xấu thực hiện các hành vi xâm hại về sức khỏe, danh dự nhân phẩm và tài sản của người lao động; cũng như rủi ro cho bên sử dụng lao động vì thông tin của các bên không được xác minh, kiểm chứng để nắm biết cả đối tượng cần giới thiệu việc làm và đối tượng có việc cần giới thiệu.
(Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP. Hà Nội)
Theo Báo Năng lượng mới