Người Việt cần cù nhưng...lạc hậu: Nếu không đã như châu Phi!
"Cần cù nhưng không hiệu quả, không có năng suất thì cũng không được, nên hướng tới nó phải gắn với nhau".
TS Phạm Quý Hiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hỗ trợ phát triển nông thôn, Hội Khoa học Đông Nam Á đưa ra quan điểm của mình trước câu chuyện người Việt lười hay không lười.
Bản chất là cần cù nhưng ....lạc hậu!
PV:- Vừa qua, theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường GCOMM, với sự tham gia của 1.005 sinh viên, du học sinh, trí thức trẻ (18-35 tuổi) trên cả nước, khi được hỏi về những đức tính của người Việt trong quá khứ và hiện tại, thì hầu hết đều chọn đức tính cần cù, thân thiện, tỷ lệ lên tới hơn 80%. Thế nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng con số điều tra này không phản ánh được thực tế đang diễn ra trong xã hội hiện nay. Quan điểm của ông ra sao?
TS Phạm Quý Hiệp:- Tính cần cù lao động của người VN vốn có truyền thống từ lâu đời và giờ đã trở thành một nếp sống văn hóa.
Thậm chí, nhiều nước phương Đông, trên thế giới phải công nhận, vì nó được chứng minh từ lịch sử, nhờ có tính cần cù và nhẫn nại mà người dân ta làm được rất nhiều việc, từ khai khẩn đất hoang cả đồng bằng Nam Bộ, cho đến đồng bằng Bắc Bộ, hình thành các khu trù mật, chủ yếu dựa vào cần cù lao động.
Lúc đó cũng chưa có các phương tiện, máy móc, mà các công trình lớn như vậy nếu không có tính cần cù thì không thể làm được, tất cả những điều này đều đã được chứng minh.
Tôi nói ngay riêng chuyện đê điều của Bắc Bộ, Trung Bộ nếu ghép lại thì không thua gì Vạn lý trường thành của Trung Quốc, tất nhiên cái này phải do cần cù mà tạo nên.
Chứ còn bây giờ chúng ta đang có quan niệm theo tôi chưa chuẩn. Đó là năng suất lao động mà năng suất phụ thuộc nhiều yếu tố. Đáng quan tâm là năng suất lao động của chúng ta so với vùng Đông Nam Á là thấp, thấp không phải là do không chịu khó, cần cù, mà do trình độ kỹ thuật không được đào tạo, so với các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan.
Đơn giản, bởi họ có quá trình phát triển kinh tế cho nên lực lượng lao động được đào tạo, năng suất chủ yếu dựa vào lao động quá khứ, chứ không phải lao động hiện tại, còn phải công nhận việc đào tạo nghề của chúng ta hiện nay còn nhiều bất cập, chưa đạt được, vì chưa đạt nên nó không phục vụ được năng suất máy móc, cho nên hiệu quả thấp.
Dĩ nhiên, cái này không thuộc cần cù hay không cần cù, chỉ cần nếu đào tạo đến nơi đến chốn thì chắc chắn lao động, thành quả sẽ tốt hơn, thậm chí cao hơn các nước khác, vì chúng ta sẵn có văn hóa cần cù lao động.
Mặt khác, nước ta mới đổi mới, phát triển nhưng công nghệ phần nhiều còn lạc hậu chưa tiên tiến, khi người lao động hoạt động trong điều kiện mà máy móc trang thiết bị kỹ thuật thấp thì đương nhiện hiệu quả thấp.
Cho nên theo tôi, quan niệm năng suất lao động thấp không phản ánh được trung thực tính cần cù lao động của người VN.
PV: - Một thực tế hiện nay đang xảy ra, nông dân dù có cần cù chăm chỉ lao động nhưng hiệu quả kinh tế thu được lại quá thấp hoặc lỗ to: đua nhau trồng cao su nhưng khi thu hoạch thì bán không được, giá thành thấp; thu hoạch thanh long, dưa hấu, củ cải… thì không bán được phải cho bò ăn hoặc bỏ thối tại ruộng…chính những điều này dẫn đến tình trạng người nông dân nản lòng, nhiều người bỏ ruộng trong khi không kiếm được việc làm khác.
Có thể gọi những người như thế là lười biếng không? Theo ông, đánh giá sự cần cù chịu khó lao động hiện nay có cần phải thêm điều kiện hiệu quả không, vì sao?
TS Phạm Quý Hiệp:- Theo tôi thì điều đó hoàn toàn không đúng, bởi vì nếu nói riêng về nông dân và mặt trận nông nghiệp, nông thôn thì bản tính, bản chất cần cù lao động của người VN vẫn tốt, thậm chí có thể phát huy 1 cách tốt hơn.
Thế nhưng, hiện nay nó xảy ra một số chuyện, ví dụ như hàng hóa nông phẩm không bán được vì phụ thuộc vào thị trường, thì ít nhiều nó sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng sản xuất của họ, tư tưởng này chính vì cần cù cho nên người nông dân tìm hết cây này đến cây khác, để trồng, kiếm hàng hóa để bán.
Nếu dân ta không cần cù như các nước châu Phi thì đã bỏ ruộng hoang, nhưng dân ta lại khác, nếu không bán được dưa thì trồng bí, không bán được bí thì trồng ngô, không bán được cao su thì trồng cafe, cái này phản ánh rất trung thực tính cần cù, nhẫn nại của họ, chứ không thể nói không có tính cần cù.
Để khắc phục chuyện này, về doanh nghiệp vĩ mô nhà nước phải giải quyết, tìm hiểu được thị trường để chỉ đạo sản xuất, nếu có thị trường thì sản xuất mới tốt được. Có thị trường rồi thì phải công nhận chất lượng hàng hóa chưa thật tốt, về phương diện vĩ mô cũng như người sản xuất.
Trong thời gian tới, phải tập trung vào nâng cao chất lượng kỹ thuật, ví dụ như nông sản phẩm thì phải tập trung đi mạnh vào an toàn thực phẩm, tức là giữ cho nguồn nước sạch, đất sạch, hạn chế các loại thuốc trừ sâu, mà người ta tăng cường thuốc sinh học, nâng cao chất lượng sản phẩm, như vậy mới bán được.
Gần đây, Bộ NNPTNT cũng đã chỉ rõ, muốn nâng cao chất lượng nông sản phẩm, thực phẩm thì phải sử dụng 80% số thuốc, giảm đi 50% lượng thuốc dùng hiện nay.
Điều này cho thấy, cần cù với hiệu quả lao động, nếu xét mặt nào đó nó cũng không phụ thuộc vào nhau, nhưng nếu để ở mức cao hơn, hiện đại hơn thì hai cái phải gắn vào với nhau. Cần cù nhưng không hiệu quả, không có năng suất thì cũng không được, nên hướng tới nó phải gắn với nhau. Khi đó thì nó cần đến các yếu tố đào tạo nguồn nhân lực, thay đổi trang thiết bị.
Cần cù phải gắn liền với trí tuệ
PV: - Tương tự như với người nông dân, đội ngũ công chức cũng bị dư luận đánh giá có tới 30% công chức cắp ô, nghĩa là những người này vẫn đảm bảo giờ giấc, ngày công làm việc đầy đủ, họ mẫn cán, cần cù một cách hình thức trong khi hiệu quả công việc thì hầu như không có. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lên tiếng nhiều lần về công chức như thế nhưng việc cắt giảm biên chế vẫn không có chuyển biến gì.
Như vậy là có một nghịch lý đã xuất hiện: hiệu quả thấp mà vẫn cần cù mẫn cán? Phải gọi sự cần cù mẫn cán ấy là gì, thưa ông? Nếu có thể, xin ông phân tích các nguyên nhân dẫn đến sự trái khoáy nghịch dị nêu trên?
TS Phạm Quý Hiệp:- Cần cù lao động phải gắn với hiệu quả, gắn với lợi ích kinh tế, cho nên khi người nông dân họ sản xuất trên mảnh đất của họ, họ làm cả ngày cả đêm, không có giờ nghỉ, để vào mùa vụ họ có hàng hóa, có thu nhập.
Nhưng nếu nhìn thẳng vào sự thật hiện nay các cán bộ viên chức có hiệu quả làm việc không cao, không cao ở đây do mấy lý do không phải phụ thuộc vào ý thức của họ, mà bản thân người lao động dù là ở cơ quan xí nghiệp, hay nông dân, công nhân thì tính cần cù luôn gắn liền với lợi ích kinh tế để họ phát triển.
Hiện nay, 1 số cơ quan nhà nước đặc biệt các công ty không định hướng được việc làm, thậm chí định hướng chưa tốt năng suất lao động, sản phẩm, nên hầu như công việc ít, phụ thuộc vì quản lý không chặt chẽ, cho nên không tận dụng được hết lao động, thậm chí muốn làm nữa nhưng không có việc.
Tuy nhiên, cái này muốn giải quyết thì các cơ quan nhà nước phải vào cuộc, chính vì thế giờ người ta sắp xếp lại các cơ sở sản xuất cũng là một định hướng để nâng cao năng suất lao động. Chứ không phải hoàn toàn phụ thuộc vào người lao động, mà chính vì tổ chức, quản lý công việc ở các cơ sở chưa tốt. Nếu cải tiến như thế này thì năng suất lao động sẽ cao, đạt hiệu quả tốt.
Trong tình trạng hiện nay, một số người làm cơ sở sản xuất nhà nước còn chưa được thực hiện hết giờ giấc do khâu tổ chức chưa tốt, nhưng do bản chất cần cù nên khi về nhà họ tổ chức làm thêm rất nhiều, chứ không phải họ lười lao động. Cho nên phải làm thêm, mà làm thêm giải quyết được kinh tế cho bản thân họ, cho đất nước.
PV: - Trong xã hội hiện nay, lao động trí tuệ luôn được đánh giá rất cao, có thể lương của một lập trình viên công nghệ thông tin lên tới 3000-4000 USD/tháng. Nhưng họ chỉ cần làm 6h/ngày, thay vì phải làm vất vả từ sáng sớm đến tối muộn như người nông dân. Lương cao, làm ít, hiệu quả lại nhìn thấy rõ. Thực tế này phản ánh điều gì và tư duy của chúng ta về sự cần cù chịu khó có phải bổ sung thêm những điều kiện mới không, vì sao, thưa ông?
TS Phạm Quý Hiệp:- Về cần cù lao động phải gắn với đào tạo nghề nghiệp, nâng cao trí tuệ người lao động, tổ chức sản xuất đúng hướng và có kế hoạch thì phát triển mới tốt, bắt buộc phải đi theo con đường đó.
Các nước cũng thế, còn vấn đề một số ngành mà sản xuất đi vào điện tử, công nghệ tin học làm 6h mà lương cao chuyện đó là đương nhiên, Mỹ hay các nước tiên tiến đều đang diễn ra thực tế ấy, trong quá trình phát triển họ tận dụng lao động của quá khứ, cho nên đi vào ngành đào tạo, đầu tư, có trí tuệ hưởng lương cao là đương nhiên.
Thế nhưng, trong XH không phải ai cũng đi vào việc ấy được, xã hội đã phân công có việc này, việc nọ, đặc biệt về nông nghiệp, giá trị kinh tế thấp, đầu tư của người nông dân vào đồng ruộng chủ yếu là bằng sức lao động, trí tuệ không yêu cầu thật cao như lao động quá khứ, cũng như công nghệ thông tin.
Muốn trở thành CNTT có tài, phải học 5 năm thậm chí 7 năm, người nông dân học phổ thông xong, chỉ cần tiếp tục lao động là được. Hai mặt trận hoàn toàn khác nhau, để nói lên là tất cả phụ thuộc vào vấn đề đào tạo, trí tuệ người lao động.
Bản thân người nông dân cũng có thể thu nhập cao, ví dụ như nông dân tại Israel lương rất cao, vì trình độ sản xuất nông nghiệp của người sản xuất tương tự như một kỹ sư được đào tạo lâu năm, tuy không qua trường lớp, học vị không bằng một kỹ sư, nhưng trong quá trình đào tạo, họ qua lớp này lớp nọ, sách vở, rồi qua thực tiễn mà đạt trình độ cao, năng suất lao động, hiệu quả lao động lớn. Dù trước đây, nông nghiệp của Israel gặp nhiều khó khăn nhưng hiện nay nó là nước phát triển nông nghiệp thu nhập rất cao.
Sắp tới người nông dân Việt cũng phải đào tạo như vậy, để khi trồng cây thì biết giống nào thì tốt, mùa vụ nào là thích hợp, rồi có loại sâu bệnh gì phát triển sớm, nắm chắc như lòng bàn tay thì hiệu quả sẽ cao hơn.
Bên cạnh đó, các nước sản xuất làm gì thắng lợi cái đó, họ có thị trường tương đối vững chắc, định hướng rất tốt. Israel chuyên sản xuất những nông sản phẩm cao cấp, như chuyên hoa hồng, có loại hoa bán với giá 3-4 USD/bông, đắt máy lần 1kg lúa của Việt Nam, nhưng họ phải có thị trường, không phải ai cũng làm được, phẩm chất hàng hóa đạt mức độ cao mà cả thế giới phải công nhận.
PV: - Xin được hỏi một câu riêng tư, nếu phải tự đánh giá bản thân mình có cần cù chịu khó hay không, ông sẽ trả lời như thế nào?
TS Phạm Quý Hiệp:- Riêng với bản thân mình, tôi có thể tự hảo nói mình rất cần cù, thời trai trẻ lăn xả trên các mặt trận hoạt động, cho đến bây giờ dù đã hơn 70 tuổi nhưng tôi vẫn tham gia rất nhiều tổ chức như Tập đoàn giáo dục của ASEAN, Hội khoa học bảo vệ thực vật, Phó chủ tịch Hội khoa học Đông Nam Á, viết sách thường xuyên, nếu không cần cù thì sẽ không làm được.
Theo tôi, bản thân các nhà khoa học VN nhìn chung dù có đang đương chức, hay đã nghỉ hưu thì họ vẫn đang làm việc rất tốt, cho nên quốc gia mới đánh giá, những nhà khoa học ở Hội cao tuổi như một thư viện, một kho tàng trí tuệ của đất nước.
- Xin cảm ơn TS đã chia sẻ với Đất Việt!
Theo Báo Đất Việt