Nguy cơ chảy máu... phi công Việt vì chênh lệch tiền lương

Hoa Lê

(Dân trí) - Liên quan đến những bất cập trong việc chi trả tiền lương của phi công, cơ quan soạn thảo đang xây dựng dự thảo nghị định đề xuất bổ sung quy định tính thêm nguồn tiền lương trả cho phi công Việt.

Bất cập tiền lương của phi công

Theo Bộ Tư pháp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2020/NĐ-CP thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong đó có Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA).

Tiếp đó, Chính phủ đã tiếp tục ban hành Nghị định số 87/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2020/NĐ-CP. Cơ chế thí điểm tiền lương theo Nghị định số 20/2020/NĐ-CP và Nghị định số 87/2021/NĐCP đã tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong xác định tiền lương, trả lương.

Theo đó, tiền lương của người lao động và người quản lý được tăng lên đáng kể, tạo sự cân đối, hợp lý trong hệ thống phân phối tiền lương gắn với hiệu quả công việc.

Đối với VNA, Nghị định số 20/2020/NĐ-CP, Chính phủ cho phép bổ sung phần chênh lệch giữa tiền lương của phi công Việt Nam và phi công nước ngoài để tính đơn giá tiền lương với điều kiện lợi nhuận kế hoạch năm 2020 không thấp hơn lợi nhuận thực hiện bình quân giai đoạn 2018-2019.

Tuy nhiên, theo báo cáo, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, VNA chưa được tính bù chênh lệch tiền lương của phi công Việt Nam so với phi công nước ngoài vào đơn giá khoán vì Tổng công ty không đảm bảo về điều kiện lợi nhuận.

Đến nay, do tác động của dịch Covid-19, tình trạng tiền lương của phi công Việt Nam càng trở nên bất cập hơn so với tiền lương của phi công nước ngoài, quỹ tiền lương hiện nay của VNA không đủ bù đắp tiền lương phi công Việt Nam.

Từ đó, tình trạng "chảy máu nguồn lao động phi công Việt Nam" có thể xảy ra trong thời gian tới.

Vì vậy, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP và Nghị định số 87/2021/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc chi trả lương cho phi công người Việt Nam.

Từ các căn cứ và quy định nêu trên, việc trình Chính phủ ban hành Nghị định bổ sung Nghị định số 87/2021/NĐ-CP về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP là có cơ sở và phù hợp thẩm quyền.

Nguy cơ chảy máu... phi công Việt vì chênh lệch tiền lương - 1

Đề xuất trả thêm tiền lương cho phi công (Ảnh: VNA).

Tuy nhiên, để làm rõ hơn sự cần thiết ban hành Nghị định này, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung, làm rõ thêm tại tờ trình trong đó nêu rõ các khó khăn, vướng mắc trong việc trả lương, có so sánh đầy đủ, tổng thể cơ chế trả lương cho phi công là người Việt Nam và phi công người nước ngoài.

Cùng với đó, rà soát mức độ chênh lệch lương của phi công Việt Nam và phi công là người nước ngoài; mức độ chênh lệch lương của các đối tượng này ở các hãng hàng không khác để có căn cứ đánh giá, đề xuất phương án xử lý.

Trả thêm tiền lương cho phi công là cần thiết

Dự thảo Nghị định đề xuất bổ sung quy định cho phép VNA được tính thêm nguồn tiền lương trả cho phi công Việt Nam.

Theo đó, hằng năm sau khi xác định quỹ tiền lương theo quy định chung và trả lương cho người lao động, mà thực tế tiền lương của phi công là người Việt Nam thấp hơn tiền lương của phi công nước ngoài cùng làm việc thì VNA được bổ sung nguồn tiền lương để trả cho phi công là người Việt Nam.

Cụ thể, nguồn tiền lương bổ sung tối đa được dựa vào chênh lệch giữa mức tiền lương (trích từ quỹ tiền lương hằng năm) của phi công là người Việt Nam so với mức tiền lương của phi công là người nước ngoài cùng làm việc cho VNA tương ứng theo nhóm chức danh trong cùng đội bay, thời gian làm việc.

Việc bổ sung nguồn tiền lương để trả thêm cho người lái máy bay là người Việt Nam là cần thiết.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, chỉnh sửa để bảo đảm nguồn tiền lương tăng thêm chỉ được sử dụng để trả cho người lái máy bay là người Việt Nam; không chi trả cho các đối tượng khác; việc chi trả tiền lương tăng thêm căn cứ vào thời gian làm việc thực tế của người lái máy bay.

Về hiệu lực thi hành thực hiện từ ngày 1/1/2023, Bộ Tư pháp cho rằng, theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020): "Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước".

Vì vậy, đơn vị này đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, xem xét làm rõ các căn cứ về tính cần thiết của việc quy định hiệu lực trở về trước của dự thảo Nghị định này.