Ngưỡng 2015 và áp lực chất lượng lao động
Lao động Việt Nam có quy mô lớn nhưng số lượng lao động có chuyên môn, tay nghề và trình độ đáp ứng điều kiện, yêu cầu hội nhập khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào năm 2015 còn rất hạn chế.
Tính đến tháng 4/2014, quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là 53,8 triệu người, trong đó ở độ tuổi lao động là 47,52 triệu người, nhưng tỷ lệ lao động vào thị trường lao động chính rất thấp, chỉ khoảng 30%.
Chất lượng lao động nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Khoảng 45% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, năng suất và thu nhập thấp, hầu hết là lao động chưa qua đào tạo. Hiện chỉ có 18,38% lao động có bằng cấp, chứng chỉ qua đào tạo, trong đó có 7% là lực lượng lao động có bằng đại học trở lên. Tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên chủ yếu tập trung ở TP.HCM và Hà Nội.
Thêm vào đó, trình độ ngoại ngữ của lao động có tay nghề, có trình độ đại học còn hạn chế, đây là rào cản lớn trong quá trình hội nhập với khu vực và thế giới. Giả định, lực lượng lao động qua đào tạo và có bằng đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ là lực lượng chính để tham gia hội nhập và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường lao động khu vực thì đây là điểm yếu của lao động Việt Nam.
Liên quan đến thị trường lao động, không thể không nhắc đến yếu tố tiền lương, giá cả sức lao động. Tiền lương trong các doanh nghiệp hiện nay chưa phải là kết quả của quá trình thương lượng, thỏa thuận giữa người lao động và chủ sử dụng lao động, chưa dựa trên năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Tốc độ tăng lương thấp cho thấy kết quả tăng trưởng kinh tế chưa được chia xứng đáng cho người lao động, trong khi một số nhà kinh tế cho rằng, tốc độ tăng tiền lương thực tế và GDP đạt mức hợp lý khoảng 70%.
Tranh chấp lao động chủ yếu là về tiền lương (hơn 80% các cuộc đình công là đòi tăng lương hoặc trả đúng lương, nhất là lương làm ngoài giờ, tiền thưởng, ăn giữa ca...) xảy ra tại các doanh nghiệp FDI. Nhiều doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI ngoài thực hiện chính sách tiền lương thấp, chậm trả lương còn không thực hiện trách nhiệm bảo hiểm xã hội đối với người lao động.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. So với các nước ASEAN có thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.
Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đang giảm đi. Giai đoạn 2002 - 2007, tăng năng suất lao động trung bình 5,2% mỗi năm, nhưng từ suy thoái kinh tế năm 2008, tốc độ tăng chậm lại, chỉ còn 3,3%.
Năm 2015, ASEAN gồm 10 quốc gia với dân số hơn 620 triệu người, trong đó 300 triệu người trong lực lượng lao động. Ba quốc gia có tổng lực lượng lao động chiếm tỷ trọng lên đến 70% là Indonesia 40%, Philippines 16% và Việt Nam 15%.
Cộng đồng AEC có quy mô 2,2 ngàn tỷ USD GDP, thu nhập bình quân đầu người là 3.100USD, nhưng khoảng cách chênh lệch thu nhập lớn, giao động 1.000USD một người (Campuchia, Myanmar) đến 40.000USD một người (Singapore). Sự chênh lệch trong thu nhập có thể là nguyên nhân khách quan, tự phát thúc đẩy di chuyển lao động trong khối.
Mục tiêu của AEC là hướng tới một khu vực ASEAN ổn định, thịnh vượng, cạnh tranh cao, sự di chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, di chuyển tự do các luồng vốn, các chuyên gia và lao động được di chuyển tự do hơn.
Tám ngành nghề lao động dự kiến trong AEC được tự do di chuyển qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ sư, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Điều này cho thấy yêu cầu về chất lượng nhân lực cao, nhân lực phải được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
AEC hình thành chắc chắn giúp thị trường lao động ASEAN sôi động hơn, nhưng hiện nay chủ yếu di chuyển vào thị trường Singapore, Malaysia và Thái Lan. Kết quả khảo sát các chủ sử dụng lao động tại 10 quốc gia ASEAN của ILO, công bố tháng 5/2014, cho thấy các doanh nghiệp đang rất lo ngại về tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ năng, tay nghề.
Các kỹ năng cần nhất là quản lý và lãnh đạo, tiếp đến là kỹ năng chuyên môn, tay nghề và dịch vụ khách hàng. Nhưng gần 50% chủ lao động tham gia khảo sát cho biết người lao động tốt nghiệp phổ thông không có được kỹ năng họ cần. Trong khi đó, hơn 50% nói rằng cử nhân tốt nghiệp đại học có được những kỹ năng cần.
Với thực trạng lao động của Việt Nam và các điều kiện, yêu cầu của thị trường di chuyển lao động có tay nghề và đào tạo trong khu vực ASEAN, Việt Nam cần tích cực hơn trong phát triển thị trường lao động trong nước, tập trung vào hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động khu vực cả về quy mô, chất lượng và cơ cấu ngành nghề.
Theo PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến - Ban Kinh tế Trung ương/Báo Doanh nhân Sài Gòn