Người viết thư thuê cuối cùng ở Sài Gòn

“Một bức thư không chỉ truyền đạt thông tin mà còn chứa đựng những tâm tư tình cảm của người viết. Do vậy để dịch được một bức thư từ tiếng Anh, tiếng Pháp sang tiếng Việt hoặc ngược lại từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài sao cho trọn ý, mềm mại là điều không hề dễ dàng…”

“...Người dịch phải nắm rõ được tâm ý của người viết gửi trọn vào câu từ trong thư, để từ đó mỗi câu mỗi từ cũng phải truyền đạt được tình cảm họ đến với người nhận... Lúc đó người dịch thuật mới làm tròn cái tâm và tâm huyết với nghề của mình”.

Gần trọn cuộc đời, cụ Dương Văn Ngộ (86 tuổi) đã sống, gắn bó với nghề độc đáo với những nét chữ mềm mại, tỉ mỉ đến từng chi tiết, còn chất chứa trong đó là biết bao tâm huyết của người viết thư và tâm tư tình cảm của người thuê viết. Nay đã bước qua ngưỡng cửa của cái tuổi “gần đất xa trời”, tay chân không còn nhanh nhẹn, mắt dần mờ đục, nhưng cụ bảo sẽ sống trọn đến ngày cuối cùng của cuộc đời với cái “nghiệp” viết thư tay.

Hồi ức một thời vàng son

Bước vào bưu điện TP HCM, người ta sẽ thấy ở một góc phòng là một cụ già tóc đã bạc trắng, tay trái run run cầm chiếc kính lúp soi chữ, tay phải cầm bút miệt mài dịch từng dòng thư cho những vị khách ngoại quốc lẫn Việt Nam. Bên chiếc bàn dành cho khách ngồi viết lách và dán tem thư, cụ bắt đầu câu chuyện về cuộc đời gắn bó với nghiệp viết thư thuê.


Dù đã ở độ tuổi xế chiều, cụ Ngộ vẫn cần mẫn với nghề

Dù đã ở độ tuổi xế chiều, cụ Ngộ vẫn cần mẫn với nghề

Cụ vốn là người gốc Hoa, sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, gia đình có sáu anh, chị, em; cụ là con thứ 5. Thời xưa, cha cụ làm nghề thợ nguội, mẹ mưu sinh bằng nghề vá bao bố. Dù cả ngày cật lực làm lụng nhưng cuộc sống vẫn chật vật, ăn bữa hôm đói bữa mai nên từ nhỏ cụ và các anh chị đã phải nghỉ học để cùng cha mẹ bươn chải làm thuê.

Cậu học trò nghèo hiếu học năm 1942 được nhận vào học ở trường Petrus Ký (nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM). Dưới thời Pháp thuộc, ngôi trường này chủ yếu dạy tiếng Pháp nên cụ đã nói và viết được tiếng Pháp khá thành thạo.

Sau khi tốt nghiệp, vì cuộc sống khó khăn, không có điều kiện được tiếp tục đi học nên cụ xin vào làm lao công ở Bưu điện Sài Gòn. Năm đó mới chưa tròn 16 tuổi nhưng với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, chỉ trong vòng hai năm, cụ được cất nhắc lên vị trí quản lý lao công. Năm 18 tuổi, Bưu điện Sài Gòn tuyển công chức ngành viễn thông, cụ nộp hồ sơ và thi đậu, sau đó không lâu được giao giữ chức Chánh sự bộ (thư ký).

Ông cụ cười hiền, ánh mắt như sáng hẳn lên: “Thời đó cha mẹ tôi mất sớm, để lại mấy anh chị em phải nương tựa vào nhau. Ai cũng làm thuê làm mướn, để có được một công việc ổn định tưởng chừng như chỉ trong mơ. Hôm tôi biết tin mình chính thức trúng tuyển thì gần như cả đêm hôm ấy tôi không thể chợp mắt được vì hạnh phúc khi được làm công việc yêu thích của mình, vừa nuôi sống được gia đình...”.

Cụ kể, công việc khi mới vào nghề chủ yếu là kiểm kê, dán tem, đóng dấu và giúp những người khác viết địa chỉ bằng tiếng Pháp, thỉnh thoảng có người nhờ dịch thuật thư từ tiếng Pháp sang tiếng Việt hoặc ngược lại.

Năm 36 tuổi cụ được cử đi học thêm lớp tiếng Anh. Hồi ức, hồi đó công nghệ thông tin chưa phát triển như bây giờ, người ta chủ yếu chỉ thông tin qua lại bằng thư tay. Thư từ trong nước chuyển ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài chuyển về cũng chỉ qua con đường này. Nên hầu như ngày nào ở bưu điện cũng rất đông người chen chúc, chờ đợi. Có thời kỳ cao điểm, một ngày cụ phải viết, dịch thuật hàng chục, có khi hàng trăm cánh thư.


Năm 2009, cụ Ngộ được công nhận kỷ lục là “người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam.

Năm 2009, cụ Ngộ được công nhận kỷ lục là “người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam".

Gần 50 năm trong nghề, không biết bao nhiêu cánh thư đã qua bàn tay và khối óc cụ để “bay” ra thế giới. Đến năm 1990, cụ được về nghỉ hưu. Nhưng đối với cụ, mỗi ngày được gắn bó ở Bưu điện thành phố, được làm công việc “truyền tin” và gặp những vị khách khắp nơi trên thế giới không còn đơn thuần là cuộc chạy gạo mưu sinh mà đã là niềm vui trong cuộc sống, nên cảm giác những ngày đầu “về vườn” cụ bảo “đôi tay cứ “ngứa ngáy”, buồn đến độ muốn chết...”.

Không chịu đựng được những nỗi buồn “gặm nhấm”, cụ lại đạp chiếc xe cọc cạch đến cơ quan cũ chỉ để được gặp và trò chuyện với đồng nghiệp trong giờ nghỉ, được thỏa sức chuyện trò với những người bạn ngoại quốc: “Họ hỏi tôi rất nhiều về Việt Nam, về những danh lam thắng cảnh và con người đất nước ta. Mỗi lần như thế tôi lại được tự hào giới thiệu bản sắc của nước mình...”.

Tâm huyết từng câu chữ

Sau nhiều lần trở lại thăm cơ quan cũ, chứng kiến cảnh nhiều lớp nhân viên trẻ của bưu điện còn thiếu kinh nghiệm, làm việc có phần chậm trễ trong khi khách chờ đợi rất đông và nhu cầu dịch thư rất lớn nên cụ xông xáo xắn áo phụ giúp. Dần dần cụ đề đạt ban lãnh đạo tạo điều kiện để mình hỗ trợ dịch thuật, viết thư thuê khi khách có nhu cầu.

“Ban lãnh đạo bưu điện nghe xong liền đồng ý ngay. Họ cũng tạo điều kiện cho tôi được làm việc ở bàn ghi chép và được ăn uống nghỉ ngơi ở một phòng nhưng tôi luôn tâm niệm phải gắng làm việc hết khả năng của mình, còn lại tôi không muốn ảnh hưởng hay liên lụy gì đến mọi người nên đã từ chối mọi đãi ngộ khác...”

Cụ nhớ lại, thời đầu khi mới bén duyên với nghề viết thư thuê, ở Sài Gòn cũng có rất nhiều người theo nghề này. “Những năm ấy chưa có nhiều trung tâm dịch thuật, Internet và công nghệ gửi thư qua email, điện thoại thông minh cũng chưa phát triển như bây giờ… nên nghề “viết thư thuê” được xem là nghề của trí thức và phát triển rất thịnh. Những ai biết đọc và viết được tiếng Pháp, tiếng Anh thì mỗi ngày có thể thu nhập rất khá”.

Ngoài viết thư, hồi trước một ngày có đến gần chục người tìm đến nhờ dịch thuật. Tuy nhiên ngày nay số khách cũng dần giảm đi. Những đồng nghiệp cũng đều đã “rơi rụng”, người trẻ không có ai theo nghề, chỉ còn lại một mình cụ đeo đuổi cái nghiệp viết thư tay.

Ông cụ chia sẻ: “Một bức thư không chỉ truyền đạt thông tin mà còn chứa đựng những tâm tư tình cảm của người viết. Do vậy để dịch được một bức thư từ tiếng Anh, tiếng Pháp sang tiếng Việt hoặc ngược lại từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài sao cho trọn ý, mềm mại là điều không hề dễ dàng.

Người dịch phải nắm rõ được tâm ý của người viết gửi trọn vào câu từ trong thư, để từ đó mỗi câu mỗi từ cũng phải truyền đạt được tình cảm họ đến với người nhận... Lúc đó người dịch thuật mới làm tròn cái tâm và tâm huyết với nghề của mình”. Do vậy, những vị khách từng tìm đến, được cụ tận tình giúp đỡ đã dần dần “bắt rễ”, mỗi khi cần viết thư cho người thân ở nước ngoài, họ đều không quên ghé lại.

Đã giữa trưa, cụ Ngộ vẫn cần mẫn cầm kính lúp soi chữ, tay phải hí hoáy đưa những nét chữ luyến láy, tỉ mỉ. Trên bàn làm việc là những quyển từ điển đã cũ kỹ sắp xếp ngăn nắp. Người phụ nữ đã luống tuổi ngồi bên cạnh xúc động kể: “Con trai tui định cư ở Pháp đã lâu. Tui nhớ con mà không biết làm cách nào. Tuy nhà không phải nghèo khó nhưng tui không dùng được email nên đến đây nhờ ông ấy viết giúp vài dòng cho các con ở bên đó... chỉ mong vơi được nỗi nhớ trong lòng. Tui vì đường sá xa xôi nên gần trưa mới đến được, thấy ông đang nghỉ tui định bắt xe về nhưng rồi ông biết chuyện đã không ngần ngại giúp đỡ... tui thật rất biết ơn ông”.

Đã hơn 26 năm, dù đã ở ngưỡng cửa “gần đất xa trời”, tay chân đã không còn nhanh nhẹn, đôi mắt cũng không còn sáng như ngày trẻ, cụ Ngộ vẫn theo nghề. Mỗi ngày, cụ đều thức dậy từ rất sớm, cùng người con gái chăm lo từng bữa ăn cho người vợ đang lâm trọng bệnh đã nhiều năm nay phải nằm liệt giường. Xong xuôi mọi việc đã 8h kém cụ mới rời nhà, đạp chiếc xe cũ kỹ từ phía cầu Thị Nghè đến bưu điện làm việc như thường lệ. Đến 4h chiều cụ lại cần mẫn đạp xe trở về, môi luôn nở nụ cười hiền hậu.

Giá rẻ bất ngờ:

Cũng tùy vào độ dài ngắn của bức thư, mỗi trang thư hồi trước cụ được trả công 5 nghìn đồng, đến nay tăng lên 15 nghìn đồng. Cụ nói: “Đối với tôi, công việc chỉ như thú vui lúc tuổi về già. Chỉ có ai nhờ tôi dịch thuật, công việc phức tạp tôi mới nhận tiền, còn lại những việc đơn giản như viết một địa chỉ hoặc một vài dòng trên bưu thiếp thì tôi đều miễn phí...”. “Nhiều người ngoại quốc đã từng nhờ tôi dịch thư, sau khi họ trở về nước đã gửi bưu thiếp bày tỏ niềm xúc động, cảm ơn tôi. Cũng nhiều người sau đó có cơ hội trở lại Việt Nam đều đến hỏi thăm, chúc tôi tiếp tục sống khỏe để theo nghề...”, cụ xúc động kể. Năm 2009 cụ Ngộ đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục là “người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam”.

Theo Báo Pháp luật VN